Cơm trường học tại Hàn Quốc là một cái gì đó rất kì diệu. Hầu hết du học sinh, giáo viên trao đổi hay nhà báo từng có thời gian sống và làm việc tại đây đều nói về văn hóa này. Chế độ dinh dưỡng tại trường học Hàn Quốc được đánh giá là hàng top thế giới, mà theo giáo viên tiếng Anh Eric Coleman chia sẻ trên blog cá nhân của mình – đó là "một phép màu".
Trước hết, nó rất rẻ hoặc miễn phí. Hiện nay tại Seoul, toàn bộ hệ thống trường tiểu học đã miễn phí bữa ăn cho học sinh. Chăm sóc sức khỏe và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được xem là nghĩa vụ chung của xã hội.
Việc này nghe có vẻ hiển nhiên, khi Hàn Quốc đang là một đất nước hiện đại và phát triển hàng top châu Á. Thế nhưng, kể cả giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, bữa cơm trường học vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Trước khi hệ thống cơm trường học phổ biến, trẻ em tới trường với bữa trưa nhà làm, gọi là "cơm cặp lồng". Khi ấy Hàn Quốc còn khốn khó, phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt. có em chỉ ăn cơm trắng, có em lại đầy đủ thịt cá. Những chiếc cặp lồng này vẫn được lưu giữ tại bảo tàng văn hóa ở Hàn Quốc, gợi nhắc người lớn về một nốt trầm trong lịch sử, cũng như trách nhiệm đem lại cuộc sống bình đẳng cho tất cả trẻ em.
Năm 1953, khi cả đất nước đang kiệt quệ vì cuộc chiến tranh Hàn Quốc kéo dài, chính phủ đã quyết định sử dụng nguồn tài trợ quý giá từ UNICEF để… đầu tư vào hệ thống canteen tại trường học. Muốn cải thiện đời sống của trẻ em, trước hết phải bắt đầu từ bữa ăn cái đã.
Đến năm 1981, một phong trào phổ biến cơm trưa tại trường học được phát động, mở rộng và dần dần hình thành hệ thống cơm trưa miễn phí như hiện nay. Sau nhiều thập kỉ, chính biến và các cuộc bầu cử, nhiều luật lệ đã thay đổi, duy chỉ có những bữa trưa miễn phí và chất lượng vẫn luôn còn đó, thể hiện quan điểm đặt thế hệ trẻ lên hàng đầu của cả đất nước Hàn Quốc.
Rất nhiều giáo viên trao đổi và nhà báo phương Tây đã viết về bữa trưa tại Hàn Quốc. Họ cũng chụp lại hình ảnh bữa ăn hàng ngày vì quá ấn tượng. Theo người phương Tây, mâm cơm canteen ở Hàn tuy giản dị nhưng lại ngon lành, đầy đủ dinh dưỡng hơn khẩu phần ở chính nước họ.
Về cơ bản, một khay cơm có đủ các nhóm thực phẩm thiết yếu, chia thành 5 món: Cơm, canh, thịt, rau củ và trái cây.
Các em cũng được phục vụ thêm sữa tươi, sữa chua và các loại tráng miệng sau bữa ăn.
Sự đa dạng, phong phú trong bữa ăn là rất quan trọng, giúp học sinh không chán ăn cũng như tăng lượng dinh dưỡng nạp vào. Ví dụ, ngoài cơm trắng, người ta còn phục vụ cơm gạo lức, cơm đậu đỏ, cơm nấu lá nếp. Trong tuần, một chuyên gia dinh dưỡng sẽ xoay vòng thực đơn từ ẩm thực Hàn Quốc truyền thống tới phương Tây hiện đại,
Bức ảnh của một nhân viên tại trường học Hàn Quốc, chụp lại khẩu phần ăn một tuần của mình, không món nào giống món nào.
Một điểm thú vị nữa tại canteen Hàn Quốc là "ngày ăn ngon". Thứ Tư hàng tuần, học sinh sẽ được "thiết đãi" một bữa thịnh soạn hơn hẳn bình thường, với các món trẻ nhỏ ưa thích như đồ chiên rán, mì hoặc hamburger. Thực đơn cũng sẽ thay đổi theo các dịp đặc biệt, như ngày Sơ phục thì ăn gà hầm sâm, ngày đông chí sẽ ăn cháo đậu đỏ.
Người nước ngoài đánh giá cao mâm cơm Hàn Quốc không phải vì độ thịnh soạn của nó. Nói một cách công bằng, so với các nước phương Tây, những món cơm nhà ấy chẳng có gì cao sang, nhưng giá trị nó đem lại cho hệ thống giáo dục lại hơn thế rất nhiều.
Điều ấn tượng nhất là học sinh và giáo viên đều dùng chung một khẩu phần ăn, trên một khay bạc giống nhau. Đây là nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm xóa đi ranh giới giàu nghèo, sự mặc cảm và phân biệt trong trường học, có từ giai đoạn "cơm cặp lồng" đen tối suốt thập niên 70.
Mặt khác, dù sở hữu một hệ thống phục vụ chất lượng cao tại canteen, nhưng các trường học vẫn khuyến khích tinh thần tự giác ở học sinh. Các em được yêu cầu tự dọn khu vực ăn uống, đem khay về đúng chỗ để rửa và sử dụng lại, do Hàn Quốc là một đất nước nhỏ và không có đủ diện tích cho rác thải dư thừa.
Với những giá trị đó, cơm trưa trường học đã thành một điểm sáng văn hóa ở Hàn Quốc. Hơn cả một bữa ăn ngon miệng và đủ chất, nó còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục, đem lại những giá trị tinh thần và vật chất đủ đầy chất cho thế hệ trẻ.
Nguồn: Huffington Post, Thông tin Hàn Quốc.