Nỗi khổ sinh viên Ngoại thương: Thi vào vì nghĩ trường hot, việc tốt lương cao, nhưng hụt hẫng không biết đam mê là gì, đi làm mới hối hận

V.D, Theo Trí thức trẻ 11:05 30/08/2019
Chia sẻ

Xoay xung quanh vấn đề này, rất nhiều tranh cãi được đưa ra bởi theo ý kiến nhiều người, họ trách "sướng không biết đường sướng, toàn tự làm khổ mình".

Ở tuổi 18, thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng, chắc hẳn bạn là niềm tự hào vô bờ bến đối với bố mẹ, họ hàng, thậm chí cả làng xóm. Được học tập ở một ngôi trường lớn, có tiếng tăm, bạn đã thực hiện được ước mơ của vạn người. Đặc biệt, đối với những đứa học sinh tỉnh lẻ, ngôi trường này chính là ngôi sao sáng nhất muốn được chạm tới.

Trường Đại học Ngoại thương vốn được biết đến là một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo kinh tế ở Việt Nam. Người ta còn đặt cho ngôi trường này nhiều tên gọi nghe-thôi-đã-đỉnh như "Havard Việt Nam", “Sinh viên chảnh”, “Tiếng Anh đỉnh”, “Lò đào tạo hoa hậu"...

Ấy vậy mà, len lỏi giữa những ước mơ được học tại FTU (Đại học Ngoại thương) là những trăn trở của các bạn sinh viên/cựu sinh viên là liệu đây có thực sự là giấc mơ của mình không. Một cựu sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại mới đây đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của mình và đang băn khoăn về đam mê thực sự của bản thân:

"Chào mọi người,

Hôm nay trời mưa bỗng nhiên thấy buồn buồn nên lên đây chia sẻ với mọi người một chút về bản thân mình.

Có thể nói cuộc đời mình đến bây giờ là một lộ trình "đúng quy trình" như xã hội nhìn vào (hoặc có thể là như cái mindset được mặc định cho mình từ lúc sinh ra): thi vào trường chuyên – đậu, thi đại học vào FTU khoa Kinh tế đối ngoại – đậu, năm 3 đi thực tập cho công ty lớn, ra trường làm FMCG rồi chuyển ngành, sang các tập đoàn đa quốc gia khác.

Mình năm nay 26 tuổi. Đã đi làm được 4 năm có lẻ. Vị trí bây giờ trong công ty cũng có thể gọi là vững vàng một chút, lương cố định khoảng trên 2000 USD/tháng, cộng thêm các khoản thưởng và trợ cấp hàng tháng khác – theo con mắt của mọi người thì cũng tạm gọi là ổn định.

Theo đúng quy trình thì bây giờ sẽ là thời điểm không-thể-thích-hợp hơn để tiến đến bước tiếp theo, là "settle down", nói văn vẻ thì là "ổn định cuộc sống". Nói ngắn gọn thì là – lấy chồng.

Bạn trai mình hơn mình 3 tuổi. Hai đứa quen nhau 3 năm, hai gia đình cũng biết nhau rồi. Khỏi cần nói chắc mọi người cũng hiểu hai nhà giục cưới như thế nào nhỉ.

Nhưng rồi đột nhiên, vào thời điểm tất cả đều đang mong chờ mình bước bước tiếp theo, mình lại bỗng nhiên có những suy nghĩ khác. Có thể là sự giục giã từ đôi bên, dấu hiệu của bạn trai mình… cũng không rõ nữa nhưng bỗng một ngày nọ mình nhắm mắt lại và nghĩ: liệu mình đã muốn dừng lại ở đây chưa. Liệu mình đã sẵn sàng bước vào hôn nhân, liệu mình có sẵn sàng chung sống với bạn trai mình hết cuộc đời hay không. Và mình không thể trả lời "có" cho câu hỏi nào cả.

Nỗi khổ sinh viên Ngoại thương: Thi vào vì nghĩ trường hot, việc tốt lương cao, nhưng hụt hẫng không biết đam mê là gì, đi làm mới hối hận - Ảnh 1.

Các bạn đã từng ở trong một mối quan hệ theo kiểu không nóng không lạnh, hai người cần nhau và dựa vào nhau nhưng không phải không thể sống mà không có nhau, sẽ không chịu nổi khi một ngày không nhìn mặt nhau chưa? Nghe thì ngôn tình nhưng giờ nghĩ lại có lẽ đấy chính là quan hệ của bọn mình, hoặc ít nhất là mình. Nhìn bạn bè xung quanh mình yêu chết đi sống lại, mình chỉ cười thôi, vì mình chưa bao giờ rơi vào tình huống đấy cả. Hai bọn mình có thể đi công tác cả tuần không gọi điện cho nhau mà chỉ nhắn tin qua lại, nhưng vẫn có mặt mỗi khi người kia cần; mình có khoảng trời riêng của mình và bạn trai mình cũng thế; vì thế mà khi nghĩ đến hôn nhân mình bỗng cảm thấy không thoải mái, mình không thấy háo hức hồi hộp như tâm lý bình thường lẽ ra phải có, mà càng nghĩ, mình chỉ càng cảm thấy tệ.

Rồi khi mà mình đang băn khoăn như vậy, công ty lại đưa ra một lời đề nghị mới, lần này hấp dẫn hơn nhiều và lời chia sẻ từ sếp là muốn giữ mình làm nhân viên chủ chốt của công ty với cam kết gắn bó lâu dài. Thế là mình lại ngồi suy nghĩ. Xem mình có thể gắn bó suốt đời với công việc hay không.

Mình sẽ không chia sẻ sâu, nhưng công việc của mình, tuy căng thẳng và cần đầu tư nhiều chất xám nhưng không phải lúc nào cũng bận, và thoải mái về thời gian, cho mình một cuộc sống cân bằng. Nhưng rồi khi mình nghĩ xem đấy có phải là công việc mà mình yêu thích và sẵn sàng gắn bó với nó suốt đời, mình cũng không thể trả lời được.

Giờ nghĩ lại, lý do mình chấp nhận lời đề nghị vào công ty là vì brand name của công ty và lời đề nghị cao so với mình lúc đó và một công việc thử thách với sở thích của mình cũng giống như ngày mình thi trường chuyên, thi vì đấy là môn mình giỏi nhất và brand name của trường; thi Kinh tế đối ngoại đơn giản vì đấy là ngành điểm cao nhất của khối D, brand name FTU và thầy cô định hướng mình thi khoa đó, ra trường thi IELTS theo phong trào, thi FMCG cũng chỉ vì cái brand công ty, vì được học hỏi... và giờ đây, khi đứng trước hàng loạt bước ngoặt của cuộc đời, mình bỗng nhiên nhận ra, mình không thật sự có đam mê với cái gì cả, mình không biết loại công việc nào mới có thể làm bản thân hạnh phúc, cũng như tình yêu nào mới khiến cho mình cảm thấy thật sự muốn tiến tới chung kết của cuộc đời.

Nếu có thể, mình sẽ quay lại nói với bản thân mình vài năm trước đây, đừng quá vội vàng, đừng chạy theo những brand name, những cột mốc mà hãy dừng lại một chút để ngẫm xem mình thích gì, muốn gì và cần gì. Đấy cũng là lời chia sẻ của mình với đứa em năm nay thi đại học và cũng đang hướng đến khoa Kinh tế đối ngoại FTU, hãy bỏ mặc những gì xã hội nghĩ và thử một lần nghĩ nghiêm túc xem mình muốn làm gì. Thật đấy.

Còn mình, có thể hơi quá muộn, nhưng cũng sẽ thử ngồi ngẫm nghĩ."

Nỗi khổ sinh viên Ngoại thương: Thi vào vì nghĩ trường hot, việc tốt lương cao, nhưng hụt hẫng không biết đam mê là gì, đi làm mới hối hận - Ảnh 2.

Không riêng gì cô gái phía trên rơi vào tình huống bất khả kháng, "bỏ thì thương, vương thì tội" với cuộc đời, một cô gái khác là hậu bối học cùng khoa ngay sau đó cũng đã chia sẻ về tình trạng của mình hiện giờ. Thi vào Ngoại thương là vì tên tuổi trường, là vì mong muốn của bố mẹ, là vì sự ngưỡng mộ của những người xung quanh; gật đầu đồng ý đi làm vì tên tuổi công ty, lương hấp dẫn. Và rồi, ngoảnh lại nhìn lại thấy những quyết định của mình chưa hẳn do mình muốn mà là do những yếu tố khách quan thúc đẩy.

Những tưởng những hào nhoáng bên ngoài sẽ là thứ kéo ta lại với công việc nhưng khi ngẫm lại, bản thân ta lại chẳng sống vì ta mà sống vì những lời khen ngợi, ngưỡng mộ trống rỗng của mọi người xung quanh. Lao vào những hào nhoáng ấy, nhìn thấy sự không thoải mái của chính mình nhưng ít ai dừng lại được guồng quay của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền...

"Lâu rồi mới đồng cảm với một chia sẻ như thế này, tuy em mới ra trường, nghề nghiệp cũng chưa ổn định và lương 2000 USD như chị.

Lộ trình của em cũng gần giống trên kia, trong đại học cũng tham gia hoạt động câu lạc bộ nọ kia, hội thảo việc làm của các công ty lớn, nghiên cứu thi MT, kinh nghiệm vượt qua các vòng. Năm cuối em đăng kí thi 4-5 MT, hội bạn còn làm hẳn group chia sẻ các tips thi MT, thi SEO, tập phỏng vấn cho nhau. Kết quả em vào vòng cuối 2 chương trình MT, rồi trượt. Lúc đấy thì cũng buồn kinh khủng, như thể không thi được MT là một thất bại lớn lao trong đời ý, vì bạn bè mình ai cũng thi và nhiều người đã đỗ rồi...

Nhưng em cũng không phải buồn quá lâu vì sau đó có tin đăng tuyển của 1 công ty FMCG lớn khác, tuyển vị trí business development. Bạn vừa chia sẻ là em apply ngay, nghe tên công ty là thấy hấp dẫn ngay rồi. Bản thân em là người khá quảng giao, năng nổ nên mọi người xung quanh luôn nói em làm sale hợp (e nghe cũng thấy hợp). Em đỗ. Offer là 1000 USD/tháng. Em nghĩ nếu cố gắng thì (may ra) sau 4-5 năm nữa cũng có thể tiệm cận mốc 2000 USD của chị kia.

Nỗi khổ sinh viên Ngoại thương: Thi vào vì nghĩ trường hot, việc tốt lương cao, nhưng hụt hẫng không biết đam mê là gì, đi làm mới hối hận - Ảnh 3.

Đến đây chắc đa số mọi người sẽ nghĩ, ôi con bé này sướng mà không biết hưởng, kêu cái gì nhỉ. Khi đọc offer, em gật đầu ngay không đắn đo lấy 1 giây, quá tốt ý, công ty lớn, lương còn cao hơn (đa số) MT. Từ đó đến giờ là 1 năm. Một năm để e nhận ra, mình và công việc này càng ngày càng không thuộc về nhau. Công việc sale của FMCG (các công ty có thể gọi hoa mĩ là business development gì gì đó nhưng vẫn là sale hết) là những ngày tháng rong ruổi khắp các con phố từ các cửa hàng bách hoá đến các khu chợ, tiếp xúc với đủ loại người; sau về chốt số, báo cáo ngày, và đi nhậu.

Một tuần có 7 ngày thì nhậu hết 4-5 ngày, tới tối khuya rồi sáng lại dậy đi làm. Thực ra chuyện rong ruổi xe máy nắng mưa với em cũng không sao, em không ngại khổ, công việc vất vả (dù là con gái, da đã đen đi vài phần, cũng quên luôn chuyện mặc đẹp đi làm), nhưng vấn đề lớn hơn đến từ tính chất công việc này. Đủ loại người, thượng vàng hạ cám, có buổi trưa nắng nôi đến còn gặp bác chủ quán đang cởi trần say rượu lè nhè. 

Team cũng dăm bảy loại người, đội level thấp hơn em một chút là các anh nhiều tuổi hơn em nhiều, đam mê nhậu nhẹt, nói chuyện cộc lốc bỗ bã kiểu đường phố và có những câu bông đùa đôi khi rất phản cảm. Chị manager ở khu vực em là người cực kì sắc sảo, cách nói chuyện cũng... và văn hoá nhậu nhẹt, ôi không thể mê được.

Môi trường đã vậy, nhưng nghiêm trọng nhất là công việc. Em thấy mình như một cái máy vậy, cả ngày cả tuần đi theo đúng một quy trình. Học được gì không? Học được mùi đời, cách luồn lách để keó đủ doanh số và cách ăn gian ăn bớt số liệu để thu lợi cho mình.

Chuyên môn của em là gì? Làm sale làm gì có chuyên môn. Em cố gắng đạt điểm tốt Vận tải, Bảo hiểm, Thanh toán quốc tế... làm gì, giờ ngày ngày lo chuyện stock, lau chùi tủ bàn cho người ta, khéo mồm miệng chút để người ta lấy thêm hàng cho mình. Và nhậu! Ngày xưa em giỏi toán, giờ các phép tính phải làm hàng ngày là cộng trừ nhân chia.

Bạn bè cùng lứa luôn nhìn vào em theo kiểu, à nó làm công ty này, vị trí này, lương như này. Oách. Thấy em đi du lịch chỗ này chỗ khác. Sướng. Bố mẹ thấy con gái như vậy. Tự hào. Nhưng em thì không thấy ổn chút nào, ngày qua ngày em càng nung nấu ý định nghỉ việc và làm thứ mình thích. Rồi em nhìn lại mình - có gì trong tay? Chuyên môn? Không. Kinh nghiệm? Tính là không đi vì em cũng không có ý định làm sale FMCG nữa. Em làm gì bây giờ?

Và em đọc được chia sẻ của chị. À hoá ra còn nhiều người giống mình mải mê chạy theo brand name, chạy theo đồng tiền (mà mình ngỡ là nhiều) mà quên mất mình thật sự đam mê cái gì, giấc mơ của mình là gì.

Không có giá như vì chắc thời gian có quay lại em vẫn sẽ như vậy thôi. Gia đình em cũng không phải quá khá giả nên thực sự mức lương bây giờ vẫn quá ok để em có thể giúp đỡ gia đình và trang trải cho bản thân...

Nhưng em cũng không muốn tiếp tục làm việc mà mình không thích. Cảm giác như mình chỉ đang tồn tại chứ không phải sống vậy."

Nỗi khổ sinh viên Ngoại thương: Thi vào vì nghĩ trường hot, việc tốt lương cao, nhưng hụt hẫng không biết đam mê là gì, đi làm mới hối hận - Ảnh 4.

Bên cạnh chia sẻ đồng cảm, thấu hiểu nỗi băn khoăn, một cựu sinh viên FTU khác không ngại bày tỏ rằng đó chỉ là một giai-đoạn-thất-thường rất bình thường của cuộc sống. Lúc thăng lúc trầm, lúc mệt mỏi lúc hạnh phúc, đó là quy định tất yếu trong cuộc sống rồi.

Và có lẽ không chỉ riêng các bạn sinh viên FTU, không chỉ riêng một cá thể nào đó, mà tình huống trên có rất nhiều bạn rơi vào. Không rõ nó là quyết định sai từ đầu hay chỉ là một giai đoạn cuộc sống, nhưng trên hết, hy vọng các bạn đủ bình tĩnh và tỉnh táo để không có lựa chọn nào gây ra sự hối tiếc trong tương lai.

"Em là K51, không học Kinh tế đối ngoại nhưng cũng trải qua đủ nghề, từ HR, marketing cho game, start up công nghệ và cuối cùng từ khi ra trường đến giờ cũng đi làm FMCG. Mới được thăng chức, lương cũng khoảng 2500 USD, cũng dư dả, cộng thêm khoản làm part-time Career Mentoring. Và cũng đang/đã từng khủng hoảng. Nói không phải để khoe, mà để chị thấy cũng có nhiều người như vậy lắm.

Và đấy là một điều rất bình thường.

Trước khi được thăng chức, trước khi mua nhà, em có rất nhiều động lực để cày, để làm mới bản thân, để bơi đến mục tiêu phía trước. Đối với một thằng nhóc tuổi 24, "được công nhận", "được trải nghiệm cảm giác lãnh đạo", "được xuất sắc hơn bạn bè cùng lứa", "giàu", là một đỉnh núi mà sống chết gì mình cũng phải leo lên đến nơi.

Leo đến nơi rồi, ai cũng sẽ có cảm giác hụt hẫng, vì không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Đơn giản là vì suốt 3, 4 năm mình chỉ nghĩ về một mục tiêu đấy, chứ không "think beyond the goal". Chúng ta nghĩ sự nghiệp là một loạt các đỉnh núi kế liền nhau ở dãy Lào Cai, chứ không phải là một đường chạy bền từ Hà Nội đến Mũi Cà Mau.

Em nghĩ chị đặt câu hỏi đúng: Đam mê thực sự của mình là gì? Nhưng em thì nghĩ dằn vặt mình với câu hỏi này không phải là cách trả lời. Em tìm lại đam mê của mình bằng công thức: Familiarity, Knowledge, Purpose -> Nhìn lại thứ mình giỏi nhất, chuyên môn nhất, master nhất và cho nó một "Purpose". Không phải chỉ để kiếm tiền, mà là để thỏa mãn đam mê, kiểu như một dạng Passion Project.

Ví dụ, em đang là Channel Manager. Em có kĩ năng tốt, nhưng 6 tháng vừa rồi em dành thời gian và sức lực vào chuyện làm cho hệ thống của công ty bớt cồng kềnh rắc rối cho "lính" em đỡ khổ. Vui mà!

Đam mê không phải là một thứ cụ thể. Đam mê chỉ là thái độ mình mang vào một công việc nào đó thôi."

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày