Vết bầm tím trên cánh tay của em T.
Sau khi nhận được phản ánh về việc bé gái lớp 4 bị cô giáo đánh bầm tím cánh tay tại trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định, tỉnh Nam Định), Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nam Định cùng nhà trường đã khẩn trương vào cuộc và yêu cầu nữ giáo viên viết bản tường trình.
Theo bản tường trình của cô Phạm Thị Hồng N., vào khoảng 9h ngày 29/5, trong tiết Tập làm văn, cô N. kiểm tra bài và thấy em T. chưa hoàn thành bài cô giao.
Việc em T. thiếu bài đã được cô N. nhắc nhở nhưng em vẫn chưa khắc phục. Bên cạnh đó, trong lớp, em T vẫn chưa thực sự chú ý nghe giảng, viết bài chậm.
Trong tiết học, em T. không tập trung viết bài, nên trong lúc mất bình tĩnh, cô N. đã dùng thước nhựa đánh vào phần bắp tay của em có để lại vết đỏ.
Ngay lúc đó, học sinh không có biểu hiện kêu đau nên cô và cả lớp vẫn tiếp tục tiết học.
"Tôi nhận thấy việc làm đó của tôi là sai, tôi rất ân hận về việc mình đã làm và xin nhận trách nhiệm về việc mình làm...", cô N. nêu rõ trong bản tường trình.
Đến tối 29/5, cô N. đã cùng ban giám hiệu nhà trường đến gặp, xin lỗi em T. và gia đình.
Bản tường trình, cô N. cũng nêu rõ, bản thân là giáo viên trẻ mới ra trường được 2 năm nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp, dẫn đến sự việc trên.
Qua đó, cô giáo này bày tỏ mong muốn gia đình em T. thông cảm, bỏ qua và cho mình cơ hội sửa sai.
Sau khi sự việc xảy ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định cũng đã báo cáo gửi UBND TP Nam Định và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định.
Tối 29/5, ban giám hiệu trường cùng cô giáo Phạm Thị Hồng N. đã làm việc với gia đình, phân tích nguyên nhân của sự việc đáng tiếc là do cô giáo muốn học sinh hoàn thành tốt yêu cầu của mình, cùng với việc cô giáo còn thiếu kinh nghiệm, mất bình tình, nóng vội, chứ hoàn toàn không có ý trù dập, xúc phạm học sinh.
Ban giám hiệu và cô giáo N. đã xin lỗi gia đình học sinh. Gia đình em T. về cơ bản thông cảm và thiện chí trước lời xin lỗi của nhà trường và cô giáo.
Sau đó, nhà trường thống nhất tạm đình chỉ công tác giảng dạy đến hết năm học với cô Phạm Thị Hồng N., bố trí phân công việc phù hợp để cô giáo có thời gian ổn định về mặt tinh thần và nhìn nhận lại lỗi sai để rút kinh nghiệm.