Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay

Châu Anh, Theo Đời sống pháp luật 20:55 23/02/2024
Chia sẻ

Cơ trưởng Nguyễn Ly Hương kết hôn với ông xã cũng là phi công, bạn học cùng khóa của cô tại Pháp.

Hạ "đo ván" ngàn thí sinh nam cao to, khỏe mạnh

Không ít người vẫn nhầm lẫn, Huỳnh Lý Đông Phương là nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên thực tế, cơ trưởng Nguyễn Ly Hương (SN 1983, quê ở Lào Cai) mới là nữ cơ trưởng đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam. Ly Hương hiện đang là cơ trưởng máy bay A350 của Vietnam Airlines.

Tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải, Ly Hương có cơ hội làm việc cho một cơ quan uy tín tại Hà Nội. Tuy nhiên cùng lúc đó, cô đọc được thông tin tuyển phi công - một nghề mà Ly Hương không thực sự nghĩ mình sẽ theo đuổi, chỉ đơn giản là muốn được tận mắt nhìn thấy máy bay. Bất ngờ, Ly Hương đã vượt qua hàng loạt các bài kiểm tra khắt khe. Đặc biệt trong các vòng kiểm tra thể lực quay li tâm, cô hạ "đo ván" cả ngàn thí sinh nam to cao, khỏe mạnh.

Nữ cơ trưởng bắt đầu con đường trở thành phi công bằng việc tham gia khóa học tại Trung tâm Huấn luyện Bay từ tháng 1/2006. Một năm sau, cô đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển chọn và cùng 20 ứng viên khác tiếp tục học đào tạo phi công tại trường ESMA, Montpellier, Pháp.

Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay - Ảnh 1.

Nguyễn Ly Hương (ngoài cùng bên trái ảnh) đến với nghề phi công một cách đầy bất ngờ.

Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay - Ảnh 2.

Ly Hương trở thành nữ phi công Việt Nam đầu tiên vào cuối năm 2008.

Sau 1 năm học tập tại Việt Nam và 2 năm miệt mài tại Học viện Hàng không Montpellier, cô đã đạt được bằng phi công thương mại và trở thành nữ phi công Việt Nam đầu tiên vào cuối năm 2008. Sau khi tốt nghiệp, Ly Hương gia nhập vào Vietnam Airlines, làm việc tại đội bay 919 và chủ yếu thực hiện các chặng bay nội địa.

Trải qua 13 năm kinh nghiệm, trong đó có 8 năm kinh nghiệm vị trí cơ trưởng, vào tháng 6/2021, Ly Hương đã lên được vị trí cơ trưởng máy bay A350. Trong quá trình làm việc tại các vị trí, đơn vị sẽ có các yêu cầu về năng lực làm việc, giờ bay tích lũy tương ứng. Khi đạt được các yêu cầu đó cùng với mong muốn của bản thân, phi công sẽ có cơ hội để chuyển loại.

Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay - Ảnh 3.
Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay - Ảnh 4.

Ly Hương trở thành cơ trưởng máy bay A350 vào tháng 6/2021.

Với kinh nghiệm lái nhiều loại máy bay khác nhau như ATR72, A321 và A350, Ly Hương tâm sự, trong nghề phi công, không gì quan trọng bằng kỹ năng và kiến thức được cập nhật không ngừng.

Khi thay đổi một loại máy bay mới với các đường bay mới, Ly Hương cần học hỏi rất nhiều. Nữ cơ trưởng bày tỏ bản thân may mắn vì luôn được các thầy, các chú, các anh chỉ dạy tận tình, đồng thời giúp đỡ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.

Vợ vừa hạ cánh liền trông con cho chồng đi bay

Để gặt hái được những thành công trong sự nghiệp, một yếu tố quan trọng không kém với Ly Hương chính là gia đình - nền tảng vững chắc giúp cô có nhiều động lực trong công việc.

Ông xã của Ly Hương cũng là phi công, vì vậy cả hai luôn cần sự chia sẻ và thấu hiểu để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Khi Ly Hương bay thì chồng sẽ chăm sóc con cái, việc nhà, và ngược lại. Nghề phi công thường xuyên đối mặt với áp lực, như giờ giấc bay không ổn định hay thời tiết xấu ảnh hưởng đến sức khỏe. Đôi lúc không có người trông con, chồng của Ly Hương đón con, đưa con đến sân bay chờ vợ hạ cánh, giao con cho vợ rồi lại đi bay.

Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay - Ảnh 5.

Ly Hương kết hôn với ông xã cũng là một phi công.

Con gái của Ly Hương hiểu rõ công việc của bố mẹ và tự hào vì điều đó. Theo nữ cơ trưởng, sự ủng hộ từ gia đình là điều quan trọng đối với mọi nghề nghiệp. Với lịch làm việc với khoảng 70 giờ bay/tháng, Ly Hương vẫn có thể sắp xếp thời gian để dành cho gia đình.

Phi công có quyền yêu cầu những ngày nghỉ cố định và đơn vị sẽ sắp xếp cho nghỉ theo yêu cầu. Vào dịp Tết, phi công có thể được linh hoạt sắp xếp lịch làm việc để có thời gian bên gia đình. Và nếu Tết làm việc vất vả, mọi người sẽ được nghỉ bù sau đó.

Nữ cơ trưởng đầu tiên ở Việt Nam kể cuộc sống hôn nhân: Vợ hạ cánh lập tức trông con cho chồng đi bay - Ảnh 6.

Công việc bận rộn nhưng nữ cơ trưởng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian dành cho gia đình.

Nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam bộc bạch, nhiều người nghĩ rằng những người phi công đều có tính cách rất mạnh mẽ, nhưng theo Ly Hương, thực tế các nữ phi công thực tế rất mềm mại, dịu dàng. Yếu tố quan trọng để các nữ phi công theo đuổi nghề tưởng chừng chỉ dành cho phái mạnh là sự hiểu biết về nghề để chuẩn bị tâm lý, năng lực, kiến thức và đam mê.

Sự khác biệt giữa nam và nữ phi công có thể chỉ là việc nghỉ sinh con, với thời gian là khoảng 15 tháng. Sau đó, phi công nữ cần phải tham gia các khóa huấn luyện phục hồi. Tất cả phi công, bất kể nam hay nữ, đều phải đạt yêu cầu trong các kỳ thi và kiểm tra theo quy định.

Không có ngoại lệ cho phi công nữ vì đây là quy định cần thiết để đảm bảo họ đủ điều kiện bay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày