Những địa ngục sống của người đồng tính thế giới

SKYE | Design: TUẤN MAXX, Theo Trí Thức Trẻ 10:21 05/04/2019
Chia sẻ

Tại nhiều nước trên thế giới, người đồng tính vẫn phải chịu sự kỳ thị, bất công và phân biệt đối xử từ cộng đồng. Tuy nhiên, nếu so với những án tử đang rình rập trên đầu người đồng tính tại một số quốc gia khác, sự kì thị bằng ngôn từ có vẻ như vẫn còn là điều “nhẹ nhàng”.

Câu chuyện về Brunei đưa ra hình phạt tử hình người đồng tính nếu bị phát hiện bằng cách ném đá tới chết đang được cả thế giới quan tâm, đặc biệt với những người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người đồng tính, song tính, chuyển giới… Theo luật Hồi giáo Syariah, những cặp đôi đồng tính sẽ bị ném đá tới chết nếu có một số bằng chứng cụ thể. Một số người nói rằng dự thảo luật này đã có từ rất lâu trong khi cánh báo chí chỉ “xào xáo” lại câu chuyện; dư luận thế giới tỏ ra phẫn nộ vì dù là câu chuyện cũ hay mới - đây cũng là điều không thể chấp nhận.

Điều đáng buồn nhất trong câu chuyện có lẽ là thái độ của nhiều người khi cho rằng “trước giờ chưa có ai chết vì đạo luật này cả” cũng như “đạo luật này chỉ áp dụng với người Hồi giáo”. Cách biện hộ đó không thể giải thích cho điều gì khi “trước giờ không có ai chết” không có nghĩa rằng nó sẽ không thể được thực thi trong tương lai. Đạo luật đó không chỉ là một án tử chực chờ trên đầu cộng đồng LGBT+ mà còn như một cái tát vào mặt họ; vô hình chung nó đã tội phạm hóa người đồng tính. Thực hiện hay không chỉ là câu chuyện cuối cùng vì khi ban hành luật, họ đã mặc định đồng tính là một điều sai lầm.

Và những người Hồi giáo thì sao? Những người Hồi giáo đồng tính cũng xứng đáng có quyền như bất cứ ai khác. Khi chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội bình đẳng, không phân biệt sắc tộc tôn giáo - vậy tại sao lại gạt những người Hồi giáo ra khỏi cuộc hành trình đi giành lại những gì xứng đáng thuộc về cộng đồng LGBTI?

Những địa ngục sống của người đồng tính thế giới - Ảnh 1.

Những viên đá ném đi ấy, như một cú ném thật mạnh vào danh dự và nhân phẩm của những người đồng tính trên toàn thế giới. Thật không may, câu chuyện đó không phải của riêng một đất nước mà vẫn âm thầm diễn ra ở khắp nơi trên khắp châu lục.

Những án tử cho người đồng tính

Báo cáo của Hiệp hội Đồng tính, Song tính, Chuyển giới và Lưỡng tính Quốc tế (gọi tắt là ILGA) vào năm 2017 cho biết hiện nay có khoảng 7 quốc gia còn áp dụng án tử cho người đồng tính (chưa kể Brunei) và chỉ có một vài nước thi hành đạo luật hà khắc này. Ả Rập Xê Út là một trong những quốc gia tuân theo luật Syariah và tại quốc gia này, các hành vi đồng giới không những bất hợp pháp mà có thể bị kết tội với án tử hình. Tuy nhiên, hình phạt phổ biến tại đây vẫn thường là phạt đánh hay bỏ tù. Vụ việc từng gây chấn động tại quốc gia này khi vào năm 2002, 3 người đàn ông đã bị xử tử hình vì các hành vi quan hệ đồng tính.

Theo ILGA, Somalia - một quốc gia tại châu Phi là “điểm nóng” với những hành vi chống lại người đồng tính. Nhà báo người Somalia Diriye Osman từng chia sẻ rằng nếu xác định công khai tại quốc gia này, bạn phải chấp nhận nguy cơ không chỉ từ việc kì thị mà còn bị bạo hành, bỏ tù - thậm chí là cái chết. Đã có những báo cáo về các vụ việc người đồng tính bị xử tử hoặc bị bạo hành tới chết tại quốc gia này.

Ở một số quốc gia khác, quy định xử tử với người đồng tính được đề cập trong luật tuy chưa có trường hợp nào thực sự bị kết mức án cao nhất như Sudan, Yemen hay Nigeria. Tuy nhiên, các câu chuyện đau lòng cũng xảy ra tại đây khi nhiều người đã chịu cảnh tù tội vì xu hướng tính dục của bản thân.

Những địa ngục sống của người đồng tính thế giới - Ảnh 2.

Trên thực tế, một vài quốc gia có những quy định hà khắc với các quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Chính vì vậy, những cặp đôi đồng tính cũng phải chịu chung số phận với hình phạt này. Điều éo le rằng, họ không có quyền kết hôn tại một số quốc gia và luôn trong tình cảm một mối quan hệ “không chính thống”.

Những cái chết tinh thần

Không phải chịu đựng hình phạt cao nhất là án tử hình nhưng người đồng tính tại nhiều quốc gia cũng phải chịu những hình phạt đau đớn khác về thể xác và tinh thần. Tại tỉnh Aceh, Indonesia, việc xử phạt những người đồng tính công khai tại nơi công cộng bằng hình thức phạt đánh bị nhiều người lên án kịch liệt. “Không chốn dung thân cho người đồng tính”, “số phận bị thương của những người đồng tính” là những cụm từ người ta nói về tình cảnh của cộng đồng LGBTI nơi đây. Đòn roi không chỉ tấn công vào thể chất mà còn khiến họ tổn thương tinh thần khi bị hàng trăm người sỉ nhục, dè bỉu và câu chuyện của họ đã trở thành “vết nhơ” tại cộng đồng địa phương. Khó có thể tưởng tượng cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào sau những hình phạt tinh như vậy. Với họ, nó không khác gì một cái chết tinh thần.

Theo Reuter đưa tin, tại Ecuador hiện vẫn có hàng trăm các trung tâm để “chữa bệnh đồng tính”. Họ vẫn có niềm tin rằng đồng tính là một căn bệnh cần được chữa trị, dù quốc gia này đã không còn coi đồng tính là bất hợp pháp từ năm 1997. Phần lớn những người đồng tính được cha mẹ, họ hàng gửi tới các trung tâm chữa trị đồng tính ít nhất tầm 3 tháng với mức giá khoảng 1,500 USD/tháng.

Chuyện gì xảy ra trong những trung tâm “cai đồng tính này”? Họ bị đánh đập, hành hạ, bị trói trong phòng vài ngày. Mỗi ngày sẽ được tham gia các lớp trị liệu nhằm “nắn thẳng” họ lại. Con gái được học đánh son, mặc váy, con trai phải tỏ ra mạnh mẽ, phải nhìn vào hình ảnh những người phụ nữ, có thể còn phải khen “Ô cái này đẹp thế” như câu chuyện của một người phụ nữ Việt Nam giảng dạy cách “chữa” đồng tính gần đây. Sự tra tấn tinh thần đầy đau đớn này, đôi khi còn kinh khủng hơn một cái chết thể xác.

Không chỉ ở những đất nước xa xôi, một vài quốc gia lớn trên thế giới cũng ban hành những điều luật chống quảng bá cho hoạt động đồng tính. Với con số 73 nước vẫn coi đồng tính là bất hợp pháp, những tổn thương tinh thần với cộng đồng người đồng tính nói riêng và LGBTI nói chung (nhiều quốc gia đã siết chặt luật với cả người song tính và đồng tính nữ) thực sự vẫn còn quá lớn.

Những địa ngục sống của người đồng tính thế giới - Ảnh 3.

Con đường giành lại quyền của người đồng tính trên toàn thế giới như phân làm đôi cực: Một bên với những điểm sáng và thành công khi ngày càng có nhiều quốc gia công nhận người đồng tính và cho phép kết hôn đồng tính, còn một bên đang đi ngược lại với những điều tốt đẹp mà nhiều quốc gia đang nỗ lực đem tới cho cộng đồng. Những hòn đá, nếu được ném đi, không chỉ đem đến cái chết cho một người đồng tính, mà còn là cái chết tinh thần cho hàng triệu người trên khắp thế giới, một cái tát vào những nỗ lực giành lại quyền đáng nhẽ ra ai cũng được hưởng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày