Họa sĩ Lê Minh Châu chia sẻ về công việc ở quán cafe và lớp dạy vẽ của mình. Thực hiện: Quỳnh Trân
Lê Minh Châu sinh năm 1991, là một chàng trai sống và lớn lên tại làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) - nơi chăm sóc những đứa trẻ bị chất độc da cam. Ngay từ khi chào đời, Châu đã là một đứa trẻ bị khuyết tật ở cánh tay và chân, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Ở tuổi 17, vượt qua những tự ti của một nạn nhân chất độc da cam, với niềm khao khát thực hiện ước mơ cháy bỏng, Châu đã rời khỏi làng Hòa Bình và tự mở một phòng tranh cho mình, nuôi sống bản thân qua những bức tranh do chính cậu vẽ - bằng miệng.
Hành trình vượt lên số phận của Lê Minh Châu đã được thể hiện suốt 34 phút trong phim "Chau, beyond the Lines". Đây là bộ phim tài liệu do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm, phim đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016. Ngày 12/1/2017, Lê Minh Châu chính thức trở thành 1 trong 10 Nhân vật truyền cảm hứng của giải thưởng WeChoice Awards 2016.
Gần 3 tháng sau khi được vinh danh tại WeChoice, Châu trở về với cuộc sống hiện tại và nuôi những ước mơ bình thường của tuổi trẻ: Kinh doanh một cái gì đó mà mình thích, mở một lớp dạy vẽ với số lượng học viên ổn định mỗi tháng để kiếm thêm thu nhập, triển lãm tranh, và nhất là, vẫn ấp ủ giấc mơ du học của chính mình.
Do bị hạn chế trong việc đi lại, nên ở quán, Châu chỉ đảm nhận công việc lên ý tưởng thiết kế, giám sát. Anh mở quán cùng với một chị bạn. Buổi sáng, người chị đi làm, Châu phụ trách việc trông coi quán và tranh thủ dạy học ở một phòng riêng trên tầng lầu.
Ban đầu, khách đến quán cũng khá bất ngờ và có phần e dè với một người khuyết tật phải di chuyển bằng đầu gối đi khắp quán. Nhưng rồi người ta cũng nhận ra anh chàng trong chiếc tạp dề này là họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu trong bộ phim tài liệu nổi tiếng ở Oscar. Từ cảm giác ái ngại ban đầu, giờ đây khách đến quán đều thấy cảm phục anh nhiều hơn.
Không gian ở quán cafe khá rộng rãi, có cả phòng lạnh và khu sân vườn mát mẻ dành cho khách hút thuốc. "Sắp tới mình sẽ bán thêm đồ ăn trưa hoặc ăn vặt để hút khách hơn".
Châu cho biết, từ sau khi xuất hiện trên truyền thông với tần suất cao, nhiều nhà tài trợ liên hệ để tặng cho anh xe lăn nhưng anh đều từ chối, hoặc nhận rồi lại tặng cho những hoàn cảnh khác. "Họ bảo rằng thật đáng thương khi tôi phải đi lại bằng đầu gối, nhưng với tôi, ngồi xe lăn mới là hình ảnh đáng thương nhất. Tôi tự đi được, đi dưới mọi địa hình", Châu nói.
Đường dẫn qua khu vực phòng học và phòng nghỉ của anh ở tầng 1. Có thể nói, đây chính là địa điểm tuyệt vời nhất từ trước đến nay của anh, nơi anh có tất cả mọi thứ mình cần để nuôi những ước mơ của bản thân.
Một ngày, Châu dạy nhiều lớp khác nhau, có lớp chỉ có 1 học viên, có lớp 2, lớp 3 học viên. Đa phần các học viên đều là những học sinh có niềm đam mê hội họa trong độ tuổi từ 13 đến 18 tuổi.
"Khác với những lớp dạy vẽ thông thường, ở đây mình sẽ dạy các học viên dùng màu sơn dầu, chi phí đắt hơn nhưng đó là loại màu tốt nhất, tác phẩm sẽ đẹp hơn và mình cũng sẽ đánh giá được độ kiên trì và ý chí của người theo học".
Sắp tới, Châu cho biết anh vẫn tiếp tục làm những dự án mới hơn, hiện anh đang tìm kiếm thông tin để có thể tổ chức một buổi triển lãm tranh của mình, bán đấu giá các tác phẩm đẹp để quyên góp từ thiện. Và một mục tiêu quan trọng không kém mà Châu đang ấp ủ: giành học bổng du học chuyên ngành hội họa.