Những hạng mục được bảo tồn đều có giá trị kiến trúc và lịch sử
Ngày 12/10, Thương xá Tax chính thức bị tháo dỡ để xây Trung tâm thương mại 40 tầng nối với công trình thế kỉ của TP. HCM đó là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Thương xá Tax chính thức bị đập bỏ từ ngày 12/10.
Việc xây dựng TTTM hiện đại có kết nối với metro trên nền Thương xá Tax phải theo sự chỉ đạo của UBND TP. HCM để giữ nguyên những đường nét cũng như kiến trúc của công trình.
Theo đó, phần bên ngoài sẽ có bảng hiệu Thương xá Tax, mái che nắng dọc vỉa hè (đặc biệt ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ). Trong khi đó phần bên trong sẽ gồm: không gian sảnh chính, cầu thang tại sảnh chính (tầng trệt lên lầu 1), tay vịn, lan can bằng đồng, biểu tượng gà trống, quả cầu bằng đồng với các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu, gạch mosaic tại không gian sảnh chính.
Phía Satra ghi nhận tòa nhà Tax đã gắn liền với các giai đoạn của lịch sử kiến trúc Sài Gòn với mỗi thời kỳ có một tên gọi, từ khi khánh thành năm 1924, tòa nhà có tên GMC (Grands Magasins Chaner). Việc bảo tồn những giá trị lịch sử cũng là điều cần thiết.
Bảng hiệu Thương xá Tax, một trong những hạng mục được xem xét bảo tồn - Ảnh: Tư liệu.
Mái hiên nằm dọc vỉa hè đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi là danh mục được bảo tồn - Ảnh: Tư liệu.
Không gian sảnh chính của bên trong Thương xá Tax cũng được bảo tồn - Ảnh: Tư liệu.
Cầu thang từ tầng trệt lên lầu 1 - Ảnh: Tư liệu.
Lan can và tay vịn với những hoa văn tinh xảo cũng nằm trong hạng mục được bảo tồn - Ảnh: Tư liệu.
Biểu tượng con gà trống của Thương xá Tax được giữ lại - Ảnh: tư liệu.
Cô gái chụp ảnh lưu niệm bên chú gà trống và quả cầu bằng đồng - Ảnh: tư liệu.
Gạch mosaic - Ảnh: Lam Điền.
Đơn vị quản lý là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên Satra cho biết, từ trong ra ngoài Thương xá Tax sẽ có nhiều hạng mục được bảo tồn khi xây dựng tòa nhà mới.
Người Sài Gòn nói gì về thương xá Tax?
Dẫu biết nếu muốn thành phố phát triển thì phải thay đổi, đồng nghĩa với việc một số công trình lịch sử phải hy sinh nhưng đối với nhiều người sống lâu năm ở Sài Gòn thì họ vẫn có chút gì đó luyến tiếc khi Thương xá Tax đã không còn nữa.
Đã từng có thời gian buôn bán tại Thương xá Tax, chú xe ôm nơi góc đường Lê Lợi - Pasteur cho biết có rất nhiều kỉ niệm đối với biểu tượng một thời của Sài Gòn. Chú chia sẻ: "Hồi những năm 80, tôi và những người bạn có góp vốn vào trong Thương xá Tax thuê gian hàng để bán vải. Thời đó giá thuê gian hàng rẻ lắm nên có nhiều người tranh nhau vào đó buôn bán. Bên cạnh đó giá cả các mặt hàng cũng rẻ, nếu cầm 1 triệu đồng vào đó thì mua sắm thả ga luôn".
Chú xe ôm đã từng buôn bán trong Thương xá Tax cho biết mặc dù có tiếc khi nơi này bị đập nhưng vì thành phố phát triển nên cũng muốn thay đổi.
Sau khi không còn buôn bán trong Thương xá Tax, thỉnh thoảng chú cũng dẫn gia đình vào trong đó dạo chơi. Sau này cũng vậy, mỗi khi những hoài niệm của Thương xá Tax trở về là chú lại chạy đến đây. "Thương xá có nhiều kỉ niệm nên lúc mà nơi này chính thức đóng cửa, tôi cũng bỏ chạy xe ôm để vào đó nhìn khung cảnh buôn bán lần cuối. Mới đây biết thông tin Thương xá bị đập bỏ tôi cũng tranh thủ ghé qua xem như thế nào", chú xe ôm nói.
Chia sẻ thêm về sự lưu luyến của mình đối với Thương xá Tax, chú nói thêm: "Mặc dù tiếc thì có tiếc nhưng cũng không buồn lắm đâu. Muốn thành phố phát triển thì phải thay đổi để theo kịp thôi, chứ mình hoài niệm mãi về một thứ sao được. Thương xá Tax tồn tại hơn trăm năm có lẽ nền móng cũng không còn vững chắc nữa đâu mà giữ".
Cô bán nước và chú xe ôm, hai người dân đã ngồi kể chuyện với nhau về Thương xá Tax.
Còn cô bán nước gần Thương xá Tax cũng chia sẻ những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu tại nơi này. Cô cho biết hồi đó mỗi khi trời mưa là chạy vào mái hiên của Thương xá Tax để trú mưa và cũng hay ghé mua đồ dùng vì nơi này từng là cửa hàng bách hóa tổng hợp nên mặt hàng nào cũng có.
Những người dân sống lâu năm ở đây cho rằng, Thương xá Tax là một trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại thành phố này vì nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ có mật độ mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất là đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur.