Đã mở một cửa hàng, nhất định phải đặt cho nó một cái tên. Công việc tưởng chừng như đơn giản ấy, thực ra lại tiêu hao không biết bao nhiêu "nơ-ron" thần kinh sáng tạo của chủ quán.
Bạn cứ nghĩ mà xem, khắp đất nước này, mỗi một con phố, ngõ hẻm, đâu đâu chẳng thấy hàng quán mọc lên nhan nhản. Hàng triệu quán xá như thế là hàng triệu cái tên khác nhau. Làm sao để tìm ra một lối đi riêng, không lẫn vào đâu, có bao giờ lại là chuyện dễ dàng?
Thế mà đi hết Hà Nội và Sài Gòn, chúng tôi đã bắt gặp kha khá nhưng biển tên quán ấn tượng. Ngoài dịch vụ và chất lượng dịch vụ thì chuyện đặt tên ấn tượng cũng xứng đáng được coi là một bài toán khó, nó sẽ đem đến lợi ích không hề nhỏ khi khiến khách hàng còn nhớ mãi một cái tên!
Những hàng quán nghe tên đã thấy khó hiểu ở Hà Nội
Ở Hà Nội, bạn dễ bắt gặp những hàng ăn với biển hiệu dù không khiến người ta buồn cười nhưng chúng lại gây ra sự tò mò, thôi thúc họ phải tìm hiểu xem vì sao lại thế?
Đó là trường hợp của quán phở Thất truyền nằm trên phố Hoa Lư (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong khi các quán khác đều lấy tên phở gia truyền thì chủ quán ở đây, ông Nguyễn Văn Minh (55 tuổi) lại muốn đặt một cái tên hoàn toàn trái ngược.
Quán phở Thất truyền nằm trên phố Hoa Lư.
Bát phở tái chín có giá 30.000 đồng nhưng đầy đặn và nhìn ngon mắt.
Cứ nghĩ đó chỉ là sự chơi ngông song thực ra, tên gọi ấy lại có rất nhiều ý nghĩa. "Thất truyền tức là một công thức cũ, bị lưu lạc. Nó còn có ý nghĩa khác là được học qua 7 vị sư phụ và một ý nữa rất quan trọng là hết đời tôi, "gánh phở" này cũng đứt, chẳng còn ai làm nữa. Thế nên, tôi gọi quán là phở Thất Truyền".
Ông Minh chia sẻ, trước nay người ta cứ vin vào cớ phở là món ăn truyền thống nên quán dù mới mở, chẳng có công thức nấu nướng gì đặc biệt cũng gọi tên "gia truyền" để níu chân thực khách. Chẳng ai dám mạnh dạn tuyên bố quán mình là phở thất truyền, thế nên lúc ông đặt cái tên này, nhiều người thấy lạ lắm. Có lẽ đây cũng chính là lý do ông Minh phải treo ở giữa quán nhỏ một tấm biển, giải thích ngọn ngành lý do vì sao, quán phở của mình lại có một cái tên lạ như thế.
Quán tên phở Thất Truyền nhưng lại bán thức ăn được nấu theo công thức bí truyền, được chủ quán tích cóp học được từ 7 vị sư phụ...
..."Đó là công thức nấu phở gánh từ thời xa xưa. Nếu chỉ gọi là gia truyền thì xoàng quá. Vì gia truyền tức là truyền cho người trong nhà, đời này qua đời khác còn quán của tôi, công thức nấu ăn của tôi có phải như thế đâu".
Không quá lạ lẫm nhưng Phở Sướng cũng là một cái tên ít người nghĩ ra. Ông Sinh (chủ quán này) từng tâm sự: "Tôi muốn khách hàng ăn phở của mình là phải thấy khoái khẩu, sung sướng nên đặt tên như vậy". Ở Hà Nội này cũng chỉ có gia đình ông đặt tên quán phở như thế vì đã đăng ký bảo hộ thương hiệu từ cách đây khá lâu.
Cũng trong ngạch kinh doanh phở bò, một quán ăn khác trên ngõ Trung Yên (Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại có một cái tên rất gợi cảm xúc: Phở Sướng.
Hết tên quán phở độc, Hà Nội lại có quán cafe Vắng. Anh Hòa (chủ quán) chia sẻ: "Lúc tôi mua lại quán, nó đã có tên gọi như vậy. Quán tên Vắng vì nó vắng thật. Ai thích sự yên tĩnh, vắng vẻ thì họ sẽ nhớ và lui lại đây".
Quán cafe Vắng nằm trên phố Trần Hữu Tước.
Quán ăn có tên là Choén quán. Ảnh: Thu Hường.
Sài Gòn dễ thương với những tên quán đọc lên đã muốn phì cười
Không thâm thúy, sâu xa như ở Hà Nội, tên quán ở Sài Gòn lại chứa đựng vẻ dung dị, gần gũi và rất dễ thương. Có đôi lúc, đó là cụm từ chúng ta vẫn hay nói với nhau hàng ngày như: cười lên cái coi, quán gì đấy, bựa mới vui hay thi thoảng lại chỉ có độc một chữ như sự cảm thán - Rảnh! Đôi lúc, chúng lại biến tấu đến khôi hài như giờ dây thun cafe hay quán ăn đối chứng cua một càng...
Một trong nhiều cái tên lạ ấy, "Giờ dây thun cafe" là một cái tên khiến chúng tôi cảm thấy khá ấn tượng. Chủ quán ở đây cho biết, xuất phát từ thói quen đi trễ giờ của các bạn trẻ nên anh mới có cảm hứng đặt tên quán như thế.
Quán cafe giờ dây thun.
"Nhiều bạn gọi điện đặt bàn, bắt mình giữ chỗ kết quả họ lại đến muộn". Thế nhưng vì sự đi trễ ấy không phải lúc nào cũng gây ra phiền phức lớn và thường thường, các bạn trẻ cũng chỉ đến trễ có chút xíu nên chủ quán không gọi tên là giờ cao su cafe mà thay bằng giờ dây thun cho dễ gần, dễ mến.
Quán hoạt động đã được 4 năm nay và thường khá đông khách. Ngoài tên gọi lạ hoắc, thiết kế nội thất bên trong quán cũng chẳng giống ai. Giữa ban ngày mà bước vào đây, người ta chỉ muốn ngủ vùi một giấc vì ánh đèn tối và lều bạt căng khắp nơi. "Ý tưởng thiết kế quán như vậy là do tôi nghĩ về những người du mục của đất nước Mông Cổ", chủ quán chia sẻ.
Ngoài giờ giây thun cafe, Sài Gòn còn có nhiều tên quán ấn tượng khác như quán ăn mang tên "Quán gì đó".
Hay quán ăn đối chứng cua một càng...
Quán đồ nướng Cười lên cái coi.
Hay tiệm cafe dành cho người rảnh rỗi.
Quán trà sữa Bựa mới vui...
... Hay cái tên chỉ vừa nghe đã biết là quán nhậu. Ảnh: Tứ Quý
Tiệm phở Phong Cách nằm trên phố Nguyễn Kiệm.
... Và tôi chắc rằng, khắp Việt Nam vẫn còn rất nhiều những quán xá có tên gọi, có khi còn thú vị, đáng yêu hơn thế. Thế nên, nếu có dịp đi từ Bắc vào Nam, nếu có một cơ hội lê la đường phố, bạn có thể hãy cứ đi chậm lại, từ từ khám phá, biết đâu đấy, giữa phố xá sẽ bắt gặp những sự đáng yêu nhỏ nhỏ và những cái tên nghe đã thấy xinh thật xinh!