Từ rạng sáng 16/4, hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris bị nhấn chìm trong biển lửa đã trở thành đề tài bàn tán và là topic chính trong gần như tất cả các câu chuyện trên MXH ngày hôm qua. Người ta khóc thương, cầu nguyện, bàng hoàng và bày tỏ cảm xúc dữ dội trước hình ảnh biểu tượng hơn 700 năm của Paris đang cháy phừng phừng và đỉnh tháp sụp đổ trong khói lửa ngút trời.
Chưa bao giờ số lượng người đăng tải ảnh "check-in" ở Nhà thờ Đức Bà Paris lại nhiều đến vậy với nhiều trạng thái khác nhau. Bên cạnh đó, ngược dòng với những chia sẻ xúc động về một biểu tượng bỗng chốc hoá tro tàn - lại là luồng ý kiến bày tỏ sự khó hiểu, thậm chí bức xúc khi nhiều người đang than khóc cho một "khối sắt thép" ở tận nước Pháp xa xôi, khi mà trong xã hội hàng ngày vẫn còn nhiều số phận hẩm hiu, vẫn còn nhiều hoạn nạn, thảm kịch mà không được nhắc tới.
Nhà thờ Đức Bà bị cháy đang là thông tin thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận
Ai cũng có lý lẽ riêng, ai cũng có góc độ riêng. Chưa bàn tới chuyện đúng hay sai, điều quan trọng nhất là ai cũng nghĩ mình đúng. Họ miệt thị, dè bỉu, chỉ trích bên còn lại và tiếp tục những cuộc chiến không có hồi kết trong thế giới phẳng.
"Nhà thờ Đức bà Paris bị cháy" chỉ là một trong rất nhiều sự kiện đang diễn ra, góp thêm "lửa" vào những cuộc tranh cãi không có hồi kết trên mạng xã hội. Nhưng hãy thử một lần nhìn nhận mọi thứ ở góc độ khách quan, nắm bắt kỹ càng thông tin để mổ xẻ về độ "hot" của sự kiện nóng hổi này.
Nhiều người bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ trước hình ảnh Notre Dame bị cháy vì đơn giản, họ có kỷ niệm về nơi đó, dù là người từng đặt chân đến đây hay chỉ biết qua các câu chuyện kể của văn hào Victor Hugo. Tuổi trẻ của họ đã có đôi lần du lịch tới Paris, đi ngang qua Nhà thờ ấy và đứng lại chiêm ngưỡng nó. Và đó là khoảnh khắc họ nhớ mãi trong cả chuyến đi.
Paris là nơi đông khách du lịch bậc nhất châu Âu. Đối với nhiều người Việt nói riêng và trên thế giới nói chung, đây là điểm đến phổ biến nhất cho lần đầu tiên đặt chân tới châu Âu. Nó đã trở thành một biểu tượng, một hình ảnh kinh điển và đại chúng nhất về phương Tây. Chính vì thế, nhìn hình ảnh đám cháy, đừng hỏi vì sao nhiều người lại thấy xót xa vì Paris và những gì gắn với nó đã trở thành một biểu tượng. Những công trình khác ở châu Âu như Cầu Charles (Czech), Tòa nhà Quốc hội (Hungary) hay gần gũi hơn chút là Tháp nghiêng Pisa (Ý) mà (trộm vía) có làm sao thì cũng không thể được quan tâm nhiều như Notre Dame hay những gì thuộc về Paris.
Nhiều người bày tỏ sự xót thương khi 1 công trình kiến trúc thế kỷ bị thiêu rụi bởi ngọn lửa lớn
Đại văn hào Hemingway từng viết trong cuốn Hội hè miên man: "Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man". Paris đã quá nổi tiếng trong thi ca, nghệ thuật và nhắc tới nó, người ta luôn nghĩ về cái đẹp, về sự lãng mạn, mộng mơ. Người ta có thể đến Paris, chán ghét nó, thích những thành phố khác hơn. Thế nhưng những công trình kiến trúc ở đó giống như một thứ chuẩn mực mạnh mẽ, đồ sộ để người ta đặt vào đó một thứ lòng tin vô hình và cảm thấy kiêu hãnh.
Nó giống như việc khi mất hết niềm tin vào mọi thứ, tìm đến một nơi được coi như biểu tượng của thành phố mình đang sống, đơn giản là chỉ đứng đó nhìn ngắm để thấy mình nhỏ bé trước một thứ hiên ngang và vững vàng.
Đó là những lý do hoàn toàn đơn giản và dễ hiểu nhất về việc tại sao cả ngày hôm nay, người ta chỉ nói về Paris.
Nhưng bên cạnh những cảm xúc về Notre Dame của kỷ niệm, của ký ức thì "trend" cũng kéo theo cả sự a dua theo tâm lý "số đông”. "Sẽ thật lạc hậu nếu không nói về cái gì đang hot", "Ai cũng khóc thì mình phải khóc thôi".
Trong thời đại 4.0, sự tiện lợi về thông tin điện tử khiến con người dần có thói quen đọc lướt, nắm bắt "từ khóa" thay vì đọc kỹ một thông tin nào đó. Điều đó dẫn đến việc chỉ cần nắm được một thông tin giật gân được thể hiện trên đầu mà không cần đọc hết một đoạn dài là ai cũng có thể bộc lộ quan điểm.
Nhiều người chưa tìm hiểu thông tin thiệt hại và chi tiết vụ việc ra sao, chỉ cần bắt keyword "Nhà thờ Đức bà Paris cháy" là bắt đầu than khóc, bi kịch hóa mọi thứ như thể cả nước Pháp sắp biến mất khỏi Trái Đất.
Trước đây, nhà thờ Đức Bà đã từng đồ sộ đến thế
Chính từ đó mà tạo nên nhiều luồng ý kiến mãi mãi chẳng thể dung hòa. Đám đông trở thành một cộng đồng dễ bị kích động bởi mạng xã hội là thứ mà ai cũng sở hữu một tài khoản riêng, là nơi tự do thể hiện. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thiếu thông tin nhưng lại thừa cảm xúc dẫn tới những quan điểm cực đoan, quá khích.
Tiêu điểm của các cuộc chỉ trích có thể là người đi ngược dòng dư luận, người bám theo trend để phục vụ mục đích cá nhân. Câu nói "Thà giết lầm còn hơn bỏ sót" của Tào Tháo trong Tam Quốc Chí ra đời từ thế kỷ 19 giờ được áp thành "Thà chửi nhầm còn hơn bỏ sót".
Chưa bàn đến góc nhìn cá nhân có hợp lý ngay không, nghe không thuận tai là cứ lao vào chỉ trích đã, phải lôi hết các yếu tố từ ngoại hình, xuất thân hay bất kỳ động thái nào để miệt thị, kiểu như "một khi đã ghét thì ghét đủ đường". Nhưng khi chỉ trích chán chê xong, thông tin được đính chính lại thì đám đông lặng im, coi như chưa có chuyện gì xảy ra và bắt đầu sang đề tài mới đang gây sốt của ngày hôm sau.
Có ý kiến cho rằng: "Người thân hay người xung quanh là do trời sinh ra thế và sẽ gắn bó với nhau dù muốn hay không. Nhưng ‘thần tượng’ hay ‘tượng đài’ là một thứ đức tin vô hình mà con người có quyền lựa chọn để yêu, để tin, để làm chỗ dựa".
Bạn có thấy quan điểm này thuyết phục?
Khi ra đời, thành tựu của mạng xã hội là đề cao cái tôi, sự tự tin và quyền bộc lộ tiếng nói cá nhân trước mọi vấn đề. Nhưng sự cảm thông và độ tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin thì hẳn vẫn là thứ bị đóng băng trong thời đại 4.0.