Những kiểu ứng viên thường lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng: Chọn người phù hợp, không chọn người giỏi!

Huỳnh Đức - Design: Thành Đạt, Theo Thể thao Văn hóa 00:03 30/03/2023
Chia sẻ

Dưới đây là những kiểu ứng viên thường xuyên gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng!

Tìm kiếm ra những ứng viên phù hợp với công ty và vị trí là việc không hề dễ dàng. Với mỗi môi trường cũng như đặc thù công việc, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra những yêu cầu riêng. Tuy nhiên nhìn chung, vẫn có những kiểu ứng viên mà nhà tuyển dụng nào cũng có ấn tượng tốt và dành sự ưu tiên.

Những ứng viên thường lọt vào "mắt xanh" nhà tuyển dụng

Nhắc đến vấn đề này, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến hài hước so sánh tiêu chí tuyển dụng truyền thống là "ngoan cố" (nói gọn của ngoan ngoãn và cố gắng) và tiêu chí tuyển dụng ngày nay là kết hợp giữa khả năng tư duy độc lập và năng lực phản biện. Nếu sinh viên không bảo vệ được ý kiến riêng thì họ trở thành người bình thường và thậm chí tầm thường trong mắt nhà tuyển dụng.

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng 5 yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá một ứng viên bao gồm: 1. tố chất (do thiên bẩm), 2. phẩm chất (nhờ rèn luyện), 3. kiến thức (qua quá trình học tập), 4. năng lực (do thử thách) và 5. kinh nghiệm (qua thời gian). Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chọn những ứng viên phù hợp chứ không phải là người giỏi nhất.

Những kiểu ứng viên thường lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng: Chọn người phù hợp, không chọn người giỏi! - Ảnh 1.

Theo Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chọn những ứng viên phù hợp chứ không phải là người giỏi nhất

Lưu Thanh Huyền (31 tuổi) - Giám đốc thu hút và phát triển tài năng trẻ khu vực Nam Á, Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi của tập đoàn l'oréal Singapore, chia sẻ những ứng viên thường xuyên lọt vào "mắt xanh" của cô là người có thể đáp ứng được ba tiêu chí: can do - will do - will fit. Lý giải chi tiết hơn, "can do" là làm được việc, "will do" là làm việc có động lực lớn và "will fit" là phù hợp với văn hóa đội nhóm và văn hóa công ty.

Những ứng viên hội tụ đủ cả ba yếu tố này thường là người từng tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, vị trí công việc hay có trải nghiệm cá nhân và kỹ năng... liên quan đến lĩnh vực mà bản thân đang ứng tuyển. Những điều này thường thể hiện rất rõ ngay trong hồ sơ xin việc của ứng viên.

Thanh Huyền đưa ra dẫn chứng, khi tiếp nhận hồ sơ của một ứng viên apply vào vị trí nhân sự, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào CV để biết xem người này có từng tham gia vào các cuộc thi, học các chứng chỉ, có kỹ năng hay tham gia vào các CLB liên quan đến nhân sự hay không? Tiếp đến là đánh giá xem CV của ứng viên có sạch đẹp, logic... Nếu đáp ứng được các tiêu chí kể trên thì ứng viên đó đã vượt qua thử thách đầu tiên.

Ngoài ra, những ứng viên thường gây ấn tượng với Thanh Huyền là người chăm chỉ làm "bài tập về nhà" và có sự tìm hiểu kỹ càng về công ty đang ứng tuyển. Trong quá trình telling (kể) hay selling ("chào bán") về bản thân, họ phải đưa ra những luận điểm xác đáng, những dẫn chứng cụ thể để matching (phù hợp) với giá trị của công ty.

Ví dụ, khi apply vào một công ty làm đẹp, trong quá trình phỏng vấn ứng viên phải chứng minh rằng bản thân đã tìm hiểu về thị trường làm đẹp, giá trị mà công ty theo đuổi, có biết chiến dịch nào mà công ty vừa mới thực hiện hay không, điều gì khiến bản thân thích về chiến dịch này, bản thân có góp ý gì để cải tiến chiến dịch đó hay không...

Khi làm được tất cả những điều như vậy thì ứng viên sẽ gây được ấn tượng rất lớn với nhà tuyển dụng. Lúc đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên theo ba yếu tố. Thứ nhất, họ là một người cầu tiến, chủ động học hỏi và có khả năng đem lại giá trị cho công ty. Thứ hai là ứng viên đó có sự tìm hiểu và khả năng làm việc. Cuối cùng họ là người có động lực, đam mê cam kết phát triển trong ngành nghề này.

Những kiểu ứng viên thường lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng: Chọn người phù hợp, không chọn người giỏi! - Ảnh 2.

Những ứng viên thường xuyên lọt vào "mắt xanh" của Thanh Huyền là người có thể đáp ứng được ba tiêu chí: can do - will do - will fit

Còn đối với Nguyễn Thái Hà - CEO của John Hunt - một agency tuyển dụng đồng thời là chủ nhân của kênh TikTok chuyên về tuyển dụng hướng nghiệp, 3 yếu tố giúp ứng viên gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng là: hình thức, thái độ và năng lực. Tùy vào hoàn cảnh thì các yếu tố này sẽ có sự sắp xếp, phân chia tỷ trọng khác nhau.

Trước tiên là về hình thức. Việc ăn mặc chỉnh tề, lịch sự trong quá trình tham gia phỏng vấn là cách thể hiện sự tôn trọng không chỉ với người đối diện mà còn chính bản thân ứng viên nữa. Vậy nên, chưa cần biết màn thể hiện trong quá trình phỏng vấn ra sao, ứng viên xuất hiện với vẻ ngoài gọn gàng, tươi tắn, phù hợp hoàn cảnh thì ít nhiều đã tạo được thiện cảm rồi với nhà tuyển dụng rồi.

"Mình đã gặp những ứng viên tới phỏng vấn vị trí trợ lý nhưng lại mặc váy rất ngắn, đây là cách lựa chọn trang phục phỏng vấn thiếu tinh tế. Bạn có thể mặc bất cứ thứ gì bạn muốn nhưng sở thích cá nhân cũng phải phù hợp với hoàn cảnh. Ấn tượng ban đầu của ứng viên đối với nhà tuyển dụng là vô cùng mạnh mẽ, nhưng ấn tượng ở đây không phải là những điều quá bao to búa lớn, mà nó chỉ xuất phát từ những điều đơn giản nhất", Thái Hà chia sẻ.

Tiếp đến là về yếu tố thái độ. Cô cho rằng có không ít các bạn trẻ hiện nay đi xin việc với thái độ cực kỳ phòng thủ, nhà tuyển dụng chưa làm gì mà đã "xù lông". Sẽ không có ai thoải mái khi phải nói chuyện với một người luôn trong trạng thái phòng thủ cả. Vậy nên, những ứng viên thể hiện được sự lịch sự, trao đổi dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng trong quá trình phỏng vấn thường sẽ được Thái Hà lưu tâm hơn.

Và sự phù hợp năng lực là yếu tố không thể thiếu. Mọi ứng viên luôn muốn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt, đáp ứng được mong muốn của bản thân. Và doanh nghiệp cũng thế, họ cũng hy vọng sẽ có những nhân sự phù hợp để cùng họ xây dựng, phát triển. Các doanh nghiệp hiện nay chọn những ứng viên phù hợp chứ không phải là người giỏi nhất. Song, nếu ứng viên thực sự nghiêm túc với điều mình làm, luôn có thái độ cầu thị thì đã ghi dấu ấn nhất định trong mắt nhà tuyển dụng rồi.

Những kiểu ứng viên thường lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng: Chọn người phù hợp, không chọn người giỏi! - Ảnh 3.

Thái Hà chia sẻ có 3 yếu tố giúp ứng viên gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng là hình thức, thái độ và năng lực

Ứng viên cần làm gì để phát triển bản thân?

Trước câu hỏi này, góp mặt trong một sự kiện talkshow dành cho giới trẻ, ông Dương Long Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thắng Lợi Group đánh giá Gen Z hiện nay đang hơi lan man, thiếu tập trung và chuyên sâu. Do đó, sếp Long Thành khuyên các bạn trẻ cần tập trung phát triển điểm mạnh để khắc phục điểm yếu, cũng như nên kiên trì, kiên định theo đuổi mục tiêu của bản thân. Đây là một trong những yếu tố dẫn lối thành công.

Những kiểu ứng viên thường lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng: Chọn người phù hợp, không chọn người giỏi! - Ảnh 4.

Sếp Dương Long Thành đánh giá Gen Z hiện nay đang thiếu tập trung và chuyên sâu

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc DH Foods lại nói rằng khi tuyển dụng, doanh nghiệp dù ít dù nhiều vẫn ưu tiên chọn ứng viên điểm cao. Bởi vậy, các ứng viên trẻ cần đầu tư cho học tập cũng như rèn luyện thể chất thật tốt để có đủ trí lực và thể lực phục vụ cho đam mê công việc của mình sau này.

Khi chúng ta ngồi trên ghế nhà trường thì việc học tập vẫn luôn phải là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, "kiến thức ở trường chỉ là bàn đạp, khi ra trường cần học cách tiếp thu cái mới" - sếp Dũng nhấn mạnh.

Những quan điểm của hai vị sếp trên là vấn đề ở người học, còn các cơ sở giáo dục đại học cũng cần thay đổi để bắt kịp với xu thế thời đại và phát triển người học theo hướng toàn diện hơn.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho rằng nhiệm vụ của các trường đại học là giúp các bạn tự học, tự nghiên cứu và tự phát triển bản thân. Các bạn trẻ cần biết đầu tư cho tiếng Anh, thay đổi từ những suy nghĩ đơn giản nhất, chẳng hạn như tiếng Anh không chỉ dừng lại ở một môn ngoại ngữ mà nó đã trở thành một thứ ngôn ngữ để làm việc, sống và giải trí. Ngoài ra, các trường nên tăng cường thể lực cho sinh viên bên cạnh trí lực vì trung bình mỗi ngày sinh viên sử dụng hơn 6 giờ để lướt Facebook, TikTok, YouTube…, như thế chẳng phải phí hoài hay sao?

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày