Nữ sinh Bình Dương kể chuyện đi du học ở Trung Quốc: Đồ ăn cay tê lưỡi, ngỡ ngàng vì cách tiêu tiền của sinh viên các nước

Ứng Hà Chi, Theo Trí thức trẻ 08:18 07/02/2023
Chia sẻ

Nhờ áp dụng các phương pháp học tập khoa học và tuân thủ nghiêm ngặt, Yến Vy gặt hái được thành tích đáng nể.

Lê Nguyễn Yến Vy (SN 2004), quê tại tỉnh Bình Dương là một trong số ít bạn trẻ Việt Nam có tên trong danh sách trúng tuyển của trường Đại học Duke Kunshan. Đây là ngôi trường thiên về nghiên cứu theo mô hình giáo dục khai phóng và khoa học, tọa lạc gần Thượng Hải (Trung Quốc). Duke Kunshan là trường liên doanh giữa Đại học Duke (Mỹ) và Đại học Vũ Hán (Trung Quốc).

Yến Vy xuất sắc nhận học bổng có giá trị lên đến 90%, tương đương khoảng 5,2 tỷ đồng/4 năm học. Ngoài ra, Vy còn trúng tuyển vào 2 ngôi trường đại học danh giá khác trên đất Mỹ, đó là: Luther College (4,66 tỷ/4 năm) và Depauw University (4,65tỷ/4 năm). Nhưng sau đó, Vy quyết định chọn Duke Kunshan là nơi nuôi dưỡng và hiện thực hóa ước mơ cho tương lai.

Vy chia sẻ, lý do tiên quyết em chọn Duke Kunshan bởi sinh viên theo học chương trình cử nhân tại đây đều được nhận song bằng sau khi tốt nghiệp. Đó là bằng cử nhân Đại học Duke - top 10 ngôi trường tốt nhất nước Mỹ năm 2020 do Tạp chí US World News and Report bình chọn và bằng cử nhân từ Đại học Duke Kunshan (Trung Quốc).

Nữ sinh Bình Dương kể chuyện đi du học ở Trung Quốc: Đồ ăn cay tê lưỡi, ngỡ ngàng vì cách tiêu tiền của sinh viên các nước - Ảnh 1.

Lê Vy nhận học bổng lên đến 90% tại Đại học Duke Kunshan.

Lý do thứ 2 mà Vy chọn Duke Kunshan là bởi trường kết hợp giáo dục khai phóng và khoa học. Vì thế, trong 2 năm đầu tiên, Vy được học tất cả các môn để hiểu rõ sở thích, đam mê và thế mạnh bản thân. Sang năm thứ 3, nhà trường mới tiến hành phân chuyên ngành đảm bảo phù hợp cho tất cả sinh viên. Đây cũng là năm học sinh viên được sang Mỹ học tập, khám phá nền văn hóa Tây phương.

Lý do thứ ba là ngôi trường cung cấp các suất học bổng và hỗ trợ tài chính hào phóng, đảm bảo các sinh viên có năng lực thực thụ trên thế giới đều có cơ hội học tập tại trường. Suất hỗ trợ cao nhất lên tới 100% học phí. Ngoài ra, học tập tại Duke Kunshan mang đến cơ hội cho Vy được giao lưu văn hóa với các sinh viên khác trên toàn cầu.

Sang môi trường mới học tập, Vy vẫn duy trì phong độ nhờ những mẹo học tập đơn giản mà em đã áp dụng trong suốt 12 năm học qua. Đây cũng là lời khuyên hữu ích mà Vy muốn gửi tới các bạn học sinh, sinh viên.

Cú sốc văn hóa và hàng loạt thách thức khi mới đi du học

Với chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 7.5, chương trình học lại bằng tiếng Anh nên Vy không gặp khó khăn trong việc học tập. Nhưng khả năng giao tiếp tiếng Trung hạn chế đã khiến cuộc sống của em gặp nhiều bất cập. Thời gian đầu, Vy rất sợ mỗi khi phải ra đường, trò chuyện với người bản địa. Ở Trung Quốc, rất ít người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh khiến đôi khi, Vy rơi vào tình cảnh oái oăm như: Không biết đường đi, không biết mặc cả khi mua bán,...

Nữ sinh Bình Dương chia sẻ: "Sau một thời gian lúng túng, em phải học cách sử dụng bản đồ điện tử, phần mềm dịch thuật để có thể trò chuyện với người dân địa phương. Em cũng tự đặt mục tiêu học ngôn ngữ Trung để thuận lợi hơn trong sinh hoạt và mai này có thể tìm được công việc tốt tại những thành phố lớn ở Trung Quốc".

Khó khăn thứ hai mà Vy gặp phải là việc chưa quen với đồ ăn khi mới sang. Tất cả các món ăn ở Trung Quốc đều cho rất nhiều ớt và dầu mỡ. Vị cay tê khiến em mất vị giác, không cảm nhận được bất cứ thứ gì. Sau này, Vy đã rút kinh nghiệm khi ra ngoài ăn hàng luôn dặn trước đầu bếp không cho gia vị vào đồ ăn.

Nữ sinh Bình Dương kể chuyện đi du học ở Trung Quốc: Đồ ăn cay tê lưỡi, ngỡ ngàng vì cách tiêu tiền của sinh viên các nước - Ảnh 2.

Vy cùng bạn học đón cái Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.

Trong quá trình học tập, Vy không chỉ học với sinh viên Trung Quốc mà còn cả với sinh viên quốc gia khác, đặc biệt là các bạn đến từ phương Tây. Sự khác biệt trong văn hóa, lối sống khiến Vy lúng túng trong nhiều tình huống.

Chẳng hạn khi cách ăn mừng của sinh viên phương Tây rất khác châu Á. Các bạn sẽ thường đi nhậu hoặc đến quán bar ăn mừng đến sáng. Các bạn tiêu tiền có phần rủng rỉnh, luôn ưu tiên các dịch vụ tiện lợi nhất. Trong khi Vy không quen với điều đó, chi tiêu dùng theo cách tiết kiệm tối đa. Vy thú thực, em từng nhiều lần "đau ví" sau mỗi dịp đi chơi với bạn bè. Thế nhưng sau đó, Vy đã nhìn nhận lại và học cách quản lý tài chính khoa học.

Những khó khăn trên đều sớm được Vy khắc phục, không gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập và sinh hoạt. Nữ sinh luôn cảm thấy mình hạnh phúc, may mắn khi được các bạn hỗ trợ tối đa trong việc học. Các bạn ngoại quốc rất nhiệt tình và tốt bụng, sẵn sàng chỉ cho Vy những phần kiến thức khó. Hay cuối tuần, các bạn còn rủ Vy đến các địa điểm tham quan nổi tiếng để thêm hiểu hơn về con người cũng như văn hóa Trung Quốc.

4 bí quyết học tập đơn giản mà hữu ích, ai cũng áp dụng được!

Sống xa nhà, Vy không tránh khỏi cảm xúc nhớ nhà, lạc lõng. Thế nhưng, dù bộn bề tâm trạng, Vy cũng không để cảm xúc làm ảnh hưởng đến việc học. Em luôn nỗ lực học tập tốt, đặt ra những mục tiêu khác nhau để chinh phục. Nữ sinh cũng chia sẻ 4 bí quyết học tập của mình:

- Thứ nhất, Vy luôn chủ động, tự lập trong học tập. Vy tâm niệm, việc học là của bản thân, quyết tâm đến một đất nước xa xôi thì phải học thật giỏi, tuyệt đối không chểnh mảng học hành. Vì thế, Vy luôn tự giác học tập, chuẩn bị bài trước khi lên lớp, giữ tâm thế chủ động tiếp thu kiến thức.

- Thứ hai, Vy không ngừng mở rộng tư duy, lắng nghe ý kiến. Vy cho rằng trong mỗi buổi học, bản thân cần mở rộng tư duy bằng cách lắng nghe ý kiến của các bạn xung quanh và của giảng viên. Bên cạnh đó, nữ sinh thoải mái tranh luận, nêu quan điểm riêng của mình. "Sẽ chẳng ai đánh giá câu trả lời của bạn nên không cần ngại ngùng, xấu hổ", Vy nhấn mạnh.

Nữ sinh Bình Dương kể chuyện đi du học ở Trung Quốc: Đồ ăn cay tê lưỡi, ngỡ ngàng vì cách tiêu tiền của sinh viên các nước - Ảnh 3.

Học tập thật tốt là mục tiêu được Vy đặt lên hàng đầu.

- Thứ ba, Vy đọc thêm nhiều tài liệu bất cứ khi nào, ở đâu. Theo nữ sinh, đây là cách tốt nhất giúp nâng cao khả năng tự học, trau dồi kiến thức. Thời gian rảnh, Vy thường cùng các bạn đến thư viện trường, tìm đọc sách chuyên ngành, sách nâng cao để bổ trợ cho bài học.

- Thứ tư, nữ sinh tránh lối học vẹt, học thuộc lòng. Vy chia sẻ, trừ những công thức Toán học thì các môn còn lại đều chứa nhiều lý thuyết. Thế nhưng, giảng viên không yêu cầu sinh viên học thuộc lòng, đưa các định nghĩa khô khan vào bài kiểm tra. Thay vào đó, đề kiểm tra sẽ là những tình huống, ví dụ cụ thể để giải quyết vấn đề. Sinh viên cần hiểu bản chất vấn đề, thay vì lối học vẹt vô ích.

"Nếu như không phải là tôi thì ai sẽ là người làm việc đó và nếu không phải bây giờ thì là khi nào" là câu nói truyền động lực cho Yến Vy. Nữ sinh vẫn đang nỗ lực từng ngày, dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn để tìm kiếm những cơ hội mới cho bản thân.

Ảnh: NVCC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày