Nhận xét về điểm giống giữa các nhân vật trong phim với NSND Hoàng Dũng, nhiều người bảo, có lẽ đó là sự giàu có. Ông xưa nay vốn không đặt nặng vấn đề cát-xê nhưng có tiếng là người chịu chơi với hàng hiệu và đang ở nhà biệt thự phố Kim Mã. Đáp lại lời đồn, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho rằng, tiền của ông không làm được việc gì lớn.
- 3 năm về hưu là 3 năm tên tuổi ông gắn với những vai diễn "nặng đô" trong các bộ phim truyền hình dài tập. Từng từ chối nhiều dự án lớn khi còn đương chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, vì sao ông quyết định trở lại đóng phim khi đã ở tuổi lục tuần?
- Đúng là thời còn làm giám đốc nhà hát, tôi từ chối đi làm phim khá nhiều. Bản thân tôi rất bận, thành ra có những vai thích lắm nhưng phải từ chối. Và đôi khi, hy sinh của mình còn là hy sinh làm gương nữa. Trong Nhà hát kịch Hà Nội, gương mặt làm phim quá đông. Bây giờ giám đốc cũng lên đường thì lúc hội tụ lại rất khó. Tôi vẫn nói với các bạn, nếu đó là vai hay, cứ đi nhưng đừng ồ ạt. Vẫn phải giữ người làm việc ở cơ quan. Bao nhiêu cái tên như Hồng Đăng, Thiện Tùng, Tiến Lộc, Chí Nhân… nếu lên đường hết thì còn ai nữa.
Có điều đặc biệt là trong đúng năm cuối cùng còn công tác tại Nhà hát thì tôi nhận lời tham gia Người phán xử. Phải nói công việc lúc ấy cực kỳ bận. Nhưng nhận được sự động viên của anh em, thậm chí có sự gửi gắm và niềm tin vào vai diễn ông trùm Phan Quân nên tôi quyết định tham gia.
Cường độ lao động của năm cuối đấy rất cao. Nhiều hôm đi quay đến 11 giờ đêm tôi mới về đến Hà Nội. Lên nhà hát, tôi mở cửa vào là ngồi ký giấy tờ ngay. Vì như vậy, sáng hôm sau mọi người mới có thể triển khai. Một tuần khoảng vài 3 ngày như thế. Về nhà có khi cũng phải 1 giờ sáng.
Năm nay, tôi quay "Sinh Tử" cũng khá vất vả. Vai Chủ tịch tỉnh Nghĩa nhiều phân cảnh nên tôi đi quay triền miên. Công việc cứ cuốn mình đi như vậy đấy, có mệt nhưng cũng thấy vui. Còn lao động là còn tồn tại.
- Vất vả như vậy nhưng ông vẫn đi dạy học, thậm chí đảm nhận vai trò chủ nhiệm dạy học trò từ lúc vào trường tới khi tốt nghiệp ở trường Đại học sân khấu điện ảnh sao?
- Trước đây tôi đi dạy học rất nhiều, cùng lúc cho 2 trường là Đại học Sân khấu điện ảnh và Cao đẳng Nghệ Thuật Hà Nội. Giờ tôi chỉ còn dạy bên trường Sân khấu thôi. Thường tôi sẽ nhận chủ nhiệm một lớp tới lúc các bạn ra trường.
Học nghệ thuật khó, cần tạo cho học trò vào nếp. Tôi luôn chú trọng cho năm nhất để sinh viên có những hiểu biết nhất định và rõ ràng về nghề này. Tôi muốn hướng cho các em quan niệm về nghệ thuật biểu diễn, thậm chí là quan niệm về mặt thẩm mỹ trong diễn xuất. Khi đã có những điều đó rồi, việc đi lên hay lùi lại phụ thuộc vào các bạn ấy.
Mọi người cứ nghĩ rằng già rồi thì đi dạy học. Không phải đâu. Đó là một nghề đòi hỏi nhiều yếu tố. Bạn hiểu được là một chuyện nhưng có khả năng truyền đạt để sinh viên hiểu được hay không là chuyện khác. Dạy học còn phải có sự nhanh nhạy nữa. Với mỗi sinh viên, cần giao cho một loại bài tập. Còn nhiều người lại mang cả thói quen, bản năng của mình áp đặt lên sinh viên thì rất khó.
- Đảm nhận vai chủ chốt trong các phim giờ vàng của VTV, ông có tác động tới đạo diễn, đơn vị sản xuất trong việc lựa chọn các vai diễn phụ hay nhận lời đóng phim kèm theo điều kiện đưa học trò vào không?
- Không bao giờ. Mỗi đạo diễn có một con mắt nhìn khác nhau. Quan niệm về cái đẹp, sở thích của mỗi người cũng khác nhau. Tôi chỉ dạy và các bạn ấy tự bộc lộ thôi. Trừ trường hợp đạo diễn bảo, bây giờ cháu đang cần một bạn nữ hay nam tầm tuổi này với các điều kiện như thế này, trong lớp chú dạy có ai không thì tôi sẽ giới thiệu cho. Rồi tự người ta chọn.
Có những bạn tôi biết diễn rất tốt nhưng ngoại hình không ổn lắm. Lại có những bạn được cái ngoại hình đẹp nhưng diễn xuất trước ống kính rất tệ. Tất nhiên là kỹ thuật diễn quan trọng hơn. Còn đẹp thì cũng giống như ma-nơ-canh ấy, chỉ được bức ảnh thôi. Phim thì lại là một chuỗi các tập. Nhưng nói đến diễn viên, dù sao vẫn quan trọng hình thức. Hình thức ở đây không đơn thuần là sự đẹp trai, xinh gái mà còn là sự phù hợp nữa. Cái đẹp đó ai cũng muốn hướng tới và cũng là cái thu hút mọi người đến với phim. Và rõ ràng, diễn viên đẹp là một tiêu chí để kinh doanh.
- Việc đóng phim với vai diễn ông trùm hay chủ tịch tỉnh so với chuyện đứng lớp, dậy dỗ thế hệ diễn viên trẻ, điều gì khiến ông hao tâm tổn sức nhiều hơn?
- Nói thật đó là công việc dạy học. Mọi người nhìn vào thấy bình dị, yên ả. Rồi nghĩ nếu học trò có giỏi thì có khi thầy được hưởng lây, còn khi học trò kém thì chỉ nghĩ là nó kém thôi chứ không nghĩ đến thầy. Nhưng thực sự là nó khá thì thầy một nửa, nó một nửa. Còn nếu nó dốt thì cũng vậy thôi, cũng là thầy một nửa. Thầy không đưa ra được phương pháp cho học trò theo thì cũng là tại thầy đó chứ. Tất nhiên cũng có những học sinh có năng khiếu kém thì cũng rất khó cho người giảng dạy.
Rồi dạy học nhiều khi cũng tổn thương. Mình thì cứ hết lòng nhưng đôi khi sinh viên họ không cố gắng hết sức. Mỗi học kỳ dạy, mỗi thời điểm thi hay mỗi lần dựng vở cho các khóa sinh viên tốt nghiệp bằng vở diễn, thầy tốn vào đó rất nhiều thời gian, tâm huyết, thậm chí là cả tiền bạc nữa, chứ không chỉ là sức lực, kiến thức.
- Nói vậy là tiền bạc chưa bao giờ là lý do để ông duy trì việc dạy học sao?
- Không bao giờ. Dạy học rất nghèo. Giáo viên thỉnh giảng tiền đã nhiều hơn giáo viên chính quy rồi. Nghệ sĩ nhân dân tiền cũng nhiều hơn nữa. Vậy mà nói thực một học kỳ 4 tháng rưỡi chỉ được hơn 9 triệu.
Nhiều người cứ bảo nghỉ đi, dạy học cho nổi tiếng à nhưng không phải thế. Làm việc vất vả vì nghề cũng quen rồi. Bây giờ bận quá thì thấy mệt mà dỗi quá thì tôi lại thấy buồn nên cứ hết lớp này đến lớp khác, vẫn tâm huyết với học trò.
- Vậy nguồn thu giúp ông có tiếng là nghệ sĩ có kinh tế bậc nhất trị trường miền Bắc tới từ đâu?
- Tiền nó là kinh tế đúng không? Vậy thì có mấy ai không có tiền? Nhà là kinh tế thì có mấy ai không có nhà? Thôi thì ai chẳng có kinh tế. Nhưng tiền của tôi thì không làm được việc gì lớn cả.
Một tháng tôi phải trả lời hàng trăm cuộc điện thoại về môi giới bất động sản, đầu tư vào cái này, cái kia. Chỉ riêng cái điều đấy thôi là đủ để thiên hạ nghĩ mình có tiền. Nhưng thực ra tiền chỉ đủ để nuôi con, chơi vài thú vui vặt vãnh như nuôi mèo, chim cảnh. Mình chơi cho đầu óc thư thái.
Còn thực sự là muốn làm kinh tế thì không dạy học và cũng không làm phim truyền hình vì kinh phí rất thấp. Phim nhà nước chỉ có thế thôi. Làm quần quật hơn 1 năm trời mà tiền cao nhất cũng chỉ được có khoảng hơn 200 triệu. Tính ra một tháng được hơn chục triệu, cũng chỉ bẳng lương người ta đi làm túc tắc.
- Dạy học cũng nghèo, làm phim truyền hình cũng nghèo nhưng xưa nay ông lại chưa từng quan tâm tới vấn đề cát-xê, vì sao vậy?
- Tôi không đặt quá nặng vấn đề cát-xê vì cũng lớn tuổi rồi và đó cũng không phải tính cách của tôi. Đi làm với các đơn vị thì có chỗ tự giác nhưng cũng có chỗ không tự giác cho lắm. Lại có những chỗ, tôi đi làm lại không phải vì tiền. Chưa bao giờ tôi đi làm mà lại đặt nặng cái việc rằng cát-xê phải như thế này thì tôi mới như thế. Còn cứ cộng cả tiền dạy học, tiền đóng phim và cả tiền lương hưu vào thì bớt nghèo đi thôi.
Việc kiếm được tiền thực ra cũng từ các sự kiện, chương trình quảng cáo nữa. Có những chỗ đi làm cũng chẳng được bao tiền, có những chỗ thì cũng được tương đối nên để nói một mức giá thì cũng khó nói lắm. Cả năm trời đi làm không bằng một ngày quay quảng cáo thế nhưng nếu không có một năm trời đi làm phim đó thì lại không có quảng cáo 1 ngày này.
- Tài hoa, say nghề lại không đặt nặng vấn đề cát-xê và miệt mài suốt nhiều năm, ông có nghĩ nhờ vậy mà được tổ nghề đãi không?
- Đúng là tôi cũng rất may mắn trong sự nghiệp. Nhưng thiết nghĩ, Tổ nghề chỉ đãi ai chăm lao động thôi, chứ không phải vì thằng này mình quý nó hơn đâu. Lao động thì chẳng lao động, cứ đi xì xụp thắp hương để khấn, khấn nhiều nhưng có lao động đâu mà người ta cho.
Với nghề này, hãy yêu nó đi, chưa chắc nó đã yêu mình. Chứ đừng nói mình không yêu nó mà cứ bắt nó yêu mình. Không có đâu. Có nhiều gương mặt nổi tiếng chỉ dùng được trong lúc còn xinh đẹp đó thôi. Phải khi hết xinh đẹp rồi mà vẫn còn dùng được thì cái đọng lại đó mới là cái nghề. Lúc ấy mới là lúc Tổ đãi.
- Các vai diễn gần đây của ông đều có lời thoại ấn tượng, trở thành câu nói "hot trend" trên mạng xã hội. Nhiều người nhận xét, giọng nói và cách nhấn nhá của NSND Hoàng Dũng khiến khán giả ấn tượng mạnh. Ông có mất nhiều thời gian để rèn luyện cho việc này không?
- Tôi là diễn viên sân khấu nên việc rèn luyện về tiếng nói đã được quan tâm từ thời trẻ. Trước mỗi đoạn thoại, tôi luôn tính xem mình phải nói như thế nào, thậm chí còn đổi vị trí của từ để nhấn mạnh hay nhẹ hơn. Quan trọng là nói xong, mọi người phải hiểu ngay. Có những câu thoại phải tính xem có nên nói toang ra không hay giữ lại.
Bản thân tôi hay tìm cách để thể hiện cho đúng với nhân vật, đúng với đối tượng mà nhân vật hướng tới. Mình làm việc cũng nhiều, cũng có kinh nghiệm nên "nảy số" được ngay.
- Theo ông, kinh nghiệm hay mong muốn của bản thân sẽ giúp người diễn viên có sự thể hiện tốt như vậy?
- Xuất phát từ mong muốn, từ khát vọng muốn làm tốt đã. Còn kinh nghiệm giúp ta làm việc đó dễ dàng, không phải quá mất công tìm tòi, suy nghĩ. Có những cảnh diễn mà mọi người bảo "sao chú làm được như thế?", ví như những cảnh cần đẩy lên cao trào cảm xúc. Thường những cảnh xúc động, nhiều diễn viên, nhất là nữ, sẽ kích khóc rất tốt. Có mấy đứa sinh viên của tôi rất nhạy cảm, để khóc rất tốt. Tôi cũng nói rằng thầy cũng là người như thế, động đến những vấn đề nhạy cảm, xúc động một chút thì cũng rất dễ khóc.
Nhưng khi đi quay phim "Sinh tử", có một cảnh nhân vật Chủ tịch tỉnh ân hận, chú muốn đẩy cảm xúc lên rồi ghìm nó xuống, rồi lúc khác nó lại lên, vẫn phải ghìm nó xuống. Thì đạo diễn mới xin, bảo là cho nó trào ra. Tôi bảo không được, tôi không thích. Thường thì trào ra là hết, khóc xong là thôi nhưng nếu cứ lên xong lại xuống ngay thì khán giả xem sẽ thấy tức ngực hơn nhiều. Đấy mới là cái khó.
- Tức là người diễn viên cũng phải điều tiết cảm xúc cho phù hợp với nhân vật phải không?
- Chính xác. Vai đơn giản thì khóc tóe loe nhưng vai này thâm trầm hơn thì không khóc. Ví dụ một ông nông dân trong tình cảnh mất của, ông ý sẽ khóc ngay. Nhưng một ông trí thức vào trường hợp ấy thì không. Mỗi nhân vật sẽ có một cách khác nhau.
Hay có bộ phim, nhận vật không rơi một giọt nước mắt khi mất đi người thân nhưng trả thù đến hơi thở cuối cùng. Qua đó phải biết được họ bộc lộ tình yêu đối với người đã mất như thế nào. Đó là cách tả. Ngay từ ngày xưa, tôi đã mong được đóng một vai nào đó mà muốn khóc cũng không khóc được.
- Và ông đã gặp vai diễn đó ở nhân vật có chiều sâu như Phan Quân phải không?
- Chính xác. Cái kết của "Người phán xử" là tôi khóc mà không rơi một giọt nước mắt nào. Thế nhưng sự xúc động đến với khán giả thì nguyên vẹn. Nhưng đó không phải phương án 1. Nó bị buộc vào một hoàn cảnh là tôi không còn nước mắt nữa.
Ở cảnh chết đầu tiên, tôi chỉ nhìn Lê Thành (do Hồng Đăng thủ vai – PV) thôi, và sau đó thì "kích". Đan Lê (DV Đan Lê - PV) bảo: "Bố ơi con chưa bao giờ thấy một người không cử động mà tốc độ nước mắt chảy nhiều như thế". Tôi phải rất tập trung mới làm được điều đó. Nhưng sau đó đạo diễn xin phép là quay lại. Tôi tiếc vô cùng tiếc. Vì ngay cả tôi không phải lúc nào cũng làm được như thế.
Tôi dồn nén cảnh ấy rất nhiều vì nghĩ trong phim, ông trùm Phan Quân quá rắn và sống với slogan là "gia đình là trên hết". Người biết yêu quý gia đình, biết tôn trọng và bảo vệ sự ruột thịt thì còn gì đau đớn hơn hành động tự tay bắn chết con mình. Sự tác động ấy mạnh mẽ tới mức nhân vật vỡ òa.
Chỉ vì Hồng Đăng nằm thấp quá mà khi tập hình các bạn không để ý, buộc tôi phải cúi xuống. Chả nhẽ con khóc đây mà lại ngửa mặt lên. Thế là phải quay lại. Lúc ấy, tôi bảo "Thôi chúng mày giết chú rồi". Tôi đã o bế cảnh này từ đầu phim mà chúng nó cứ đứng đần độn ra xong rồi nói nhau.
- Rồi sau đó, ông đã xử lý tình huống cao trào bậc nhất của bộ phim bom tấn đó thế nào?
- Nếu như tôi không thực tiếc thì sau một lúc là tôi hồi được nhưng vì tiếc quá nên không thể. Một lúc sau, tôi bảo thôi thì phải làm cách khác vậy. Cảnh sau đó, tôi không có 1 giọt nước mắt nào nhưng diễn cái cảm giác tức nghẹn hết trong cổ, nó như người bị nghẹn bị hóc vậy, đó cũng là 1 cách tả sự đau đớn tận cùng.
- Phan Quân có lẽ là một trong những vai diễn ghi dấu ấn sâu đậm của NSND Hoàng Dũng trong lòng khán giả. Ở độ tuổi này, ông còn mong chờ vai diễn để đời với một hình ảnh hoàn toàn khác "ông trùm" đó nữa không?
- Tôi vẫn đi tìm những vai diễn nhẹ nhàng, bay bổng hơn nhưng thâm thúy hơn. Để thay đổi hình ảnh thì có lẽ tôi phải làm một ông nông dân và thay đổi rất nhiều về mặt hình thức. Nhưng tôi luôn sẵn sàng, thậm chí là già rồi, phải đi quay bôi màu nâu từ đầu tới chân, tôi cũng chịu. Miễn là vai diễn đủ hay.
Cảm ơn những chia sẻ của ông.