Gần đây, một đoạn video do một người dùng mạng quay lại đã nhanh chóng trở nên viral trên MXH Xiaohongshu (Trung Quốc). Trong video, những tràng tiếng hét từ từ tầng 2 một căn nhà vang lên đầy kinh hoàng, nhiều người không khỏi tò mò: "Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?".
Được biết, đoạn video được quay tại một khu dân cư ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Người đăng tải video chia sẻ rằng tiếng hét này đã kéo dài trong một khoảng thời gian, làm cả khu dân cư đều hoang mang. Và chủ nhân của tiếng hét không phải ai khác mà chính là con gái nhà hàng xóm của người đăng tải.
"Con gái của nhà hàng xóm tôi, cứ mỗi lần làm bài tập về nhà lại hét lên như vậy. Tiếng hét đầy kinh khủng, nhất là vào ban đêm, nghe mà sợ! Nhà tôi cách một bức tường mà còn nghe rõ ràng, không biết thực tế âm thanh còn lớn đến mức nào", người này viết.
Những tiếng hét có sức xuyên thấu mạnh và để lại áp lực đến độ, người này còn phải cảm thán rằng: "Nếu con tôi cũng như vậy khi vào cấp hai, chắc tôi sẽ phát điên. Thật đáng sợ, nhà cửa lúc nào cũng ồn ào không yên".
Điều bất ngờ là, cô bé nhà hàng xóm trong câu chuyện thực tế không phải một đứa trẻ "có vấn đề" như người ta tưởng. Theo người quay video, cô bé này vốn rất giỏi, ở trường là một học sinh xuất sắc, thậm chí là "con nhà người ta" trong mắt nhiều người. Ở ngoài, cô bé cũng luôn được hàng xóm láng giềng yêu mến vì ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng không ai ngờ rằng khi về nhà, cô bé lại xả hết cảm xúc bằng cách hét lên kinh khủng như vậy.
Hóa ra, cả bố và mẹ của cô bé đều là giáo viên, được cả xã hội nhìn nhận là gia đình tri thức, đáng kính. Họ rất nghiêm khắc với con cái và chú trọng đến việc nuôi dạy con từ nhỏ. Tuy nhiên, có lẽ chính sự "hoàn hảo" này lại vô tình đặt một áp lực lớn lên đứa trẻ, dẫn đến việc em phải "xả cảm xúc" bằng cách hét lên như thế.
Sau khi đoạn video được đăng tải, nó đã nhanh chóng thu hút sự chú ý và tranh luận sôi nổi trên mạng. Một số người bày tỏ sự cảm thông, một số khác thì nêu ý kiến bênh vực cha mẹ cô bé:
- Thật tội nghiệp cho cô bé, mỗi ngày sống trong áp lực lớn như vậy. Nếu không xả ra, có khi còn trầm cảm mất.
- Con bé đã học giỏi như vậy rồi, còn có gì không hài lòng nữa chứ? Nếu ngay cả những học sinh xuất sắc cũng bị dồn ép đến mức này, vậy những đứa trẻ bình thường phải làm sao?
- Tiếng hét của cô bé có thể là tiếng kêu cứu trong thầm lặng. Nếu cha mẹ nhận ra và thay đổi phương pháp giáo dục, có lẽ cô bé sẽ không còn bị mắc kẹt trong vòng lặp áp lực ấy.
- Kỳ vọng quá cao từ cha mẹ giống như con dao hai lưỡi. Học giỏi không có nghĩa là tâm lý vững vàng. Giáo dục gia đình không chỉ nhìn vào điểm số, mà còn phải chú ý đến cảm xúc của con.
- Làm cha mẹ thật sự rất khó. Ai mà không mong con mình thành công? Nhưng áp lực học hành là điều không thể tránh khỏi.
Thực tế, nhiều phụ huynh rơi vào cái bẫy "kỳ vọng cao" trong quá trình giáo dục con cái. Họ mong con mình thành công, nhưng không nhận ra rằng áp lực quá lớn có thể gây tổn thương không thể sửa chữa đối với trẻ. Điều này không chỉ xuất phát từ quan niệm của cha mẹ mà còn bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội xung quanh.
"Những tiếng hét" như của cô bé trong câu chuyện khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách giáo dục hiện tại. Làm thế nào để giúp trẻ giảm bớt áp lực? Làm sao để gia đình thực sự trở thành nơi trú ẩn ấm áp thay vì một "nồi áp suất" luôn chực chờ bùng nổ?
1. Lắng nghe và đồng hành cùng con
Cha mẹ không chỉ cần quan tâm đến kết quả học tập mà còn phải chú ý đến trạng thái tâm lý của con. Hãy cho con không gian để chia sẻ và cảm nhận sự thấu hiểu từ gia đình. Trẻ cần một môi trường an toàn để chia sẻ cảm xúc, thay vì bị yêu cầu "giỏi hơn nữa" một cách vô điều kiện.
2. Tránh kỳ vọng quá mức
Kỳ vọng cao có thể khuyến khích con cố gắng, nhưng nếu vượt quá khả năng chịu đựng sẽ gây phản tác dụng. Hãy đặt ra mục tiêu hợp lý dựa trên khả năng thực tế của con. Cha mẹ nên nhìn nhận rằng thành tích học tập không phải là tất cả. Sự phát triển về mặt tinh thần, tâm lý của con cũng quan trọng không kém.
3. Tạo cơ hội giải tỏa cảm xúc
Dù việc học quan trọng đến đâu, phụ huynh và nhà trường cũng cần tạo điều kiện để trẻ có thể chia sẻ và bộc lộ cảm xúc. Trẻ cần những cách lành mạnh để giải tỏa áp lực, chẳng hạn như thể thao, nghệ thuật hoặc trò chuyện cùng bạn bè.
4. Cần tạo ra môi trường giáo dục thoải mái hơn
Áp lực cạnh tranh trong giáo dục đang làm cả trẻ em lẫn phụ huynh kiệt quệ. Cả cộng đồng cần phải nhìn nhận lại mục tiêu của giáo dục, khuyến khích sự phát triển toàn diện và lành mạnh.
Mục tiêu của giáo dục không chỉ là tạo ra những "học sinh giỏi" hay "người thành công", mà là giúp trẻ có khả năng tận hưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Hy vọng rằng mỗi gia đình, mỗi trường học và cả xã hội đều có thể tạo ra một môi trường giáo dục nơi trẻ em có thể theo đuổi ước mơ, đồng thời giữ được sự cân bằng về tinh thần và thể chất.