Sân khấu sáng đèn nhưng cả đêm không một bóng khán giả
Mấy năm gần đây, đi trên đường, người dân Thủ đô lại bắt gặp nhiều đoàn nghệ thuật nhân đạo biểu diễn ở các đoạn ngã ba, ngã tư trên các tuyến phố lớn. Mỗi đoàn có một cái tên khác nhau nhưng tựu chung lại, tất cả đều không có khán giả đứng xem.
Những đoàn nghệ thuật nhân đạo biểu diễn ở các đoạn ngã ba, ngã tư trên các tuyến phố lớn. Thực hiện: Kingpro
Hà Nội những đêm trời trở lạnh, giữa dòng người hối hả lướt qua, những "nghệ sĩ" khuyết tật này như càng trở nên cô độc. Họ đứng trên bục cao sân khấu, co ro trong tấm áo mỏng, say sưa hát dẫu biết rằng, xung quanh mình, mọi thứ đang chìm dần vào sự quạnh quẽ, như bị tách ra, nằm lọt ở một góc khác của cuộc sống. Khán giả chỉ đứng lại cho tiền, chẳng ai nán lại, nghe họ hát trọn vẹn một ca khúc.
Sân khấu được dọn từ lúc 5h chiều.
Nhưng đến 23h đêm vẫn không có khán giả nào đứng xem.
Hòm từ thiện cũng không phải lúc nào cũng có người ủng hộ.
Nếu có, họ cũng chỉ cho tiền xong rồi lại đi.
Nhưng các ca sĩ hát rong vẫn say sưa biểu diễn.
Đứng ở một hòm xin tiền của đoàn Nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long, chỉ mới 5 phút, chúng tôi đã thấy vài người dừng xe, rút ví, bỏ tiền vào hòm. Nhưng họ chỉ cho tiền xong là đi ngay. Khi được hỏi, hầu hết đều trả lời rằng mình đang rất bận.
"Mình bận lắm, thấy có đoàn hát tiện thì cho họ 5.000-10.000 đủ mua cốc chè thôi, gọi là chút tấm lòng chứ chẳng nhiều nhặn gì", ông Quang (Hoàng Cầu) tâm sự.
Sau nhiều lần bị xua đuổi, đoàn nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long luôn mang giấy tờ có dấu đỏ đi hát để cho mọi người xem
Trong khi đó, chị Thủy (một người dân sống gần điểm biểu diễn) cho hay: "Ngày nào họ cũng hát mấy bài quen nên mình cũng không hào hứng gì. Mình nghĩ các đoàn đó cần kiếm sống hơn là cần khán giả nên thi thoảng chỉ tạt sang bỏ ít tiền lẻ rồi lại về".
Riêng anh Trọng (Cầu Giấy) lại cho rằng ngày càng có nhiều đoàn diễn lợi dụng người khuyết tật kiếm ăn. "Nên mình không có thiện cảm lắm. Nếu có đi qua, thấy họ hát tội nghiệp cũng chỉ cho ít tiền lẻ rồi lại đi ngay".
"Mong mọi người nhìn nhận hát rong như một nghề kiếm sống"
Bạn đã bao giờ đi ngang qua một đoàn hát nhân đạo? Gặp những đoàn như thế, bạn có đứng lại xem không? Vì sao và liệu chúng ta có suy nghĩ như những người chúng tôi từng phỏng vấn, cho rằng các đoàn này đi hát chỉ để xin tiền?
Phía sau sân khấu, những ca sĩ trong đoàn cũng vẫn luôn bị cô lập. Họ ngồi co cụm với nhau ở một góc vỉa hè.
Khi bước lên sân khấu, mọi thứ cũng không khá hơn là bao.
Dòng người vội vã lướt qua.
Hoặc chỉ tấp xe, dừng lại để cho tiền.
Nếu có thời gian, tranh thủ trò chuyện với những người khuyết tật đi hát rong, bạn sẽ thấy đối với họ, đi hát giống như một nghề. Giống như bạn đi làm vì mưu sinh, họ đi hát để kiếm sống nhưng ngoài điều ấy, những người hát rong này còn đam mê và rất yêu công việc của mình.
"Trước kia mình từng biểu diễn ở các trường học, được rất nhiều người nghe nhưng từ khi đi hát rong, chẳng ai nán lại xem. Ban đầu mình cũng buồn nhưng rồi tự an ủi rằng giữa đường phố khói bụi, đông đúc, có những đoàn hát như bọn mình cũng giúp người qua đường thư giãn chốc lát", chị Hồng Duyên (SN 1988, đoàn Nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long) chia sẻ.
Nguyễn Đức Mạnh (chàng trai khuyết tật từng hát cùng ca sĩ Mỹ Tâm) cũng tâm sự: "Sân khấu bọn mình sáng đèn từ 4h chiều nhưng cả buổi không có ai xem. Ban đầu mình cũng buồn vì cảm giác người dân chỉ nghĩ những đoàn như tụi mình cần tiền, không cần khán giả nhưng làm lâu rồi thì lại nghĩ khác đi, cảm thấy được mang tiếng hát đến cho mọi người, không bị xua đuổi đã là điều hạnh phúc lắm rồi".
Rất ít người nghĩ, những người như họ đang cần lắm một tràng vỗ tay.
Và mong rằng sân khấu sẽ có thêm một vài vị khán giả đứng xem.
Anh Mạnh kể rằng, không chỉ không có khán giả, nhiều lần anh và đồng nghiệp từng bị người dân lên giằng mic, ném trứng đuổi đi. Vì thế, có thể đứng hát yên ổn một buổi tối, anh đã cảm thấy rất vui vì cho rằng điều ấy đồng nghĩa với việc người dân đã chấp nhận mình.
Không giống như ý nghĩ của nhiều người, cho rằng những đoàn hát như vậy chỉ nhằm mục đích xin tiền. Anh Mạnh lại có một suy nghĩ rất khác. Anh chia sẻ, giá như có một đêm, người dân chỉ đến xem, chỉ reo hò cổ vũ nhưng không ai cho tiền hoặc cho rất ít, anh vẫn sẽ cảm thấy vui vì nghĩ đã đem lại niềm vui cho mọi người, cho chính mình.
"Thực ra mình bị mù, ai cho bao nhiêu tiền mình cũng không biết. Với mình, chỉ khi khán giả reo hò, cổ vũ mình mới có thể cảm nhận được sự ủng hộ của họ. Đáng tiếc là chỉ có đêm hát với chị Tâm, mình mới có cơ hội cảm nhận điều đó".
Anh Mạnh, chị Duyên và rất nhiều anh chị em khác trong đoàn Nghệ thuật Thăng Long đều nói rằng, điều họ kỳ vọng nhiều nhất, hơn cả chuyện kiếm được nhiều tiền là thái độ tôn trọng của khán giả.
"Mình hy vọng mọi người sẽ hiểu rằng bọn mình đi hát cũng là một nghề kiếm sống. Bọn mình không ngửa tay tận mặt ai xin tiền, tùy tâm ai ủng hộ thì ủng hộ, ai không ủng hộ vẫn có thể nán lại nghe cho vui. Bọn mình cần tiền để sống nhưng cũng như mọi người đi làm, rất yêu nghề và mong muốn được cống hiến", Nguyễn Thị Hinh (SN 1994) nói.
Anh Mạnh cũng luôn hy vọng rằng đêm diễn với ca sĩ Mỹ Tâm sẽ không phải đêm duy nhất anh có khán giả đứng xem. "Mình luôn mong có thể nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, thoát khỏi mặc cảm hát chỉ để xin tiền, không còn bị đuổi đánh, dọa nạt hay cư xử thô lỗ nữa".