Ung thư không chừa một ai, cái mầm bệnh nguy hiểm chết người ấy luôn luôn rình rập và chờ cơ hội tấn công, dày xéo cơ thể chúng ta. Có nhiều người đã rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo lắng và cứ kéo dài những chuỗi ngày không đâu, rồi cuối cùng chỉ chờ cái chết ập đến.
Trên trang blog cá nhân, Trương Thanh Thủy - cô gái được BBC mệnh danh là nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam, đã chia sẻ câu chuyện của mình khi không may mang mầm bệnh ung thư phổi. Như cách cô làm việc, hãy bắt đầu hành trình chiến đấu từ những ngày đầu tiên, sẵn sàng lên kế hoạch cho cả 1 hành trình dài - hành trình giành giật sự sống từ tay tử thần.
Khi cảm thấy cơ thể mình có vấn đề khi mà trong suốt hơn 18 tiếng, Thủy bị cơn đau lưng hành hạ, cô đã được một người bạn thân đưa đến điều trị khẩn cấp tại Bệnh viện VINMEC Hà Nội.
"Các bác sĩ bắt đầu tiến hành chụp X quang và thấy có gì đó không ổn với xương vai của tôi. 1/3 phần phổi của tôi đã tràn dịch. Tôi vẫn đùa với bác sĩ khi ông ấy nói với tôi nó nguy hiểm như thế nào nếu tôi vẫn quyết bắt máy bay về Sài Gòn", Thủy chia sẻ.
Sau khi về lại Sài Gòn, Thủy tiến hành thêm một vài lần kiểm tra tại Bệnh viện Đại học Y và Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô cảm thấy đau hơn mỗi ngày, rõ ràng có điều gì đó không ổn với sức khỏe của cô.
Cô gái startup nổi tiếng Việt Nam với nghị lực phi thường trên hành trình chống lại bệnh tật.
Ngày 26/9, một người họ hàng của Thủy là bác sĩ khoa não tại Bệnh viện Chợ Rẫy gọi cho cô vào buổi chiều.
"Anh không biết em đã chuẩn bị tinh thần cho việc này chưa. Nhưng chắc chắn là em bị ung thư phổi rồi".
Ngày mở đầu cho cuốn nhật ký phi thường của cô gái trẻ.
Cách Thủy nhận tin mình bị ung thư và cách cô đối đầu với nó khiến nhiều người vô cùng cảm phục. Tại sao lại phải bỏ cuộc và nằm chờ chết, thật lãng phí, nhất là với cô gái vừa mới bắt đầu trải đời. Hãy làm một điều gì đó đặc biệt, và cuốn nhật ký đếm từng ngày chiến đấu của cô gái trẻ đã ra đời.
Bức ảnh được đăng tải trên trang blog cá nhân cùng bài viết cho trang nhật ký đầu tiên. Cái đập vào tâm trí người đọc đầu tiên chính là nụ cười lạc quan cùng những câu viết chứa sức mạnh phi thường.
"Là một kỹ sư, tôi thích bắt đầu đếm mọi thứ từ con số 0. Và hôm nay chính là "con số 0" trong chuỗi ngày chiến đấu chống lại bệnh ung thư phổi của tôi".
Cô gái nhỏ trong phòng bệnh, xung quanh là những trang thiết bị nhưng không vì thế cô cho phép mình chùn bước. Ngay từ giây phút đầu nhận hung tin, tâm thế của Thủy luôn luôn chủ động và hết sức lạc quan.
"-Em có lo lắng không?
- Vì điều gì?
- Ung thư? Nó không làm em sợ à?
- Em đã phẫu thuật lần đầu khi 21 tuổi. Từ ngày đó tới giờ, em đã tự hứa với bản thân phải sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời. Vì vậy câu trả lời là không".
Như đã lên kế hoạch cho tất cả, hãy chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên, Thủy cần tìm hiểu về căn bệnh và dự tính cho những điều tiếp theo. Cô gái trẻ đã thu xếp công việc và bay tới Los Angeles vào ngày 5/10 cho những cuộc kiểm tra ngay sau đó.
"Tôi đã gặp bác sĩ tại trung tâm ung thư USC Norris ngay hôm sau và được chẩn đoán là bị ung thư giai đoạn 4 – giai đoạn cuối. Tôi đã thực sự hoảng loạn và biết chắc rằng mình chưa chuẩn bị cho điều đó".
Từ những cuộc xét nghiệm, những lần thử máu, Thủy biết chắc rằng trong cơ thể mình đã tồn tại mầm bệnh ung thư phổi quái ác. Sự hoảng loạn và bất ngờ từ giây phút đầu nhận kết quả không khiến cô bi quan hay có bất cứ sự buông xuôi nào.
Cô quyết đứng lên và chiến đấu, bởi thế chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã tự học được những kiến thức về phổi và ung thư phổi. "Biết giặc biết ta, trăm trận trăm thắng", giờ Thủy đã biết kẻ thù của mình là ai và phải làm gì để đánh đuổi đó.
Trang nhật ký của ngày 0 chiến đấu kết thúc với câu văn gợi rất nhiều cảm hứng: "Và vì thế, tôi đã sẵn sàng ở đây, cho ngày đầu tiên của cuộc chiến".
Phải chăng bước 0 là sự mở đầu cho chuỗi ngày sau đó, cùng chờ mong những trải lòng ở những ngày tháng tiếp theo trong cuốn nhật ký. Chúng ta sẽ học được nhiều hơn nữa nghị lực từ những câu chữ và tinh thần phi thường của cô gái trẻ.
Ngay khi chia sẻ, câu chuyện của Thủy đã thu hút sự quan tâm của những người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
"Luôn mạnh mẽ và cố gắng nhé, chị gái của em."
"Tôi luôn tin tưởng ở em, em là cô gái mạnh mẽ nhất tôi từng gặp và làm quen, em đang chiến đấu với căn bệnh đó và tôi tin rằng, em sẽ chiến thắng."
"Sau khi đọc bài chia sẻ của chị em rất xúc động, em nhận ra được tinh thần lạc quan trong đó. Chị à, luôn mạnh mẽ và làm những điều chị hằng ao ước. Mọi người luôn bên cạnh chị trong cuộc chiến này".
Sinh ra tại Việt Nam nhưng Thủy Trương sớm được đón nhận nền giáo dục của Mỹ khi gia đình cô chuyển tới đây vào năm 2003. Sau khi học xong ngành Khoa học máy tính tại ĐH Southern California, Thủy không ở lại Mỹ theo ước nguyện của gia đình mà quay trở lại Việt Nam lập nghiệp.
Cô đã về Biên Hòa thành lập công ty sữa chua đông lạnh, dù khá thành công giai đoạn đầu nhưng sau 3 năm buộc phải đóng cửa do chưa xây dựng được thương hiệu bền vững. Ngay khi còn đang hoạt động công ty đầu tiên, Thủy đã cùng vài người bạn thành lập Greengar, công ty được biết đến với ứng dụng hiệu suất Whiteboard. Năm 2013, Greengar đã ứng tuyển thành công vào vườn ươm khởi nghiệp của quỹ đầu tư công nghệ danh giá 500Startups. Sau khi đạt mốc 9 triệu lượt tải trong 4 năm đầu tiên và được học sinh tại hơn 100 quốc gia sử dụng, Whiteboard thất bại trong việc mở rộng quy mô.
Phải đến lần khởi nghiệp thứ ba với ứng dụng kết nối mọi người theo địa điểm Tappy, Thủy Trương mới đạt được thành công vang dội. Chỉ 10 tháng sau khi ra mắt, Tappy đã được Weeby, một công ty công nghệ game di động có trụ sở tại thung lũng Silicon, mua lại với mức giá chưa được tiết lộ nhưng được biết "lên tới 7 con số". Cô hiện là Giám đốc phát triển kinh doanh tại châu Á cho Weeby và thường xuyên tham gia chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Năm 2015, Thủy Trương được Forbes Việt Nam bầu chọn vào danh sách những gương mặt trẻ nổi bật 30 Under 30.