Nữ du học sinh Việt tại Nhật Bản vẫn đi làm thêm mùa dịch: Rất sợ bị nhiễm bệnh nhưng cần tiền nên không còn cách nào khác

Diệu Thu, Theo Tổ Quốc 20:52 08/04/2020
Chia sẻ

"Mẹ mình về hưu rồi nên bản thân mình không muốn mẹ gánh nặng những khoản chi phí khổng lồ đó. Giờ cũng chẳng thể về Việt Nam mà ở lại thì không ngồi không được, thời điểm này mẹ cũng khó khăn nên mình chỉ còn cách tiếp tục đi làm thôi."

Từ sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết tình trạng khẩn cấp kéo dài khoảng 1 tháng, cho phép chính quyền các tỉnh/vùng bị ảnh hưởng (Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo, Fukuoka) được quyền yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học. Tuy nhiên, họ không được ra lệnh phong tỏa giống như những gì được thực thi tại một số nước khác trong lúc nhà chức trách hầu như không có chế tài để xử lý người vi phạm.

Đến ngày 7/4, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh (gồm vùng thủ đô Tokyo), nước này đang nỗ lực hết sức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cũng kêu gọi người dân tại các tỉnh sắp được ban bố tình trạng khẩn cấp không cần phải chuyển đến nơi khác, vốn đe dọa làm dịch bệnh thêm lây lan. Thế nhưng ngay ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp, không ít du học sinh Vỉệt tại Nhật lựa chọn ở lại nước này, thậm chí một số bạn còn tiếp tục đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn.

Rất sợ nhiễm bệnh, biết là mạo hiểm nhưng nếu không đi làm thì ai sẽ gánh khoản chi phí khổng lồ bên này

Trao đổi với Hồng Bích, sinh viên năm 3 ngành Kinh tế Trường Đại học Quốc tế Tokyo, tỉnh Saitama, Nhật Bản, cô bạn nhập học tại Nhật vào tháng 8/2017. Trường mà Bích hiện theo học nằm ở tỉnh lân cận với thủ đô Tokyo, cách Tokyo khoảng 1 giờ đi tàu. Chia sẻ về lý do chọn du học Nhật Bản, ngoài việc cảm thấy hứng thú với đất nước này, nữ sinh tâm sự ở đây chế độ cho phép du học sinh làm thêm là 28 tiếng/ tuần (nếu trong kỳ nghỉ dài và có giấy xác nhận từ trường thì có thể làm 40 tiếng). Hệ thống làm việc bán thời gian dành cho du học sinh khá linh hoạt, đa dạng, sẽ giúp du học sinh giảm bớt gánh nặng tài chính hơn các nước châu Âu, châu Mỹ.

Hồng Bích, sinh viên năm 3 ngành Kinh tế Trường Đại học Quốc tế Tokyo, tỉnh Saitama, Nhật Bản

"Thời điểm mình quyết định đi du học không có nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ. Học kỳ 1 năm lớp 12 mình chỉ apply đúng một trường duy nhất, lúc đó giống như là "được ăn cả ngã về không". Nếu được học bổng cao mình sẽ đi du học, còn không được thì ở nhà thi Đại học như bình thường. May mắn là trường cho học bổng 4 năm giảm 80% học phí nên mình mới có cơ hội được đặt chân đến đất Nhật.", cô bạn nói.

Nhóm du học sinh đang ở Nhật bao gồm các bạn tết không về, hoặc về ăn tết nhưng quay lại sớm, hiện vẫn tiếp tục làm thêm. Các trường đều lùi ngày bắt đầu học kỳ mới, một số trường đã áp dụng phương pháp học online. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng có cơ hội học online. Các trường tiếng và trường senmon (trường nghề) chỉ lùi lịch học, còn học sinh vẫn phải học tập tại trường. Hạn nộp học phí không thay đổi nên mọi người vẫn tiếp tục đi làm những ngày này, dịch bệnh phức tạp ai nấy đều trong tâm thế cẩn thận hơn trước rất nhiều.

Cộng thêm hàng quán vắng khách và rất nhiều nơi đóng cửa, các bạn du học sinh đang làm thêm tại quán bị cắt lịch nên mọi người xin việc tại các xưởng cơm hộp, mỳ hộp, rau củ, quần áo, bán đồ online... bởi xưởng là nơi luôn có lịch làm cố định và luôn cần nguồn nhân lực lớn. Mà đặc thù của các xưởng là làm đồ cung cấp cho công ty nên sinh viên vẫn đi làm.

Một số hình ảnh khung cảnh đường phố Nhật Bản qua ống kính du học sinh

Bích cho biết: "Nếu nghỉ làm ở các quán ăn thì sẽ rất lâu và không biết bao giờ mới được đi làm lại bình thường. Còn các xưởng làm đồ ăn, rau quả, xưởng quần áo, bán đồ online vẫn làm vì người Nhật mua hàng nhiều. Tối nào mình cũng đi làm, tranh thủ thời gian trường lùi lịch học, không đi làm thì khó sống lắm, cũng biết đi làm lúc dịch bệnh mạo hiểm như thế này khá mạo hiểm nhưng mình vẫn cố gắng tự trang bị cho bản thân đầy đủ, khẩu trang kín mít, rồi đi đâu rửa tay đến đấy, về nhà là sát khuẩn kể cả điện thoại.

Sợ nhiễm bệnh là điều không tránh khỏi tuy nhiên vẫn phải đi làm thôi chứ nghỉ ở nhà làm sao có đủ chi phí đóng học. Mình chỉ nghĩ đơn giản là nếu nghỉ thì ai sẽ phải gánh khoản chi phí khổng lồ ở bên này, chỉ có mẹ thôi, nhất là dịch bệnh kinh tế khó khăn, mẹ sẽ phải nuôi mình ở bên này, bạn bè cũng đều đang cố gắng, mình không thể gục ngã được."

Trước đây, cô bạn có làm thêm tại quán McDonald's, quán này nằm trong trung tâm thương mại. Nhưng vì tình hình dịch bệnh nên trung tâm thương mại đóng cửa thứ thứ 7, chủ nhật và tuần này bắt đầu đóng cửa hẳn, Bích tạm dừng công việc ở McDonald's khoảng hơn 3 tuần. Thường trong năm học, cô bạn đi làm tại quán vào ngày thứ 7 và chủ nhật, khoảng 10 tiếng mỗi ngày, từ 11 giờ sáng đến 11giờ tối. Ngoài ra thỉnh thoảng làm thêm một buổi hơn 5 tiếng để tận dụng gần hết 28 tiếng theo chế độ làm thêm đối với du học sinh Nhật, còn vào kỳ nghỉ dài Bích đăng ký làm 7 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.

Cô bạn bộc bạch: "Thật ra việc nào cũng sẽ có cái khó riêng, nhất là cửa hàng ăn nhanh như McDonald's, lượng khách đông mà phải phục vụ trong thời gian ngắn, nên mỗi lần đi làm thứ ngày thứ 7, chủ nhật là về nhà nặng cả người, sau 1 giấc ngủ mới thấm hết cái mệt, sáng hôm sau chân tay đều mỏi với nặng nề lắm. Sau dần thành quen, hơi vất vả vì còn phải học để giữ học bổng, cũng phải tích góp đóng học, nhưng mình vẫn luôn cố gắng để mọi thứ bắt đầu ổn hơn. Mọi người trong quán mình làm khá dễ thương nên dù mệt vẫn vui, nhìn quanh mọi người đều vất vả như thế ấy, nên là thôi cố gắng."

Hiện tại nữ du học sinh này đã xin thêm công việc thứ 2 tại một xưởng của công ty bán hàng online với công việc chính là lựa đồ theo đơn hàng khách đặt mua. Việc này luôn có lịch làm đều đặn vì mùa dịch nên nhu cầu mua sắm online tăng cao, đơn hàng rất nhiều, các xưởng không bị cắt lịch mà vẫn tuyển thêm sinh viên vào làm.

"Làm ở xưởng thì đi tàu mất 5 phút thôi, sau đó sẽ có xe của công ty đưa đón còn quán McDonald's thì hơi xa, đi tàu mất 20 phút, đi bộ mất thêm 25 phút nữa. Hết giờ có xe bus đưa về ga, lúc ấy 12 giờ đêm cũng phải đi bộ tới ga nhưng mà mình quen rồi nên cũng không gặp vấn đề gì với việc đi bộ. Thời gian đi tới McDonald's khá lâu, tuy nhiên gần đây mình có bạn đi về cùng, rồi thỉnh thoảng được các anh chị người Nhật giúp đỡ, chở ô tô về tận ga.", nữ du học sinh chia sẻ.

Ở đây mọi người không mua đồ dự trữ nhưng thứ thiếu thốn duy nhất là... khẩu trang

Về cơ bản tại tỉnh Saitama, Nhật Bản, lương thực vẫn đủ để cung cấp cho mọi người vì người dân không mua đồ dự trữ nhưng siêu thị nơi khác có lần hết gạo, kệ hàng hóa trống trơn. "Vào thời điểm mới bùng dịch, người dân không biết nghe đâu thông tin nhà máy sản xuất giấy vệ sinh và giấy ăn tại Trung Quốc sẽ ngưng hoạt động vì dịch bệnh, nên mọi người đổ xô đi tích trữ giấy ăn và giấy vệ sinh. Hôm đó mình thấy hoảng bởi mới sau 2 tiếng buổi sáng, tất cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thuốc đều cháy hàng giấy vệ sinh và giấy ăn nhưng đến giờ những mặt hàng ấy lại được xếp đầy trên kệ.", Bích kể.

Ở Nhật vài tháng trước đã chẳng còn khẩu trang để mua, Bích phải nhờ bạn bè mang từ Việt Nam qua. Tình trạng không thể mua nổi khẩu trang xuất hiện từ đầu tháng 2, nếu đặt trên Amazon hoặc các trang web online khác giá bị đội lên khá cao, còn lại mọi nhu yếu phẩm đều không tăng giá.

Khung cảnh đường phố ở Nhật Bản được nữ du học sinh lưu lại

Khi diến biễn của dịch bệnh ngày càng căng thẳng, mọi người cũng hạn chế ra đường

Vào hồi nửa đầu tháng 3, Trường Đại học Quốc tế Tokyo có thông báo tới toàn thể sinh viên rằng người trẻ có hệ miễn dịch tốt, nền y tế Nhật Bản được biết đến là 1 trong những nền y tế tốt nhất thế giới nên sinh viên không cần quá lo lắng và vẫn tiếp tục đi học như bình thường. Nhưng đến nửa cuối tháng 3 khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp, nhà trường đã chính thức quyết định cho lùi lịch học và chuyển qua học online. Ngoài ra, nhà trường không có đề cập gì tới việc sinh viên nên về nước hay không, cũng chưa có chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Cô bạn nói: "Ngày 20/4 tới đây, lớp mình mới bắt đầu học online tuy nhiên mình cảm thấy điều khó khăn chính là sinh viên không được vào trường nên không thể sử dụng các cơ sở vật chất như phòng in, máy tính,... trong khi chi phí cho cơ sở vật chất là không hề nhỏ."

Nữ du học sinh chia sẻ thầy cô dạy tiếng Nhật đều là những người tận tâm và dễ thương, đối với Bích, giáo trình giảng dạy tiếng Nhật khá hiệu quả từ khi cô bạn không biết 1 chữ bẻ đôi cho đến lúc có thể tự tin thi đỗ chứng chỉ N2. Hầu hết các lớp chuyên ngành của Đại học luôn thay đổi, chỉ có lớp tiếng Nhật là giữ nguyên trong suốt 1 kỳ, bởi thế mọi người trở nên gắn bó với nhau hơn. Học ở trường quốc tế đương nhiên được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, điều này khiến Bích nhanh chóng hòa nhập vào một cộng đồng đa quốc gia, cùng nhau làm project, rồi học cách teamwork cả với những bạn chưa bao giờ tiếp xúc.

Bích có một team bạn thân Đại học, các bạn ấy đều ở lại Nhật và tiếp tục với những công việc làm thêm của riêng mình.

Thầy cô, bạn bè ở Nhật động viên nhau bằng cách cùng nhau cẩn thận rửa tay, không đi ra ngoài hoặc hạn chế tối đa nhất những nơi đông người, vẫn trò chuyện, tán gẫu vui vẻ qua group, thỉnh thoảng thấy có dấu hiệu mặt hàng nào sắp hết có thể nhờ mọi người mua về hộ.

Nhiều nơi giảm doanh thu, người ta cắt bớt nhân lực, mình còn có việc làm và được nhận lương là may mắn rồi!

Bích tâm sự: "Đôi lúc mình cũng muốn về vì cảm thấy Việt Nam an toàn hơn rất nhiều nhưng nghĩ lại, sân bay cũng là một trong những nơi có khả năng lây nhiễm dịch bệnh cao. Mà đường ra sân bay đâu có ngắn, hoàn toàn phải dùng phương tiện công cộng, trong quá trình đó lỡ như có vấn đề gì, kể cả có được về nước, được cách ly, thì mình cũng trở thành một ca nhiễm rồi.

Nếu về tầm này thì mẹ mình sẽ phải mua vé máy bay cho, phải nuôi mình thêm ít nhất khoảng nửa năm khi mình ở nhà nữa, còn tiền nhà, tiền học phí. Mẹ mình về hưu rồi nên bản thân mình không muốn mẹ gánh nặng những khoản đó. Giờ cũng không thể về Việt Nam, ở lại thì không thể ngồi không được, thời điểm này mẹ cũng khó khăn nên mình chỉ còn cách tiếp tục đi làm thôi. Vậy là mình đã quyết định ở đây tiếp tục làm việc và cẩn thận hơn, hơn nữa lúc này còn có việc làm, còn được nhận lương là may mắn rồi! Nhiều nơi cũng giảm doanh thu, người ta còn cắt bớt nhân lực chứ đừng nói là nhận lương hay tăng lương."

Mùa hoa anh đào vạn người mê ở Nhật Bản

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó lường, mọi người cũng hạn chế tối đa nhất việc ra ngoài ngay cả khi lúc này mùa hoa anh đào đang nở rộ

Trước những khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bích cũng lên kế hoạch quản lý tài chính của bản thân hợp lý hơn. Nữ du học sinh hạn chế những khoản chi không cần thiết vì dù được giảm học phí, có học bổng nhưng đến lúc đóng học phí xong, số tiền còn lại cũng không dư giả. Nhà trọ của cô bạn ở chưa có chính sách miễn giảm hoặc hỗ trợ cho sinh viên, còn nhà trường ngoài việc yêu cầu sinh viên đo thân nhiệt 2 ngày 1 lần và điền vào form nộp cho trường, luôn theo dõi sức khỏe, và chuyển qua học online, thì cũng không có chính sách gì đặc biệt.

Khi các du học sinh ồ ạt đáp chuyến bay hồi hương để tránh dịch, mẹ Bích không ít lần gọi điện qua giục cô bạn về nước. Còn cho đến bây giờ thì mỗi ngày đều gọi video để mẹ yên tâm được. Dù biết là dịch bệnh nguy hiểm nhưng Bích vẫn quyết định ở lại Nhật và tranh thủ đi làm vì không muốn mẹ thêm gánh nặng về tài chính. "Chưa kể, lúc nào mình cũng muốn tích góp một khoản gửi về cho mẹ nhưng mà cũng khá chật vật vì tự sống được ở đây không cần trợ cấp đã khó rồi, đợt này lại thêm dịch bệnh nên để gửi về được chắc phải đợi đến khi đi làm.", nữ sinh cho hay.

Nữ du học sinh Việt tại Nhật Bản vẫn đi làm thêm mùa dịch: Nhiều nơi giảm doanh thu, người ta cắt bớt nhân lực, mình còn có việc làm và được nhận lương là may mắn rồi! - Ảnh 10.

Cô bạn chủ động đo thân nhiệt mỗi ngày, ăn uống đủ chất, bổ sung dưỡng chất để hệ miễn dịch tốt hơn, chú ý rửa tay sát khuẩn đầy đủ. Nếu trường hợp xấu nhất có triệu chứng họ sốt xảy ra, Bích cũng đã có kế hoạch thông báo cho nhà trường, cho bệnh viện, rồi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật để được hỗ trợ kịp thời nhất. Ngoài những lúc đi học đi làm, cô bạn học thêm tiếng Nhật, hoặc dọn dẹp, đi siêu thị mua thực phẩm tươi về chế biến theo kiểu Việt Nam, dùng gia vị Việt Nam. Bích nói: "Giờ chỉ còn cách cẩn thận hơn, tự chăm sóc tốt cho bản thân, mình vẫn đang rất ổn, và sẽ luôn cố gắng để tự chăm sóc tốt cho bản thân, tích cực chăm sóc sức khỏe và để ý đến mọi dấu hiệu của cơ thể, lúc nào cũng ăn chín uống sôi, đi đâu cũng rửa tay sát khuẩn, thậm chí sát khuẩn cả điện thoại. Và dù ở đâu mình vẫn hướng về Việt Nam, đối với mình Việt Nam luôn luôn tuyệt vời, lúc nào cũng đầy tin tưởng và tự hào về công tác chống dịch của quê hương!"

Nữ du học sinh Việt tại Nhật Bản vẫn đi làm thêm mùa dịch: Nhiều nơi giảm doanh thu, người ta cắt bớt nhân lực, mình còn có việc làm và được nhận lương là may mắn rồi! - Ảnh 11.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày