Với phần đông học sinh, áp lực học tập ở những năm trung học phổ thông có lẽ là khắc nghiệt nhất, bởi đó là bước chuẩn bị quan trọng trước ngưỡng cửa bước vào đại học. Thế nhưng khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa, cô học trò lớp 10A10 trường THPT Nguyễn Huệ (Quận 9, TP.HCM) - Đỗ Ngọc Tố Duyên (2002) đã dành thời gian nghỉ ngơi của mình để khởi nghiệp với một gánh bánh bèo dân dã.
Tố Duyên - cô học sinh lớp 10 khởi nghiệp với quán bánh bèo ở Sài Gòn.
Đã hơn một tháng nay, Tố Duyên dần quen với việc phải dậy sớm để chở gạo đến tiệm xay bột trước khi đến trường học. Buổi học trên lớp kết thúc, cô bạn lại tất bật trở về nhà đổ bánh để chuẩn bị cho buổi chiều buôn bán bận rộn, đôi khi chẳng kịp thay chiếc áo đồng phục đang mặc trên người. Công việc buôn bán vốn chẳng đơn giản, nhất là đối với một nữ sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thế nhưng Tố Duyên luôn sắp xếp để hoàn thành tốt công việc của mình.
Duyên tự mày mò cách làm bánh ở trên mạng.
Duyên kể lại: "Em nhen nhóm ý tưởng kinh doanh từ lâu rồi, hồi còn học lớp 8. Rồi em thấy món bánh bèo khá lạ nên đã lên mạng để tìm thông tin và công thức làm bánh. Em học của chỗ này một ít, chỗ kia một ít rồi tự tạo nên một công thức bánh riêng không đụng hàng với ai". Sau thời gian nghiên cứu, Duyên bắt tay vào làm thử nhiệm, người thân góp ý dần dần món bánh bèo "made in Tố Duyên" cũng hoàn thiện.
Mất khoảng 1 năm để Duyên tạo ra công thức riêng cho món bánh bèo của mình.
"Khi biết có ý tưởng kinh doanh, mẹ em đã nói rằng: con thích cái gì thì làm cái đó, để sau này có thêm kinh nghiệm cho bản thân" - Duyên tâm sự. Gia đình cô bạn khá khó khăn, hiện tại việc chi trả tiền học phí cho Duyên khá chật vật, thế nên việc mở quán không đơn thuần chỉ là để thoả đam mê được nấu nướng và kinh doanh của Duyên mà còn tạo nguồn thu nhập để trang trải tiền học phí.
Duyên được sự ủng hộ từ ba mẹ và người thân.
Dám nghĩ dám làm, hơn một tháng trước, Duyên nhờ ba mẹ hỗ trợ vay tiền mở một quán bán bánh bèo ở gần nhà. Đa số các vật dụng trong quán đều đi xin, đi mượn để giảm thiểu tiền vốn. Thời gian đầu khá khó khăn vì chưa có nhiều người biết đến.
Quán toạ lạc tại hẻm N15, đường 494, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9.
Ban đầu chỉ có người thân, bạn bè đến ủng hộ Tố Duyên, dần dần tiếng lành đồn xa, món bánh bèo béo béo dai dai của cô chủ nhỏ được nhiều thực khách biết đến và ghé ủng hộ. Đến nay quán gần như đã đi vào ổn định.
"Cô chủ bánh bèo" tranh thủ kiếm thêm tiền sau giờ học.
Duyên đặt tên quán là Quán Lá, bởi cô muốn tạo ra một không gian gần gũi như làng quê Việt Nam với những mái lá, mẹt tre và chén sành. Món ăn của Duyên được trau chuốt tỉ mỉ nhằm đem đến sự hài lòng cho thực khách. Mở cửa từ 14h chiều, quán hoạt động đến 20h thì nghỉ để Duyên học bài, làm bài tập và ngâm gạo cho hôm sau đem ra tiệm xay bột.
Bánh bèo được đựng trong mẹt. đẹp mắt và dân dã.
"Những lúc em đi học thêm thì mẹ sẽ coi quán giúp. Còn hôm nào bán xong mệt quá thì sáng hôm sau em dậy sớm để học bài, làm bài tập ở nhà. Ngày chủ nhật thì em nghỉ bán để có thời gian nghỉ ngơi sau một tuần. Công việc buôn bán cũng mất thời gian, nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến việc học, vì em vẫn sắp xếp được" - Duyên vừa trò chuyện vừa tranh thủ hấp mẻ bánh mới.
Thầy dạy công nghệ của Duyên từng nói rằng: "Cứ thử làm hết sức rồi từ đó mới biết mình thích gì và cần gì". Chính điều này đã là nguồn động viên lớn để cô bạn dám thử thách bản thân trong lĩnh vực buôn bán. Bởi dù thành công hay thất bại đều đem lại một bài học để Duyên có thể vững vàng hơn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Ngoài bánh bèo, Duyên còn bán thêm bánh bột lọc.
Cô Nga (mẹ của Duyên) là người luôn ở bên cạnh hỗ trợ và động viên con từ những ngày đầu khởi nghiệp. Cô tâm sự: "Cô trước đây cũng buôn bán, nên khi con gái mong muốn mở quán kinh doanh, cô và chú đều ủng hộ. Thật ra một phần cũng là vì kinh tế gia đình cô khá khó khăn, nên việc bán buôn sẽ giúp Duyên tự trang trải được tiền học phí. Phần nữa là khi Duyên tự gói ghém, tự thu chi thì sẽ biết trân quý những đồng tiền mà mình kiếm được".
Mẹ của Duyên là người luôn đồng hành cùng con gái từ những ngày đầu.
Điều cô Nga lo lắng nhất là công việc kinh doanh sẽ khiến Duyên bị phân tâm trong học tập, thế nhưng rõ ràng cô bạn nhỏ luôn biết cân bằng giữ việc học và buôn bán. "Cô thấy em học hành vẫn tốt, không xao lãng. Đó là điều cô mừng nhất" - cô Nga vui mừng nói.
Duyên luôn cố gắng sắp xếp để không xao lãng việc học tập.
Tôi hỏi Duyên: Công việc hiện tại và ước mơ tương lại có giống nhau không? Duyên cười bảo: "Em chưa trả lời được, em vẫn đang trải nghiệm, biết đâu đến một lúc nào đó em nhận ra mình thích một thứ khác thì em sẽ dành tâm huyết cho điều đó".
Có một câu nói mà Duyên rất thích đó là: Thứ ánh sáng rực rỡ nhất là ánh sáng trong bạn, hãy dùng nó để dẫn đường trong cuộc sống. Rồi ánh sáng trong Duyên sẽ dẫn lối cho cô đến với con đường mà bản thân mong muốn.