Một món ăn ngoài hình thức, hương vị thì giá thành cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện nay, những món ăn đắt đến không tưởng lại thu hút thực khách tò mò muốn nếm thử xem hương vị của chúng có thực sự xứng đáng với giá tiền hay không. Đương nhiên, nếu được trải nghiệm một phần ăn hảo hạng với nguyên liệu chất lượng thì dù có "đôn giá" lên gấp 4 - 5 lần, nhiều người cũng chẳng ngại chi tiêu.
Hãy cùng khám phá những món ăn "đại gia" từng khiến cộng đồng ăn uống xôn xao này có gì đặc biệt nhé!
Nhắc đến cơm hộp văn phòng, đảm bảo rằng nhiều người sẽ nghĩ đến những suất cơm online, cơm hộp được bán ở các hàng quán hoặc cầu kì hơn là những hộp cơm tự nấu ở nhà và mang theo. Những phần cơm văn phòng thường có giá khá bình dân, chỉ từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng. Thế nhưng, ngay tại Hà Nội có một set cơm hộp siêu cấp quý tộc được chào bán với mức giá không tưởng: 29 triệu đồng/hộp.
Ảnh: @chaebonvn
Nghe đến mức giá nhiều người chắc sẽ bàng hoàng thật, nhưng tiền nào thì của đó. Theo chia sẻ của founder chuỗi cửa hàng, từ hộp đựng đến thành phần và quy trình chế biến hộp cơm đều đạt tiêu chuẩn cao cấp. Mỗi hộp cơm sử dụng khoảng 1,5 kg thịt bò Kobe A5. Cho những ai chưa biết, Kobe A5 là giống bò đắt nhất thế giới với giá bán hiện tại khoảng 14,5 triệu đồng/kg. Vì thế, nếu chỉ tính riêng phần thịt bò đã có giá thành gần 22 triệu đồng. Ngoài ra, trong suất cơm hộp đặc biệt này còn có thêm rau, ngô và nước sốt đi kèm, thức ăn cũng được đựng trong hộp gỗ được thiết kế riêng.
Ảnh: @chaebonvn
Nếu được hỏi món ăn nào là đại diện tiêu biểu nhất cho phong cách ăn uống nhanh, gọn, lẹ thì xin mạnh dạn trả lời là bánh mì. Ở Sài Gòn có nhiều loại bánh mì khác nhau. Ngoài những loại bình dân từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng, còn có một loại bánh mì 5 sao thượng hạng có giá đến 2,3 triệu đồng. Bạn không nghe lầm đâu, một ổ bánh mì trị giá hơn 2 triệu đồng là sự thật đó.
Ảnh: Anan Saigon
Tuy nhiên, đẳng cấp của bánh mì tiền triệu lại nằm ở những nguyên liệu bên trong như 4 miếng gan ngỗng áp chảo cao cấp nặng 160gr, sườn heo nướng được chế biến công phu nhiều giờ, pate được sử dụng cho món bánh mì này có nấm truffle đen - một trong những loại nấm đắt nhất thế giới. Đặc biệt, mỗi phần bánh mì còn kèm theo một hũ trứng cá tầm khá đắt tiền.
Ảnh: @mikatam
Một phần bánh có thể đủ ăn cho 2 - 3 người, thực khách có thể được tặng thêm khoai lang, rượu champagne khi đến thưởng thức.
Menu của một nhà hàng trong tòa Landmark 81 (TP.HCM) từng gây xôn xao một thời gian dài vì sự xuất hiện của món phở "chọc trời". Nghe tên thì đây chỉ là một món ăn truyền thống quen thuộc của người dân Việt Nam, nhưng sở dĩ gắn thêm cụm từ "chọc trời" vì giá của bát phở này lên đến 920.000 đồng/bát. Mức giá đắt gấp cả chục lần so với một bát phở bình dân trên thị trường.
Ảnh: @ychingn
Theo như nhà hàng giới thiệu, nguyên liệu của bát phở bao gồm đuôi bò Úc, thịt bò Wagyu, bánh phở và rau gia vị. Điều tạo nên mức giá đắt đỏ này chính là thịt bò Wagyu. Bò Wagyu được xem là cực phẩm của người Nhật. Để miếng thịt có vân mỡ xen kẽ đều với từng sớ thịt, người Nhật phải nuôi bò trong vòng 30 tháng mới được lấy thịt. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, bò còn được nghe nhạc, xoa bóp và nuôi tại những vùng núi có thời tiết trong lành, thuần khiết.
Bò Wagyu thường được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng. Trên thị trường, tùy từng loại mà bò Wagyu có giá 3 - 7 triệu đồng/kg, thậm chí cả chục triệu đồng/kg. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, với nguyên liệu đặc biệt như vậy thì mức giá của tô phở cao cũng là điều dễ hiểu.
Ảnh: @lannphuonng
Nói đến cơm chiên thì không còn xa lạ gì nữa, hầu hết người Việt Nam chắc hẳn đều đã từng thử qua món ăn này. Cơm chiên thường được xếp vào mục món ăn bình dân với nguyên liệu và cách chế biến đơn giản. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm thấy món cơm chiên giá ngót nghét 1 triệu đồng ngay giữa lòng Sài Gòn.
Ảnh: @heidinguyen1710
Nguyên liệu tạo nên suất cơm đắt đỏ này bao gồm gạo Nhật, bò Mỹ Black Angus, gan ngỗng, nấm truffle, lạp xưởng Hong Kong cùng một miếng vàng dát mỏng phủ lên trên. Phần cơm chiên được chế biến cầu kỳ. Khi ăn, thực khách chỉ cần trộn đều tất cả các nguyên liệu và thưởng thức. Phần cơm dẻo, ăn cùng gan ngỗng béo ngậy hòa tan cùng vị đậm đà của thịt bò, vị ngọt của lạp xưởng tạo nên nét đặc trưng riêng cho món ăn.
Ảnh: @anxoancyrus