Dựa trên tiểu thuyết bán chạy cùng tên của nhà văn Neil Gaiman, American Gods là series truyền hình của đài Starz được đạo diễn bởi Bryan Fuller (Hannibal) và Michael Green (Heroes) là người chịu trách nhiệm sản xuất. American Gods là một trong những bộ phim truyền hình được kỳ vọng nhất năm 2017 và quả thực sau tập mở màn, người ta càng có lí do để tin vào điều đó.
Giống như nhiều tác phẩm của Neil Gaiman, American Gods là hành trình khám phá đức tin và sức mạnh ẩn sau những thần thoại mà loài người kính ngưỡng. Nhân vật chính là Shadow Moon, một người đóng vai trò là vệ sĩ cho quý ngày Thứ Tư (Wednesday). Wednesday cũng như các cựu thần khác trôi dạt từ thần thoại Bắc Âu, Ai Cập theo chân loài người tới đất Mỹ từ xa xưa.
Ngày nay họ phải đối mặt với một thế giới hiện đại mà con người dần bỏ rơi lịch sử. Nhân loại đang tôn thờ những vị thần mới đại diện cho công nghệ, truyền thông, mạng xã hội. Thế giới thần thánh của Neil Gaiman phụ thuộc vào đức tin của con người, khi chúng ta bỏ rơi thần thánh trong tâm tưởng, họ sẽ già nua và chết dần mòn. "Thần thánh không bất tử. Khi họ thực sự chết đi, họ sẽ không được tiếc thương và bị lãng quên."
Cuộc chiến giữa các Cựu thần và Tân thần đang nhen nhóm mà chắc chắn Wednesday và Shadow Moon là những người sẽ đóng vai trò quan trọng. Tập đầu tiên của phim đã hé lộ một số nhân vật cựu thần then chốt mà gốc gác của họ đối với nhiều người vẫn còn khá mù mờ.
Quý ngài Wednesday (Ian McShane)
Người đàn ông một mắt bí ẩn – quý ngài Thứ Tư là người đã thuê Shadow Moon làm vệ sĩ trong một kế hoạch tập hợp những cựu thần cho cuộc chiến với các tân thần. Wednesday là hiện thân của thần Odin – vị thần chiến tranh nổi tiếng trong thần thoại Bắc Âu. Sử dụng sự thông tuệ và hiểu biết của mình, Wednesday quyến rũ mọi người để có được thứ mình muốn.
Được mô tả như một người đàn ông râu dài, một mắt, Odin cũng là cảm hứng cho nhiều tác phẩm, từ J.R.R. Tolkien cho tới loạt Thor của Marvel. Cái tên Thứ Tư được đặt theo tên của Odin theo ngữ hệ Anh cổ, như nhân vật trong phim đã nói: "Hôm nay là ngày của tôi". Khi những người Viking lần đầu tiên tìm tới đất Mỹ, họ đã gieo mầm sống cho vị thần thông thái và hiếu chiến như Wednesday trên mảnh đất này ngay cả sau khi họ giong buồm trở về.
Mad Sweeney (Pablo Schreiber)
Nguồn gốc của Mad Sweeney nằm trong những câu chuyện cổ của Ireland về vua Suibhne dính lời nguyền của thánh Ronan nên bị biến thành yêu tinh (Leprechaun). Cái tên Suibhne dịch ra tiếng Anh là Sweeney, mặc dù ngoại hình khổng lồ của Sweeney còn xa mới giống những gì người ta hay mô tả về loài yêu tinh.
Vị thần này có lẽ đã theo chân làn sóng người Ireland nhập cư sang Mỹ vào thế kỉ 19. Mặc dù đã mất đi chất giọng Ireland nhưng Sweeney vẫn rất đặc trưng tinh thần dân tộc ở bộ râu tóc đỏ, ăn nói bỗ bã, uống rượu như hũ chìm và thích đánh lộn.
Bilquis (Yetide Badaki)
Được lấy cảm hứng từ Nữ hoàng xứ Sheba, Bilquis là hiện thân hiện đại bước ra từ truyền thuyết của người Do Thái, Hồi giáo và truyện cổ châu Phi. Nữ hoàng xứ Sheba được biết tới với cuộc viếng thăm vương quốc của vua Solomon tại Israel ngày nay. Trong phim, Bilquis được mô tả như một gái điếm nhưng một khi vào cuộc truy hoan, vị thần này sẽ nuốt chửng bạn tình để một lần nữa tươi trẻ trở lại.
Technical Boy (Bruce Langley)
Trong nguyên tác, Techinal Boy được mô tả như một thiếu niên béo tốt, râu ria đam mê công nghệ (hay còn được gọi là "geek"). Trên màn ảnh, Bryan Fuller đã khéo léo thay thế bằng một phiên bản màu mè hơn, hút vape, tóc tai và áo quần chải chuốt. Techincal Boy vốn là Tân thần trẻ nhất, nhưng đồng thời cũng là vị thần đầy tiềm năng khi càng ngày, sức mạnh của công nghệ càng được loài người trọng dụng.
Low Key Lyesmith (Jonathan Tucker)
Low Key đọc lái đi sẽ là Loki, vị thần lừa lọc nổi tiếng của thần thoại Bắc Âu. Trong khi người hâm mộ Marvel đã quen với Tom Hiddleston, thì Jonathan Tucker chắc chắn sẽ là một cơn gió mới thổi vào hình tượng này. Loki cũng là một nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết The Sandman của Neil Gaiman, một người lúc thì là đồng minh khi thì là nguồn cơn của hỗn loạn đúng như bản chất xảo trá của mình. Trong tập đầu của American Gods, Low Key Lyesmith đã tặng cho Shadow lời khuyên đáng giá: "Đừng bao giờ lằng nhằng với mấy con mụ ở sân bay".