"10 phần khó nhọc nuôi cháu lớn khôn là công của ông"
Từ khi ra đời, Ly chưa từng biết mặt bố mình là ai. Ly lớn lên với ông bà ngoại năm nay 77 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội.
6 tuổi, cô gái nhỏ bắt đầu biết đến sự tủi thân khi thiếu vắng tình yêu thương của mẹ cha. Ly khao khát một lần được gặp bố. "Nhưng chưa lần nào người ấy đến tìm gặp em". Thương cháu, ông bà Thục làm đủ nghề vì mục tiêu lớn nhất cuộc đời là Ly phải được đi học.
Bữa ăn tối sau ngày thi đầu tiên. Ảnh: Thuý Nga
Đến giờ, ngồi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, bà Thục vẫn thường nhắc nhở cháu: "10 phần khó nhọc, khổ sở nuôi cháu lớn khôn đều là công của ông".
Trong trí nhớ của bà, người đàn ông này – khi ấy đã hơn 60 tuổi – ngoài thời gian nấu rượu, nuôi lợn, vừa phải tất bật ninh gạo, cho vào vải xô, vắt lấy nước vì thương cháu khát sữa. Còn bà Thục vẫn ngày ngày đi buôn thêm vài ba lạng chè khô, thuốc lào để kiếm đồng ra, đồng vào.
Cả tuổi thơ của Ly đều đầy ắp bóng dáng của ông bà, từ bữa ăn đến giấc ngủ.
"Từ mẫu giáo đến cấp 2, ông luôn "giành quyền" đưa em đi học. Lên lớp 10, dù trường cách nhà hơn chục cây số nhưng nắng hay mưa ông đều đón em không thiếu một ngày. Sau này có xe bus chạy qua xã, ông vẫn đều đặn hàng ngày ra điểm dừng xe bus để đứng chờ em".
Ông chở cháu đến điểm thi ngày 26/6. Ảnh: Thuý Nga
Ly được đi học một phần là nhờ vào việc miễn giảm học phí và 525.000 đồng tiền hỗ trợ theo chế độ gia đình khó khăn. Dù kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào 2 sào ruộng và những ngày đi chợ của bà Thục, nhưng ông bà vẫn quyết tâm cho Ly được học đến nơi đến chốn.
"Sang lớp 12, càng gần ngày thi em càng cảm thấy mệt mỏi và áp lực. Có hôm tan học cũng đã 8-9 giờ tối, ông bà vẫn đợi em về ăn cơm cùng. Nhiều khi em mệt không muốn ăn cơm, ông bà lại ngồi chờ cho đến khi em hết mệt. Đó cũng là động lực khiến em không thể chùn bước".
Cũng từ khi cháu lên cấp 3, ông bà Thục dần thay đổi giờ giấc và thói quen sinh hoạt. Gần 3 tháng trước kỳ thi THPT quốc gia, Ly mắc chứng viêm đa hạch ở hai bên nách. Hạch nổi to, nhiều mủ đặc gây đau rát mỗi khi chạm vào áo hay cử động.
Bất đắc dĩ, Ly phải bỏ tham dự kỳ thi thử THPT quốc gia. Thương cháu, bà Thục lại vét sạch số tiền trong nhà - cũng chỉ vỏn vẹn 3 triệu - để đưa cháu lên BV Bạch Mai chữa trị. May mắn, Ly đã dần khỏi bệnh.
Ly thích học trên gác xép, không bật quạt để mồ hôi túa ra, hoặc uống nước chè đặc để tinh thần tỉnh táo, dễ tập trung việc học.
"Em muốn xây cho ông bà một căn nhà thật to"
Những bài văn viết về người em yêu quý với Ly vẫn luôn là ông bà. Tình yêu thương vô bờ ấy phần nào khỏa lấp đi nỗi buồn thiếu vắng mẹ cha trong suốt quãng tuổi thơ cơ cực.
Còn bà Thục cũng không ít lần phải bật khóc trước tình yêu giản dị mà cháu gái dành cho mình. Những món quà ngày 8-3 Ly tặng bà, khi là tấm thiệp bằng bìa cát-tông tự chế với dòng chữ "Con yêu bà nhất trên đời", khi lại là một con lật đật bằng sứ.
Ôm cháu vào lòng, bà Thục rơm rớm nước mắt: "Đúng bà là con lật đật rồi, vì cả một đời bà lận đận vì cháu, vì con".
"Hôm đi thi, ông cứ đứng chờ bên ngoài cổng trường. Trên đường về nhà, ông liên tục hỏi em ăn gì, thích uống gì để ông nấu”
Cho đến giờ, khi Ly đang ở ngưỡng cửa trưởng thành, bà Thục chỉ biết động viên và trở thành điểm tựa để cháu cố gắng học tập.
"Nếu không cố gắng học, ông bà già rồi, con còn biết nương tựa vào ai?", bà Thục nói với Ly.
Nghe bà, nhiều năm liền Ly đều là HSG môn tiếng Anh của THPT Mỹ Đức A. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Ly đăng ký 6 nguyện vọng vào chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Đức của ĐH Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ly lựa chọn như vậy vì "em thấy môn tiếng Anh học rất hay, với cả em nghe người ta nói học giỏi tiếng Anh có thể kiếm rất nhiều tiền. Thế nên em càng muốn học để ông bà đỡ khổ".
Không tham gia bất cứ một lò luyện thi nào, Ly chỉ tự học ở nhà và học thêm trên trường do được thầy cô hỗ trợ tiền học phí. Lên lớp 12, không hôm nào em đi ngủ trước 12 giờ đêm. Ly thích học trên gác xép, không bật quạt để mồ hôi túa ra, hoặc uống nước chè đặc để tinh thần tỉnh táo, dễ tập trung việc học.
"Đi ra ngoài đường, nhìn thấy ông cụ nào râu tóc bạc phơ, nhìn hiền hậu giống ông, em thương lắm”.
Kỳ thi này, Ly tạm hài lòng với sự nỗ lực của mình. Bà Thục lo lắng: "Cháu không đỗ cũng buồn, mà đỗ rồi cũng lo. Ông bà đã già, còn các bác, các dì đều hai, ba đứa con, lấy gì nuôi cháu?".
Ly động viên bà rằng mình sẽ đi làm thêm để ông bà không phải vất vả. Nghĩ đến chuyện phải xa nhà, cô gái 18 tuổi rưng rưng: "Ông bà giờ đã lớn tuổi. Ở tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi nhưng ông bà vẫn phải mang nỗi lo cơm áo. Chỉ nghĩ đến chuyện đó, nước mắt em cứ rơi.
Đi ra ngoài đường, nhìn thấy ông cụ nào râu tóc bạc phơ, nhìn hiền hậu giống ông, em thương lắm".
"Ông bà chưa khi nào gây áp lực cho em. Ông bảo, cứ bình thường con ạ. Thi không được cái này thì mình làm cái khác. Học trường nào cũng được, quan trọng mình biết cần phải học những gì. Có nhiều cái mình vượt qua được thì chuyện này cũng chẳng hề gì.
Nói vậy nhưng hôm đi thi, ông cứ đứng chờ bên ngoài cổng trường. Trên đường về nhà, ông liên tục hỏi em ăn gì, thích uống gì để ông nấu".
Ước mơ của Ly là đỗ đại học, ra trường đi làm rồi xây cho ông bà một căn nhà hai tầng khang trang. Em còn mong được tổ chức lại một đám cưới thực sự cho ông bà.
"Ông bà em trước lấy nhau, ông đi bộ đội chỉ xin nghỉ được một ngày, hôm sau ông phải trả về đơn vị gấp nên không tổ chức đám cưới. Em chỉ mong khi kiếm được tiền sẽ tổ chức đám cưới cho ông bà", Ly chia sẻ.