Nữ hoàng startup Thủy Muối: "Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư"

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 19/12/2016
Chia sẻ

Từ ngày đầu tiên viết nhật ký cho đến hôm nay, Thủy Muối vẫn âm thầm dùng ngòi bút của mình kể lại những câu chuyện và các trải nghiệm trên blog cá nhân. Quyển nhật ký chống chọi với ung thư vẫn thường xuyên được cập nhật trên Medium của cô và vẫn lôi kéo hàng ngàn lượt đọc và chia sẻ cho mỗi bài viết.

Hơn 3 tháng kể từ khi câu chuyện của Thủy Muối (tên thật là Trương Thanh Thủy) - cô gái đang đương đầu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Thủy Muối được BBC mệnh danh là "nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam", thông tin về căn bệnh của cô đã khiến giới start-up Việt gần như bị sốc. Thế nhưng, với Thuỷ Muối, mọi thứ dường như đã được chuẩn bị sẵn sàng. Như cách cô làm việc, cái cách cô bắt đầu hành trình chiến đấu từ những ngày đầu tiên đã lay động trái tim mọi người.

Từ ngày đầu tiên viết nhật ký cho đến hôm nay, Thủy Muối vẫn âm thầm dùng ngòi bút của mình kể lại những câu chuyện và các trải nghiệm trên blog cá nhân. Nhật ký chống chọi với ung thư vẫn thường xuyên được cập nhật trên Medium của cô và vẫn lôi kéo hàng ngàn lượt đọc và chia sẻ cho mỗi bài viết.

Nữ hoàng startup Thủy Muối: Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư - Ảnh 1.

Nhật ký chiến đấu của Thủy Trương vẫn được cập nhật trên blog của cô.

Mới đây, Thủy Muối thông báo rằng cô đã thành lập một dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở Việt Nam với tên gọi Salt Cancer Initiative (SCI). Hiện nay SCI đã có 6 chương trình chính với đội ngũ tình nguyện của SCI đã và đang làm việc với các bệnh viện và khoa ung bướu trong cả nước để đưa những tài liệu về khám chữa bệnh ung thư đến tay bệnh nhân và gia đình.

Ngoài ra, các trường học, doanh nghiệp, công ty du lịch cũng đã nhận lời đề nghị của Thủy Muốiđể mở ra các chương trình dành riêng cho bệnh nhân ung thư như: mở một lớp dạy piano, lớp dạy yoga dành riêng cho bệnh nhân ung thư hàng tuần. Một công ty mạng lưới du lịch tặng 10 chuyến du lịch trị giá 2 triệu/chuyến cho các bệnh nhân ung thư thích khám phá và những trải nghiệm mới.

Ngoài ra, dự án SCI sẽ trở thành cầu nối của các chương trình nghiên cứu tại các trường Đại học và Viện Nghiên Cứu Ung Thư hàng đầu nước Mỹ cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Gác lại những tất bật của công việc, Thủy Muối đã có những chia sẻ về khoảng thời gian gần đây của mình sau "ngày đầu của cuộc chiến"...

Đã hơn 60 ngày từ khi Thủy Muối bắt đầu viết nhật ký về hành trình chiến đấu của mình trên blog cá nhân. Mọi thứ sau đó có thay đổi gì không và chị đã trải qua những ngày tiếp theo trong cuộc chiến chống ung thư của mình như thế nào?

Vào ngày tôi chia sẻ Nhật ký ung thư của mình trên blog, tôi vừa quyết tâm, nhưng lại vừa sợ hãi. Tôi lo lắng đến nỗi đêm đó không ngủ được. Tôi đi tới đi lui và hỏi: "Liệu thuốc này có tác dụng không? Tác dụng phụ của nó ghê gớm tới mức nào? Có khi nào chảy máu bao tử đến chết không? Có khi nào mình bị nổi ban đến nỗi không còn nhận ra mặt mũi mình không?"

Tôi có hàng trăm, thực ra là hàng ngàn câu hỏi, nhưng tôi biết đây là cuộc chiến mà tôi không thể tránh khỏi.

Tôi nhận được hàng ngàn tin nhắn từ bạn bè khắp nơi trên thế giới - có người viết blog rất dài, có người thì nhắn tin rất ngắn: "Cậu ở đó đi, tớ mua vé sang thăm!". Tôi nhận được tất cả những sự quan tâm nồng ấm đó, nhưng rất khó để tìm lời nào đáp lại. Tôi giận dữ và hạnh phúc, cảm thấy mình vừa may mắn lại vừa không may.

"Tớ ổn mà!"- Tôi trả lời cho mọi người như thế, vì rất khó để diễn tả cái cảm giác của mình với những người không cùng hoàn cảnh.

Nữ hoàng startup Thủy Muối: Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư - Ảnh 2.

Trong cuộc chiến của mình, chiến binh Thủy Muối có bao giờ sợ hãi, tuyệt vọng và khóc? Chị làm thế nào để vượt qua được những cảm xúc tồi tệ bằng tinh thần lạc quan vốn có của mình?

Lần đầu khi nghe tin chẩn đoán mình có ung thư phổi, tôi quay về phòng mình đứng lặng người với hàng ngàn câu hỏi: "Ung thư? Tại sao lại là tôi?", "Một người bình thường thì họ sẽ phản ứng như thế nào?", "Nên khóc chăng? Nhưng vì sao tôi phải khóc?"

Cái cảm giác đó rất lạ, không phải là buồn hay giận dữ. Tôi cố gắng để so sánh nó với tất cả những cảm giác tôi từng trải qua: Lần đầu tiên tôi yêu một ai đó, lần đầu tiên tôi bị một ai đó phản bội, lần đầu tiên tôi bị từ chối vào trường Đại học mà tôi mong muốn, lần đầu tiên tôi té trên núi chỉ có một mình, lần đầu tôi bị xe đụng, lần đầu người bạn thân của tôi qua đời.

Nó không giống với bất kỳ cảm giác nào như thế cả. Tôi không khóc được kể cả khi tôi đang phải đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì bệnh ung thư. Nhưng ai rồi cũng phải chết!

Nữ hoàng startup Thủy Muối: Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư - Ảnh 3.

Vừa qua, chị đã ra mắt Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư Việt Nam, ý tưởng này được chị ấp ủ từ bao giờ và các chương trình chính sẽ chính thức ra mắt như thế nào?

Ý tưởng này bắt nguồn từ khi tôi mắc bệnh, tôi bắt đầu tìm hiểu rất nhiều về căn bệnh ung thư và tôi nhận ra một điều đó là người mắc bệnh thì sẽ mong muốn tìm, đọc thật nhiều thông tin để hiểu rõ về căn bệnh của mình, để mong tìm thấy ở đâu đó cách chữa trị hữu hiệu cho mình nhưng những thông tin thiết thực cho bệnh nhân thì rất ít.

Các chương trình của SCI không nhằm mục đích tặng quà hay tiền cho bệnh nhân như các chương trình từ thiện khác mà nhằm kết nối với các doanh nghiệp để tạo ra các chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư về mặt tinh thần, mang đến cho họ một sự ấm áp, tiếp thêm sức mạnh trong quá trình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Với những suy nghĩ đó, cùng với việc tôi được trải nghiệm phương pháp điều trị tại Mỹ, được tham gia các hoạt động dành cho bệnh nhân ung thư tại Mỹ, tôi được gặp những trường hợp vượt qua căn bệnh 1 cách kỳ diệu. Tôi muốn mang những điều này đến với những bệnh nhân ung thư Việt Nam, mang đến cho họ những trải nghiệm chữa bệnh mới, cách chúng ta sống lạc quan cùng với căn bệnh, mang đến các thông tin có sàng lọc, tin cậy về các căn bệnh… và hơn hết mang đến cho họ những thông tin lạc quan về các phương pháp chữa trị thành công mới trên thế giới.

Thủy Muối nghĩ rằng ý nghĩa to lớn mà Dự án SCI đem lại cho các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam là gì?

Đó là: Những người bệnh ung thư sẽ giống như tôi, không phải chiến đấu với căn bệnh ung thư một mình, bên cạnh họ giờ đã có tôi, và có cả một cộng đồng những người, những doanh nghiệp đồng hành, cùng chia sẻ, động viên họ, mang đến cho họ những điều tốt đẹp để có đủ sức mạnh và sự lạc quan vượt qua căn bệnh này.

Trong 2 tháng qua, bên cạnh việc chữa trị, tôi đã được tham gia rất nhiều hoạt động dành cho bệnh nhân ung thư tại Mỹ, như là lớp học yoga, lớp học thiền, và các buổi chia sẻ dành cho bệnh nhân ung thư trẻ tuổi. Trong lớp yoga của tôi, có một cụ bà năm nay 93 tuổi, dù đã phát hiện mình bị ung thư từ 14 năm trước nhưng bây giờ vẫn sống rất minh mẫn và tập yoga hàng ngày.

Tôi còn gặp một bạn nam năm nay 21 tuổi, lần đầu tiên bị ung thư là khi bạn ấy mới 18 tháng, phải trải qua rất nhiều trị liệu từ hóa trị đến xạ trị, rồi phẫu thuật, bây giờ bạn ấy đã mù 2 mắt nhưng vẫn rất kiên cường. Trong 2 tháng qua, bạn bè cũng đã chia sẻ với tôi rất nhiều những câu chuyện về người thân của họ đã kiên cường trong quá trình điều trị ung thư thế nào.

Và có lẽ, ung thư cũng giống như việc có con cái, cho dù bạn đọc bao nhiêu sách vở, nghe bao nhiêu câu chuyện, không bao giờ mình sẵn sàng để đối mặt cả, cho đến khi bản thân chúng ta hoặc người thân của chúng ta mang bệnh ung thư trong người.

Nữ hoàng startup Thủy Muối: Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư - Ảnh 4.

Ở Việt Nam chúng ta dễ dàng tìm thấy những chia sẻ về sinh sản và trẻ em cho phụ nữ, tuy nhiên, những người bị bệnh ung thư lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không biết dựa vào ai, lúc nào cũng âm thầm chiến đấu một mình. Nhưng có lẽ chúng ta không cần phải âm thầm chiến đấu và cầu nguyện cho một phép màu. Chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tiếp tục trải nghiệm những điều mà bản thân chưa từng trải nghiệm để cho dù trận chiến với ung thư có ra sao, chúng ta cũng không có gì hối tiếc cả.

Những hoạt động như tập yoga, học đàn, đi du lịch, tưởng như rất bình thường, nhưng tôi tin có rất nhiều người chưa trải nghiệm khi họ còn khỏe mạnh. Vậy sao chúng ta không thử nhìn cuộc sống bằng một ánh mắt khác, không phải là đếm ngược những tháng ngày còn lại để sống, mà hãy xem ung thư như là một cơ hội để chúng ta sống lại một lần nữa, yêu thương bản thân ta hơn, và cả những người thân quanh mình!

Bên cạnh đó, những công ty công nghệ vận chuyển cũng đã đồng ý giúp đỡ các bệnh nhân ung thư trong việc di chuyển bằng cách tặng credit hàng tháng cho các bệnh nhân.

Nữ hoàng startup Thủy Muối: Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư - Ảnh 5.

Đội ngũ tình nguyện SCI gồm bao nhiêu thành viên và họ đang kết nối với các doanh nghiệp như thế nào? Trong thời gian tới, ngoài 6 chương trình chính được công bố, SCI sẽ có thêm những chương trình nào khác cho người bệnh ung thư ở Việt Nam hay không?

Từ một post trên FB của tôi về dự án dịch sách ung thư cho bệnh nhân, đã có gần 100 bạn sinh viên đại học y dược và các bác sĩ khắp các thành phố và tỉnh thành quan tâm để tham gia hỗ trợ. Hiện nay các bạn đang cùng nhau làm việc, chia thành từng nhóm nhỏ để hỗ trợ các dự án khác nhau.

Hiện nay SCI vẫn đang tìm cách liên kết với cách doanh nghiệp đang có chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư để đưa tin tức đến với các bệnh nhân và người thân. Ngoài ra, trong thời gian sắp tới, SCI có kế hoạch tổ chức những buổi Hội Thảo về Ung Thư với sự trợ giúp của các giáo sư và bác sĩ ung thư đầu ngành của Mỹ gặp gỡ các bác sĩ và bệnh nhân ung thư Việt Nam.

Cuối cùng, chị Thủy Muối có thể chia sẻ vài lời nhắn gửi đến những người trẻ cũng như những người đang trong cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo như chị không?

Trước khi tôi chia sẻ về câu chuyện của mình, tôi biết tổng cộng 5 người bị bệnh ung thư, trong đó 4 người đã qua đời trong một khoảng thời gian rất ngắn sau khi phát hiện bệnh. Nhưng từ khi tôi mở lòng về câu chuyện của mình, bây giờ tôi biết vài chục người đã và đang sống rất hữu ích từng ngày mặc cho mang căn bệnh hiểm nghèo trong người. Chúng ta đã và đang sống với bệnh ung thư xung quanh mình cho dù chúng ta có muốn hay không, và người trẻ bị bệnh ung thư không chỉ xảy ra trên màn ảnh.

Hãy xem như Ung Thư là một cách Thượng Đế thử thách sự mạnh mẽ của một số người trong cuộc sống này mà thôi! Thử thách này có khó khăn, có mệt mỏi, nhưng chúng ta không cần phải chiến đấu một mình.

Nữ hoàng startup Thủy Muối: Tôi không khóc được kể cả khi đối diện với sự thật rằng tôi sẽ chết vì ung thư - Ảnh 6.

Cảm ơn chị Thủy Muối về những chia sẻ thân tình này.

Trương Thanh Thuỷ được cộng đồng công nghệ ở Việt Nam với nickname Thuỷ Muối - từng được báo BBC ca ngợi với tên gọi "Nữ hoàng Khởi Nghiệp" và được báo Forbes Vietnam vinh danh trong danh sách "Forbes 30 Under 30" năm 2015.

Thuỷ theo gia đình sang Hoa Kỳ nhập cư năm 2003. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California (USC) năm 2009, cô quay trở về Việt Nam và thành lập chuỗi cửa hàng Parallel Frozen Yogurt. Đến năm 2013, Thuỷ trở thành Giám Đốc Điều Hành của công ty GreenGar Inc. và mang công ty đến thung lũng Silicon để gia nhập chương trình 500 Startups Accelerator. Đầu năm 2014, sau khi thừa nhận thất bại với GreenGar, Thuỷ một lần nữa bắt tay vào xây dựng công ty Tappy, và được công ty Weeby.co mua lại vào đầu năm 2015. Vào đầu năm 2016, Thuỷ rời khỏi Weeby.co và một mình lái xe vòng quanh nước Mỹ trước khi quay về Vietnam bắt tay vào những dự án mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày