Những điểm cộng và trừ đã làm nên "Mẹ chồng"

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 11:01 03/12/2017

Ngay khi cơn sốt của “Sống chung với mẹ chồng” vừa lắng xuống, thì mối quan hệ rắc rối của mẹ chồng và nàng dâu lại tiếp tục được khuấy lên màn ảnh rộng. Với những vật liệu nền vốn có, “Mẹ chồng” đã làm được những điểm cộng và điểm trừ nào?

Mẹ chồng lấy bối cảnh giả tưởng tại làng Đại Điền thập niên 50 với câu chuyện bi kịch được ví như trang huyền sử của gia đình của nhà Hội đồng Huỳnh Văn Lịnh. Phim là một tấn bi kịch cuộc đời và số phận của những nàng dâu trong gia tộc danh giá ấy.

Mọi chuyện bắt đầu từ những quan niệm và tư tưởng phong kiến khắt khe được bà Hai Lịnh (Diễm My) giáo huấn và áp đặt lên cô con dâu Ba Trân (Thanh Hằng). Trong quá trình tranh đấu cho địa vị của mình, Ba Trân đã bất chấp đạo đức và luật lệ, tiếp tục nhân bản những quy tắc hà khắc của dòng tộc lên con dâu, trở thành bà mẹ chồng độc ác và tàn nhẫn mà có lẽ chính Ba Trân cũng đã từng căm ghét.

Trailer "Mẹ chồng"

Những điểm cộng

Bố cục phim tuy cũ nhưng kĩ

Trước hết phải có lời khen cho đạo diễn Lê Minh Thắng khi đã rất khôn ngoan sắp xếp phim theo trình tự độc đáo là Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cùng với đó là khúc lời thoại ngay đầu tiên, khiến khán giả ngay lập tức hình dung được mình đang và sẽ theo dõi câu chuyện gì. Đây là một điểm không hoàn toàn mới trong điện ảnh Việt Nam.

Tuy nhiên đặt vào "Mẹ chồng", nó đã thực sự phát huy được hết tác dụng của mình. Trình tự bốn mùa ở đây, không chỉ là trình tự thời gian thông thường, mà còn là diễn biến của cả một đời người với những khúc Xuân nồng tình, Hạ cháy bỏng, Thu hiu quạnh và Đông lụi tàn.

Trau chuốt từng tiểu tiết của phần hình.

Thêm nữa, về phần hình ảnh của "Mẹ chồng" quả thực đã khiến khán giả mãn nhãn. Điều này trước tiên được thể hiện qua poster của phim.

Những điểm cộng và trừ đã làm nên Mẹ chồng - Ảnh 2.

Từng kĩ xảo dù nhỏ nhất cũng được chăm chút. Từng loại phụ kiện đi kèm phục trang cũng đủ để tôn lên giá trị của người đeo nó lên người. Như là những bộ kiềng, hoa tai hình rắn của cô Ba Trân (Thanh Hằng), chiếc kiềng bạc luôn được Tư Thì (Lan Khuê) đưa tay lên chỉnh mỗi khi được lên hình, và cả những bộ quần áo khá tân thời của Tuyết Mai (Midu). Hay hơn thế, là từng góc máy để "khoe" được cái giàu sang, bề thế của gia tộc họ Huỳnh.

Cuộc lột xác của "rắn mẹ" Thanh Hằng

Những điểm cộng và trừ đã làm nên Mẹ chồng - Ảnh 3.

Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả để "Mẹ chồng" ghi dấu trong lòng khán giả. Trong buổi ra mắt truyền thông phim, siêu mẫu Thanh Hằng (vai Ba Trân) – nhân vật chính – đã chia sẽ rằng "Hai năm rồi Thanh Hằng không nhận lời đóng phim. Giờ trở lại nhận vai một người phụ nữ phải lèo lái cả một đại gia đình, cá nhân tôi rất thích vai diễn này, và khán giả sẽ thấy sự trở lại lần này của Hằng lợi hại hơn xưa". Và quả là cô đã lợi hại hơn rất nhiều thật chứ không chỉ là một lời nói suông câu khách.

Theo dõi câu chuyện mà Ba Trân tự tạo ra cho cuộc đời mình, Thanh Hằng cùng vai diễn này đã khẳng định rằng cô thực sự xứng đáng được coi là một diễn viên, chứ không phải diễn viên tay ngang.

Những điểm cộng và trừ đã làm nên Mẹ chồng - Ảnh 4.

Một mùa xuân nồng tình với Hai Nhứt, một mùa hạ cháy bỏng khi dù cho chồng đã cưới vợ mới, nhưng vẫn còn tha thiết cùng lời hứa đưa mình về đúng địa vị. Rồi cho đến khi đã tự mình leo lên được vị trí nắm quyền, thì cuộc sống xung quanh của Ba Trân lại vô cùng hiu quạnh. Người ta vừa thấy được một cô Ba Trân khéo léo trong cư xử, nhưng cũng thấy một người con dâu xảo quyệt, vì lòng tham mà dám làm tất cả, thậm chí là dùng cả tà phép.

Người ta cũng thấy một bà mẹ yêu con bằng tình yêu ích kỉ, gieo vào đầu con một câu giới thiệu đầy quyền uy "Tôi là con của cô Ba Trân, là cháu đích tôn của dòng họ Huỳnh"; nhưng cũng thấy một bà mẹ chồng hà khắc, nghiệt ngã với con dâu. Và sau cùng, Ba Trân có tất cả nhờ lòng tham, và cũng mất tất cả vì lòng tham của mình. Thanh Hằng diễn tả xuất sắc cái cảnh một mình đối diện với chính mình sau khi hạ sát nhân tình vì muốn giữ gìn vị trí. Cảnh ôm con khóc ngặt vì đã tự đâm chiếc kéo dùng để trừng phạt con dâu vào đúng tim của người con trai duy nhất.

Cô con dâu với lối sống khác biệt

Và một người con dâu khác, cũng cần được đánh giá cao, đó là Midu với vai Tuyết Mai. Vào vai một người con gái tân thời, vì tiền mà phải bán rẻ bản thân để cứu cha. Nhưng cha chưa cứu được, đã tự đẩy mình vào nghịch cảnh.

Những điểm cộng và trừ đã làm nên Mẹ chồng - Ảnh 5.

Trước giờ, Midu đã từng đóng khá nhiều phim, nhưng phần lớn khán giả chưa cảm thấy thuyết phục với cô hot girl lấn sân điện ảnh này, bởi người ta cho rằng biểu cảm của cô chưa thực sự "chín". Cho đến "Mẹ chồng", nếu để là xuất sắc thì chưa hẳn, nhưng đạt mức trên loại tốt, thì hoàn toàn xứng đáng. Những cái uất ức ra mặt, những cái liếc xéo khi nắm được bí mật lăng loàn của người đứng đầu một dòng họ danh giá đã được Midu thể hiện rất tròn. Và nhớ nhất, ấy là cái biểu cảm dằn mặt giấu trong nét ngoan hiền khi Tuyết Mai trao lại chiếc khăn tay cho Ba Trân.

Đặt một nhân vật khá tân thời vào một gia đình điển hình của phong kiến, đạo diễn đã không chỉ khiến Midu có đất diễn, mà còn đặc biệt khiến cô tận dụng được vẻ ngoài của mình. Sự đỏng đảnh của người con gái vốn sinh ra trong một gia đình có vị thế rất phù hợp với gương mặt có phần trẻ con của Midu.

Nhưng cũng không ít điểm trừ

Nội dung phim bị lép vế so với âm thanh, hình ảnh.

Nhưng rồi tất cả những điểm cộng ấy, vẫn chưa đủ để "Mẹ chồng" có thể đọng lại trong tâm trí khán giả nhiều hơn nữa. Bởi cái chính của bộ phim, vẫn phải là nội dung. Chọn một đề tài có thể nói là câu chuyện muôn thủa, dám khẳng định rằng "Mẹ chồng" có một bộ xương chắc và khỏe để phát triển. Thế nhưng lỗi sai ở đây, là nếu coi một bộ phim như một cơ thể người với nội dung là thân chính, thì có vẻ "đứa con tinh thần" của đạo diễn Lê Minh Thắng phát triển không đều lắm ! Thân người thì quá gầy bé, trong khi đó, âm thanh hay hình ảnh là những tay, những chân lại quá lớn.

Cánh hoa tàn - Hương Tràm

Không đầu tư vào vai diễn tiềm năng

Điều đáng tiếc nhất của "Mẹ chồng", là đã bỏ lơ hơi nhiều vai diễn Tư Thì của Lan Khuê. Tư Thì là dâu cả, sau một thời gian lấy chồng bị gạt ra giống y hệt Ba Trân, đáng lẽ đây sẽ là một vai diễn đắt giá không kém cạnh gì bởi "Mẹ chồng nào cũng từng là nàng dâu", và nàng dâu nào cũng có thể trở thành mẹ chồng.

Những điểm cộng và trừ đã làm nên Mẹ chồng - Ảnh 7.

Có thể ý đồ của đạo diễn và ekip, đó là khiến Lan Khuê cùng vai diễn sẽ trở thành điểm bất ngờ của bộ phim, là yếu tố vừa mở nút, vừa thắt nút câu chuyện của gia tộc họ Huỳnh khi trải qua biến cố. Thế nhưng vai diễn này dường như không có tính thuyết phục khi Tư Thì mở được chiếc hộp giữ báu vật mà cả đời Ba Trân mong ước một cách quá dễ dàng. Ba Trân từ đầu tới cuối, dùng mọi mưu kế để lấy được khóa, té ra lại chẳng bằng một "camera giấu kín" là Tư Thì. Chỗ này, nên có lời khen cho Lan Khuê bởi đôi mắt và khuôn miệng "hơi điêu" của cô vào phim lại đặc biệt nổi bật. Mỗi cuối phân cảnh, lại có một đoạn lướt qua thấy cô đang đứng ở góc, lấp ló trong bóng tối như thể thông báo "chị biết chúng mày gặp nhau rồi nhé".

Những điểm cộng và trừ đã làm nên Mẹ chồng - Ảnh 8.

Nhưng, giá mà Lan Khuê được diễn nhiều hơn, thì hẳn khán giả sẽ có một hình dung nào đó về tính cách của cô cũng như tương lai của Huỳnh gia dưới sự thống trị của cô con dâu này. Người ta xem xong cứ thấy ấm ách, không thể nào mà ồ lên khi Tư Thì lật mặt, thực sự trở thành con rắn độc thay thế cho Ba Trân. Cái bóng quá lớn mà Thanh Hằng gây dựng, Lan Khuê không thể một bước mà vượt qua như vậy.

Thời lượng chưa đủ để món ăn tinh thần được trọn vị

Một điều sau cuối phải nói đến, sở dĩ "Mẹ chồng" chưa thực sự cuốn hút được người xem, phần vì thời lượng phim còn ngắn. Đoạn thì khai thác quá kĩ, đoạn chỉ điểm qua để khán giả hiểu nội dung tiếp theo. Hạn chế về mặt thời gian này là điểm yếu, không chỉ của "Mẹ chồng", mà còn là của hầu hết các phim điện ảnh Việt Nam.

Tạm kết

Xét cho đến cùng, "Mẹ chồng" có thể chưa được đánh giá quá xuất sắc, cũng một phần vì thời gian vừa rồi, sự phát triển của điện ảnh nước nhà khiến khán giả thực sự bất ngờ, và quyền kì vọng từ phía họ là hết sức hiển nhiên.