Những “ông bà chủ trẻ” lao đao trong mùa dịch: Kinh doanh chuỗi cửa hàng như bàn cờ Domino, đổ thì kéo tất cả đi xuống

Minh Đức, Diệp Nguyễn- Design: Đức Minh, Theo Trí Thức Trẻ 08:43 02/04/2020

COVID-19 kéo theo cuộc suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng tới tất cả nền kinh tế. Nếu như các công ty lớn cũng đang gặp khó khăn thì những Startup trẻ nổi tiếng như Quang Đại, Hạt Mít… cũng đang gồng mình để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Cái tên Hạt Mít vốn không xa lạ gì với các bạn trẻ, đặc biệt trong thời gian gần đây khi cựu hot girl này đã tự mình gây dựng chuỗi 20 nailrooms với hơn 20 cửa hàng trên khắp cả nước, doanh thu 2 tỷ/tháng chỉ sau vỏn vẹn 2 năm. Bên cạnh Hạt Mít, Quang Đại cũng được nhắc đến nhiều trong năm qua khi anh không chỉ hoạt động tích cực trong lĩnh vực người mẫu, KOL, blogger mà còn khởi sự kinh doanh khá thành công với các cửa hàng cafe và đồ Thái.

Nếu 2019 là một năm thành công thì ngược lại, 2020 dường như mang đến một khởi đầu không suôn sẻ cho họ, cũng như nhiều người trẻ khác đang xây dựng các mô hình kinh doanh chuỗi trên khắp cả nước. Đại dịch COVID như một đòn giáng mạnh khiến kinh tế sụt giảm, ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của tất cả mọi người. Đây có thể là một cuộc chơi tất tay hay một cơ hội để rút ra nhiều bài học khi kết thúc đại dịch, đó là tùy thuộc vào mỗi người.

Người trong cuộc như Hạt Mít và Quang Đại, họ có suy nghĩ gì và đã ứng phó trước đại dịch COVID ra sao?

Trước tình hình đại dịch COVID-19, hệ thống nailroom của Hạt Mít và chuỗi cửa hàng của Quang Đại bị ảnh hưởng như thế nào vì dịch bệnh?

Hạt Mít: Dịch bệnh tới bất ngờ nên ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, ngành dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với khách như làm nail, mi như bên mình lại càng bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu cũng như tinh thần của nhân viên. Sau Tết, khi biết tin có ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam, mình đã hạn chế không nhận lịch của khách nước ngoài, khách tới từ vùng dịch để bảo vệ sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên. Điều đó đồng nghĩa với việc tự cắt giảm 30% doanh thu vì khách nước ngoài tại hệ thống mình khá nhiều. Lượng khách mới cũng sụt giảm do mọi người lo sợ bị dính virus khi tới chỗ đông người.

Những “ông bà chủ trẻ” lao đao trong mùa dịch: Kinh doanh chuỗi cửa hàng như bàn cờ Domino, đổ thì kéo tất cả đi xuống - Ảnh 1.

Quang Đại: Hiện tại đa số ngành kinh doanh của mình chỉ tập trung trong 2 mảng là F&B (kinh doanh nhà hàng, ẩm thực) và đồ nội thất. Cuộc khủng hoảng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 90-95% doanh thu, chưa kể chi phí mặt bằng mà mình vẫn đang thỏa thuận với các chủ nhà.

Đối mặt với những khó khăn, bạn đã chuẩn bị những phương án để đảm bảo công việc kinh doanh của mình sau mùa dịch này?

Hạt Mít: Ngay từ khi nghe tin có dịch, mình đã trang bị cho toàn bộ hệ thống nước rửa tay, khẩu trang miễn phí cho khách, đồng thời với đó là trấn an cũng như nhắc nhở các bạn nhân viên vệ sinh liên tục dụng cụ và chỗ làm việc. Sau khi có tin tạm ngừng kinh doanh theo chỉ đạo của nhà nước, thật sự mình đã rất lo lắng vì không chỉ riêng mình mà bất kì người kinh doanh nào cũng gặp phải khi bị cắt nguồn thu mà vẫn phải bỏ ra ít nhất 70% số tiền chi phí hàng tháng. Hiện tại mình và các bạn bên marketing vẫn đang chuẩn bị phương án mới về giá cả và cách tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn, chủ động hơn, đồng thời sẽ chuẩn bị ra một vài sản phẩm mới phù hợp với những khách sẽ thắt chặt hầu bao, giảm tần suất đi làm đẹp hơn trước. Thị trường sau dịch chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Quang Đại: Hiện tại theo những chỉ thị của Chính phủ nên tất cả các địa điểm kinh doanh của mình đã ngừng hoạt động. Dù lo cho hoạt động kinh doanh, điều này làm mình cảm thấy an tâm hơn vì nhân sự được giữ an toàn, tránh tiếp xúc với nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch, đồng thời đây cũng là biện pháp hiệu quả để cắt giảm những khoản phát sinh do hàng hoá tồn đọng phải huỷ cuối ngày. Trong tình trạng này thì mình chuyển tất cả các mô hình về trạng thái ngủ đông để quan sát thị trường chứ vẫn chưa có định hướng hay cách thức rõ ràng. Thời điểm này, vẫn còn quá khó để nói về một sự trở lại chắc chắn.

Những “ông bà chủ trẻ” lao đao trong mùa dịch: Kinh doanh chuỗi cửa hàng như bàn cờ Domino, đổ thì kéo tất cả đi xuống - Ảnh 2.

Là người đứng đầu của một hệ thống lớn với rất nhiều nhân viên, hai bạn đã phải tính đến những bài toán để cân đối giữa việc ngưng trệ kinh doanh và trả lương, duy trì công việc cho nhân viên?

Hạt Mít: Trước đây một tuần, sau khi có chỉ thị tạm dừng hoạt động đến 31/3, nhân viên bên mình đều vui vẻ vì thật sự những ngày gần đây dịch bùng nhanh, các em đi làm ngày nào cũng nơm nớp lo sợ, rồi gia đình cũng gọi về quê nhiều. Nhưng sau khi biết phải nghỉ thêm 2 tuần hoặc hơn thế nữa thì ngay cả mình đến giờ cũng khá lo lắng khi việc cân đối và duy trì hệ thống đến lúc mở lại là bài toán rất khó. Trước mắt các nhân viên lâu năm tại các cơ sở mở trên 2 năm sẽ được hỗ trợ theo % lương, các nhân viên mới sẽ được hỗ trợ theo doanh thu tính trong 3 tháng gần nhất. Tuy đây chưa phải là phương án cuối cùng nhưng dù ít dù nhiều cũng sẽ giúp nhân viên gắn bó lâu năm với NailRoom cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thật sự trước tình thế mà chưa ai có thể trải qua hay tưởng tượng như những ngày vừa qua, mình không dám nói gì xa vời cả. Tất cả nhân viên của mình dù mới gia nhập hay đã gắn bó lâu năm đều hiểu về cách làm việc của hệ thống lúc nào cũng như gia đình. Trước mắt như mình nói ở trên mình sẽ có phương án hỗ trợ về kinh tế cũng như đảm bảo việc làm sau khi hết dịch, sau đó khi đi làm lại và đến lúc mọi thứ ổn định, mình sẽ có khoản thưởng để bù đắp lại khoảng thời gian này cho các em.

Quang Đại: Nhân sự lúc nào cũng là nền tảng để doanh nghiệp phát triển. Đại may mắn có nhiều nhân viên đồng hành từ rất lâu nên nhờ sự hỗ trợ và chủ động đề nghị không nhận lương, cắt giảm lương hoặc không nhận thưởng để hỗ trợ kinh doanh. Đối với mình, đây là một điều may mắn và an ủi rất lớn từ niềm tin của nhân viên trước tình hình chung thế này.

Đối với các nhân sự cứng, Đại vẫn cố gắng duy trì một mức lương phù hợp để hỗ trợ các bạn trong những ngày không đi làm. Đại nghĩ sự tận tâm và cố gắng hết mình thì luôn nhận được sự yên tâm và đồng hành của nhân sự trong công việc.

Các bạn đã học được những bài học gì mới khi đối mặt với những khó khăn và thách thức quá lớn lần này?

Hạt Mít: Đây là bài học xương máu cho mình sau nhiều năm làm kinh doanh. Trước đây mình luôn nghĩ chỉ cần mình làm tốt, hệ thống tạo được uy tín, và chăm chỉ thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Nhưng mình lại quá chủ quan khi bỏ qua yếu tố bên ngoài. Vì thế, bài học lớn nhất với mình là phải luôn có phương án dự phòng, và một khoản vốn tương đối dành cho các trường hợp rủi ro kéo dài trong 6 tháng hoặc hơn. Sự chủ quan này đã khiến mình thức tỉnh và chỉnh đốn lại cách làm việc của tất cả các team ngay lập tức.

Những “ông bà chủ trẻ” lao đao trong mùa dịch: Kinh doanh chuỗi cửa hàng như bàn cờ Domino, đổ thì kéo tất cả đi xuống - Ảnh 3.

Thị trường sau dịch sẽ rất khó khăn, nhưng mình tin là mình và toàn thể nhân viên sẽ cùng nhau vượt qua vì đây cũng là lúc chứng tỏ được doanh nghiệp nào mạnh doanh nghiệp nào yếu. Hiện tại thời gian này mình đang chuẩn bị rất nhiều plan về tái định vị thương hiệu,, sản phẩm, dịch vụ mới - những việc mà trước đây mình chưa có nhiều thời gian để làm. Mình sẽ cố gắng để đến lúc nhìn lại những ngày khó khăn này sẽ là một bài học đáng nhớ chứ không phải một kỉ niệm đáng buồn.

Đối với các brand có chỗ đứng đã khó khăn rồi, với các bạn startup mình nghĩ sau đợt dịch này càng phải chú ý đến câu "thiên thời địa lợi nhân hòa". Ngoài tự tin về ý tưởng, sản phẩm của mình còn cần chú ý đến các khả năng "từ trên trời rơi xuống"- những việc mà chúng ta sẽ luôn ở thế bị động. Đợt dịch này cũng như đang thử lửa các startup trẻ, để giúp cho các bạn hiểu được sản phẩm của mình có đủ tốt để khách hàng chờ đợi sau dịch không? Hoặc bản thân mình đã chuẩn bị kỹ càng cho mọi tình huống để bảo vệ sản phẩm của mình hay chưa? Tuy nhiên theo cá nhân mình, với các bạn đang startup thì việc có thể dễ dàng dừng lại trước khi tổn thất lớn, hoặc xoay chiều theo ngành nghề đang cần nguồn cung lớn cũng là một lợi thế trong khoảng thời gian này.

Những “ông bà chủ trẻ” lao đao trong mùa dịch: Kinh doanh chuỗi cửa hàng như bàn cờ Domino, đổ thì kéo tất cả đi xuống - Ảnh 4.

Quang Đại: Đại luôn nghĩ trong kinh doanh lúc nào cũng sẽ có rủi ro, không có khó khăn này thì cũng sẽ có nhiều thử thách khác, nên cứ xem đây là một kỷ niệm và dù thế nào cũng luôn tiến về phía trước. COVID-19 có thể là thách thức nhưng không bao giờ là cái kết cho các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Hạt Mít và Quang Đại vì những chia sẻ của mình.

Những “ông bà chủ trẻ” lao đao trong mùa dịch: Kinh doanh chuỗi cửa hàng như bàn cờ Domino, đổ thì kéo tất cả đi xuống - Ảnh 5.