Nữ quyền là chống lại đàn ông?

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 27/07/2021

Không ít lần, trong cuộc sống và trên mạng xã hội, chúng ta bắt gặp những người đánh đồng nữ quyền với làn sóng thù ghét đàn ông. Vậy sự thật có phải thế không?

Hãy bắt đầu bằng định nghĩa "nữ quyền"

Nữ quyền là một lý thuyết về bình đẳng chính trị, kinh tế và xã hội của mọi giới tính. Chủ nghĩa nữ quyền bắt đầu như một hình thức phản kháng lại trật tự xã hội hạn chế phụ nữ trong các vai trò giới bị ấn định như sinh đẻ, chăm sóc và quản lý gia đình. Sau đó, nó phát triển thành các phong trào có tổ chức và đa diện đấu tranh đòi quyền kinh tế, dân sự và chính trị vốn bị từ chối đối với phụ nữ. Ngày nay, chủ nghĩa nữ quyền đã được mở rộng để bao gồm cả những mối quan tâm xoay quanh các phạm trù liên quan tới giới tính, tình dục và các động lực giao thoa của nó (inter-sectional dynamics).

Một điều cần lưu ý, không nên nhầm lẫn ngữ nghĩa của từ "Nữ quyền" và mối liên hệ của nó với các từ "nữ giới" hoặc "nữ tính" để suy ra rằng nữ quyền là thượng tôn phụ nữ và truy tố đàn ông bất-cứ-khi-nào-có-thể. Sự thật là, chủ nghĩa nữ quyền là những nỗ lực đấu tranh với sự thống trị của đàn ông hay những định kiến văn hóa nam giới thượng đẳng. Nói cách khác, nữ quyền không nuôi dưỡng hay gia tăng sự thù ghét đàn ông, mà thay vào đó là đả phá những cấu trúc xã hội đàn áp và giới hạn quyền của phụ nữ.

Nữ quyền là chống lại đàn ông? - Ảnh 1.

Cho đến thời điểm hiện tại, xã hội vẫn còn rất nhiều hiểu lầm về nữ quyền

Nhiều người nói rằng đàn ông không thể là nhà nữ quyền, nhưng sự thật là, xuyên suốt lịch sử đã có nhiều đồng minh nam giới vì sự nghiệp nữ quyền. Người theo chủ nghĩa nữ quyền có thể là bất cứ ai, miễn là họ tin vào quyền bình đẳng. Như Gloria Steinem đã nói rất đúng, một nhà nữ quyền là "bất kỳ ai nhận ra sự bình đẳng và đầy đủ nhân tính của phụ nữ và đàn ông". Đàn ông cũng nằm trong số đó, vì họ cũng bị gò ép bởi hệ thống vô hình phổ quát mà chúng ta đều đang sống trong đó, thứ được gọi là "chế độ phụ quyền".

Nữ quyền bảo vệ ai?

Các nhà nữ quyền cho rằng cần phải xóa bỏ chế độ phụ quyền thì mới thực sự đạt được bình đẳng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lật đổ hệ thống hiện tại để xây dựng một trật tự mới như Chế độ mẫu quyền. Quy định bất kỳ một giới tính nào là thượng đẳng không bao giờ là mục tiêu mà các phong trào nữ quyền theo đuổi. Bản chất của nữ quyền là bình đẳng giới, mục đích là xóa bỏ những rào cản về cơ hội và những kỳ vọng cứng nhắc mà xã hội đang áp đặt lên cả hai giới. Nữ quyền không phải là cuộc đấu tranh để phụ nữ có quyền lực đối với đàn ông, mà là quyền lực đối với chính bản thân mình (Mary Wollstonecraft).

Nữ quyền là chống lại đàn ông? - Ảnh 2.

"Nữ quyền không phải là cuộc đấu tranh để phụ nữ có quyền lực đối với đàn ông, mà là quyền lực đối với chính bản thân mình" - Mary Wollstonecraft

Nữ quyền là chống lại đàn ông? - Ảnh 3.

Dưới chế độ phụ quyền, đàn ông phải chịu áp lực "nam tính" nặng nề. Nó nói với nam giới rằng xung lực gây hấn là bản năng tự nhiên của họ, và phụ nữ cần bị đàn ông kiểm soát

Nếu vậy có tồn tại một nhánh nữ quyền thù ghét đàn ông không?

Nữ quyền giả (Pseudo-feminism) là một thuật ngữ đôi khi được gán cho là một nhánh của nữ quyền. Những người theo chủ nghĩa nữ quyền giả có mong muốn khắc phục tất cả những bất công nhắm vào phụ nữ, thường bằng cách đả kích và hạ thấp nam giới.

Một người thực hành nữ quyền giả có thể là người cho rằng đàn ông không thể bị lạm dụng hay hãm hiếp, và những người đàn ông tự nhận mình là nạn nhân của các hành vi bạo lực đều là lừa dối. Họ có thể là những người bài trừ các hình thức quấy rối tình dục đối với nạn nhân nữ nhưng lại hồn nhiên trêu đùa khiếm nhã những người đàn ông mà họ thấy hấp dẫn. Những người có tư tưởng nữ quyền giả cho rằng mọi tội ác đều nằm ở đàn ông vì vậy phụ nữ xứng đáng được đối xử ưu tiên hơn. Đây thực chất là hình thức phân biệt giới tính giả danh nữ quyền.

Nữ quyền là chống lại đàn ông? - Ảnh 4.

Nữ quyền giả: Đàn ông đều là kẻ xấu! - Nữ quyền: Có đàn ông tốt, có đàn ông xấu. Điều làm nên khác biệt là hành động của họ chứ không phải vì họ là đàn ông.

Những người theo chủ nghĩa nữ quyền tìm kiếm sự bình đẳng chứ không phải sự vượt trội. Nữ quyền là một hình thức đối xử bình đẳng (equal treatment); chủ nghĩa nữ quyền giả là một hình thức của chủ nghĩa sô vanh.

Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về nữ quyền. Thế nhưng cần nhớ rằng, chủ nghĩa nữ quyền, chắt lọc từ nội hàm những động lực của chính nó, là về sự bình đẳng. Nữ quyền không phải để đưa ra phán quyết rằng một người phải làm gì vì họ là phụ nữ, càng không phải sự buộc tội hay hạ thấp đàn ông. Mục tiêu của nữ quyền là hướng tới sự thay đổi đích thực trong cấu trúc xã hội, nơi phụ nữ không cảm thấy tội lỗi khi tham vọng và đã không lui về chăm sóc gia đình, và đàn ông không xấu hổ nếu họ muốn làm chính xác những điều đó. Đây không phải hành trình biến đàn ông thành nô lệ mà là những nỗ lực để mọi cá nhân được sống đúng với lựa chọn của mình.

Nếu bạn quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới, đừng quên theo dõi những hoạt động thú vị cùng các chương trình sắp tới của Nhà Nhiều Cột tại fanpage https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/ nhé!

Nhà Nhiều Cột là một dự án xã hội được khởi xướng và thực hiện bởi Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication. Chiến dịch được tài trợ bởi Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Úc.