Không to tát và hoành tráng như cơ sở vật chất ở các nước đang phát triển, cuộc sống của du học sinh cũng có những niềm vui nỗi buồn cực kì giản dị mà người cùng cảnh ngộ mới hiểu.
Sự giúp đỡ bình thường từ người lạ cũng đủ làm xúc động rơi nước mắt
Một thân một mình sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, nghe thôi cũng đủ thấy một loạt những khó khăn rồi. Ở nhà thì chỉ đi mua cuộn giấy vệ sinh thôi cũng nhờ mẹ, điện đóm nước nôi đã có bố. Ở nước ngoài mà đi lạc nữa thì sao?
Liệu có bạn nào gặp được câu chuyện ngôn tình như bạn Cú Bông này không nhỉ? “Có một lần tớ buồn tình, đi bộ từ nhà tình buồn về nhà mình, xong lớ ngớ đi lạc thế nào đi bộ lên cái cầu chỉ cho xe đi qua. Thế là đỏ xanh một chú xe cảnh sát kéo lại hỏi cô kia cô đang làm cái gì đấy. Sợ quá chỉ run rẩy bảo “Anh ơi em vừa sang đây em không biết gì em ngu dại em xin lỗi huhuhu”. Xong rồi ổng bảo tớ ngồi vào xe đi. Lúc đấy đã nghĩ là thôi chết vừa sang được hai tháng học thì chưa đến đâu mà đã bị bắt về đồn thôi chắc quay về nước làm đây chào cha mẹ chào tổ quốc. Ấy thế mà không ạ, ổng đưa hẳn về gần nhà xong còn xuống xe mở cửa cho mình chúc buổi tối tốt lành rồi dặn lần sau nhớ đi cẩn thận nhé. Eo ơi rụng tim! Rụng tim nữa vì ổng siêu đẹp trai nét vừa Á vừa Tây phải nói là một nồi lẩu thập cẩm rất ngon huhu. Biết thế mặt dày xin số luôn...”.
Thế mới thấy rõ ràng tình người ấm áp nhất là khi một thân một mình bên xứ người, nhận được lòng tốt bình dị của một người không phải bố, không phải mẹ, cũng không phải anh em bạn bè.
Cảm thấy mình người lớn hơn hẳn
Nếu ở nhà thì chắc vẫn đang được cho vào danh sách thành phần chưa lo nổi cho bản thân, nhưng đi học nước ngoài, cách xa bố mẹ vài nghìn km, mình không lo cho mình thì ai lo cho đây. Lắm khi một đứa loi choi đi đâu cũng được coi như “cụ tổ của thượng đế” thì cũng thấy mình vừa người lớn vừa oách xà lách lắm chứ.
Nhất là khi thấy mình cực giỏi trong khoản chi tiêu ăn uống: “Qua Hàn đi siêu thị Costco cực thích luôn ấy. Đồ sỉ, rẻ, mua cả xe đầy về dùng cả kiếp sau luôn” - Demian Sinclair, có khi con trai thấy mình đảm đang gần được như mẹ rồi. Cũng may mà các siêu thị ở “bên đó” cũng góp công cho các cô cậu nhà mình đỡ khâu tính toán thiệt hơn: “Vô Costco mua bịch salad làm sẵn có đủ cả dressing sauce ăn xanh ruột chưa hết mà chỉ 4$ mấy. Lúc nào nhác nấu cơm cũng ghé Costco mua lát pizza ăn xong nằm phềnh ruột thở” – Anh Ton.
Đôi khi vẫn hơi lười một chút, nhưng tự mình lo được bữa cơm giấc ngủ, còn chuyện học hành thi cử nữa thì cũng hơn nhiều bạn được ở gần bố mẹ rồi nhỉ.
Nhưng mà vẫn đau đầu về tài chính…
Vẫn biết thường phải là "con nhà có điều kiện" thì mới đi du học, nhưng vấn đề tài chính cũng vẫn là một nỗi lo mà các du học sinh thường gặp phải. Ở nhà được phát tiền tiêu vặt, tiêu quá thì vẫn cơm ăn ba bữa quần áo mặc cả ngày. Khó khăn hơn các bạn ở tỉnh lên thành phố học ở chỗ vật giá ở nước ngoài nó không giống như ở Việt Nam, và đắt hơn từ nhiều đến rất nhiều.
Một bạn chia sẻ “Không có tiền mua rau phải uống mấy viên thực phẩm chức năng cầm hơi. Không thì không đi nặng được... may mua rẻ được ở Costco với cái giá rẻ mạt nên uống cũng nhuận tràng...”. Bạn Phương Anh cũng đồng tình chia sẻ “Tớ cũng toàn mua đồ ngoài Costco chứ nhiều món mua bên ngoài đắt cắt cổ, còn hộp bánh tráng trộn thì 5-6$. Thèm lắm mà không dám ăn”.
Nhiều bạn giải quyết vấn đề bằng cách đi làm thêm. Đừng chỉ thấy trong phim các nhân vật chính siêu nhân vừa đi học vừa đi làm mà điểm vẫn cao chót vót và vẫn có tiền mua quà tán gái nhé. Đi làm thêm đồng nghĩa với việc điểm số không cao lắm đâu, thế mới có những nước đề ra luật cấm du học sinh đi làm thêm như Trung Quốc, Singapore…
Dù cuộc sống du học sinh không phải màu hồng, nhưng không thể chối cãi đây là một cơ hội thử thách bản thân mà không phải ai cũng có thể hay đủ điều kiện để trải nghiệm và trưởng thành. Bên cạnh đó, các tiện ích ở các nước phát triển cũng là một phần giúp các du học sinh của chúng ta có cuộc sống dễ dàng hơn. Và tất cả chúng ta cũng đều có thể hy vọng Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và tiện nghi như vậy.