Nỗi lo xóa sổ ẩm thực đường phố Bangkok: Những gánh hàng rong sẽ đi về đâu?

Skye, Theo Thời Đại 17:47 18/04/2017

Những chiến dịch mới từ chính phủ và các nhà kinh doanh bất động sản đang đe dọa tới nền văn hóa ẩm thực đường phố nổi tiếng bậc nhất châu Á của thành phố Bangkok, Thái Lan.

Khi các nhà quy hoạch thành phố quyết định thay thế những khu vực vốn trước đây là địa điểm tập trung của những người buôn bán hàng rong, bằng những tòa nhà cao ốc cùng với kế hoạch dọn sạch vỉa hè của chính phủ, thiên đường ẩm thực đường phố của Bangkok đang đứng trước nguy cơ bị xóa xổ hoàn toàn.

Cuộc càn quét gần đây nhất diễn ra tháng trước, khi ban quản lý đô thị thành phố Bangkok thông báo tất cả hàng rong tại Thonglor, Ekkamai, và Phrakanong sẽ phải đóng cửa vào ngày 17/4. 

Kể từ năm 2014 tới giờ, những chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, nhường chỗ cho người đi bộ và cắt giảm rác thải công cộng đã được thành phố triển khai trên diện rộng. Kết quả ban đầu của những chiến dịch này đã chứng tỏ tính hiệu quả của nó. Khu vực quanh trung tâm thương mại Siam đã được dọn sạch, vắng bóng khu chợ đêm đông đúc trước kia. Con đường Silom cũng không còn cảnh hàng quán chen chúc, đông nghẹt. Tại nhiều nơi, luôn có những nhân viên giám sát đứng túc trực để đảm bảo đường phố luôn được giữ sạch sẽ và không có hàng rong.

Nỗi lo xóa sổ ẩm thực đường phố Bangkok: Những gánh hàng rong sẽ đi về đâu? - Ảnh 1.

Hàng rong là một nét văn hóa đặc trưng của du lịch Thái Lan.

Việc các công ty mua đất để xây dựng các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại cũng đang khiến nhiều điểm buôn bán hàng rong bị xóa sổ hoàn toàn. Những hàng rong tại thiên đường ẩm thực Soi 38 đã phải rời đi khi khu đất bị bán cho một công ty vào năm 2015. Khu chợ đêm On Nut nổi tiếng cũng đã phải nhường chỗ cho những tòa nhà ở hạng sang khác. Gần đây nhất, Cheap Charlies, một  quán bar đường phố có tuổi đời lên tới 35 tuổi đã phải đóng cửa vào hôm 31/3 để nhường chỗ cho một dự án bất động sản. 

Dù nhiều người bán hàng rong tại Soi 38 và On Nut đã cố gắng chuyển vị trí tới gần nơi buôn bán ban đầu, đa phần những người bán hàng rong khác phải chuyển sang vị trí rất xa và mất đi những khách quen trong suốt bao nhiêu năm qua. 

"Tôi muốn thuê một cửa hàng mặt tiền đâu đó quanh đấy, nhưng chi phí đắt quá", một người bán bún tại Sukhumvit Soi 71 chia sẻ khi cái thời hạn 17/4 đã tới. "Tôi phải dọn tới chỗ nào đó, tìm một địa điểm mới, khách hàng mới. Mọi thứ chẳng dễ dàng gì". Ông Kriang, một người buôn hoa quả gần đó cũng nói: "Đây là cuộc sống của chúng tôi, họ muốn gì ở chúng tôi nữa".

Không chỉ đem đến những món ăn ngon cho du khách, trở thành nét văn hóa độc đáo cho ngành du lịch Thái Lan, những gánh hàng rong như vậy còn là một phần cuộc sống dân địa phương. Tại quốc gia với thu nhập trung bình của người dân chỉ khoảng 200,000 đồng/1 ngày, đồ ăn vỉa hè thực sự là "cứu cánh" cho những người lao động nghèo. Tháng trước, CNN đã xếp hạng đồ ăn vỉa hè Bangkok, Thái Lan là ngon nhất trên thế giới.

Nỗi lo xóa sổ ẩm thực đường phố Bangkok: Những gánh hàng rong sẽ đi về đâu? - Ảnh 2.

Nhiều người đang thực sự lo lắng cho số phận của họ; nếu không được bán hàng rong, họ sẽ đi đâu về đâu?

Tại Bangkok, một bữa ăn đường phố thường có giá khoảng từ 25,000 - gần 40,000 đồng; các món ăn vặt thì chỉ khoảng vài nghìn đồng. Người ta còn cho rằng, ăn ở nhà còn đắt đỏ hơn ăn tại các quán vỉa hè Bangkok. Một người bán somtam tại Soi 71 chia sẻ:

"Những hàng rong như vậy thực sự rất quan trọng - chúng tôi cung cấp thức ăn với mức giá phải chăng cho người dân sống trong khu vực, những người lao động nghèo, lái xe ôm, công nhân".

Dù nhiều người vẫn lạc quan về việc các gánh hàng rong có thể được buôn bán trên phố, dân địa phương đang thực sự lo sợ việc khi hàng rong không còn, họ sẽ không biết mua đồ ở đâu với mức giá phải chăng. 

Có thể chính phủ và các ban ngành liên quan sẽ xem xét những kế hoạch như Singapore đã giải quyết việc buôn bán hàng rong trên phố. Bài toán đặt ra tại Thái Lan vẫn là làm sao để có vừa có thể giữ được không gian vỉa hè cho người đi bộ, vừa có thể đảm bảo được quyền lợi cho những người bán hàng rong khi đó là cách mưu sinh duy nhất cho cuộc sống của họ. Nếu không được có đất, những gánh hàng rong sẽ đi về đâu.

(Theo Vice)