Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam?

Quỳnh Trân - Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 13/03/2018

Sau chiến thắng ấn tượng của Hoa hậu Hương Giang, nhiều người thắc mắc vì sao tại Việt Nam, hàng năm có rất nhiều cuộc thi Hoa hậu nhưng chưa từng có tiền lệ về một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới với quy mô hoành tráng và được cấp phép chính thống từ các Sở Ban ngành và Cục nghệ thuật biểu diễn?

"Từ hôm nay, hãy gọi Hương Giang là Hoa hậu" là một cụm từ được nhiều người nhắc đến suốt hai ngày qua. Cộng đồng LGBTQ+ đầy tự hào và được tiếp lửa mạnh mẽ trên con đường đấu tranh thể hiện bản ngã của chính mình, dư luận Việt Nam cởi mở và công nhận nỗ lực của người chuyển giới. Đó là những tín hiệu đáng mừng!

Thế nhưng nếu nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nhiều người sẽ tự hỏi: Trước khi một người chuyển giới được đại diện đi thi ở nước ngoài, họ đã từng được cọ xát ở những cuộc thi chuyên nghiệp trong nước chưa? Câu trả lời là chưa, bởi dù có những cuộc thi dành cho cộng đồng LGBTQ+, nhưng đa số đều là tự phát, quy mô nhỏ và chưa được cấp phép. Họ - những người chuyển giới, đồng tính, song tính... vẫn chật vật tự tìm nguồn tài trợ để đầu tư cho sân chơi của chính mình.

Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Hương Giang đăng quang Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018.

Gần 15 năm mong chờ một cuộc thi quy mô và uy tín cho cộng đồng

15 năm trước, cộng đồng LGBTQ+ (khi đó vẫn được gọi chung là đồng tính, là thế giới thứ 3, giới tính thứ 3, LGBT...) khép mình trên những diễn đàn dành cho những người mà họ gọi là có "số phận" giống mình. Ở đó, ngoài việc được trải lòng, chia sẻ những vấn đề cùng nhau gặp phải, họ cũng có khát khao được tỏa sáng và được cộng đồng công nhận.

Thế rồi năm 2004, các thành viên của diễn đàn thegioithu3.com quyết định tổ chức một cuộc thi mang tên Miss Angel mà khi đó giữa những khái niệm mơ hồ họ vẫn gọi là cuộc thi Hoa hậu đồng tính nam, Hoa hậu thế giới thứ 3. Đến năm 2007, hình ảnh cuộc thi này bắt đầu được đăng tải trên báo chí truyền thông nhưng dường như rất ít người quan tâm, một số khác thì vẫn còn những định kiến và kỳ thị.

Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Các thí sinh của cuộc thi Miss Angel 2007.

Chẳng ai để ý đến cuộc thi này và cũng không ai muốn biết gương mặt đoạt ngôi vị cao nhất. Giữa muôn vàn cuộc thi Hoa hậu trong nước và quốc tế, cộng đồng LGBTQ+ khi ấy vẫn là một nhóm người bị quên lãng.

Sau đó vào năm 2012, cuộc thi mang tên TGT3’s Next Top Angel được xem là sân chơi lành mạnh và ý nghĩa đầu tiên của cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam lúc bấy giờ. Cuộc thi được chú ý bởi phần lớn nội dung của chương trình được cảm hứng lấy từ Vietnam's Next Top Model, các tập đều đuợc phát sóng trên Youtube nên đã có một lượng khán giả nhất định qua từng năm. Giám khảo là những người đẹp chuyển giới có tiếng nói trong cộng đồng, là những hoa khôi bước ra từ cuộc thi Miss Angel ngày trước.

Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Năm 2012, cuộc thi mang tên TGT3’s Next Top Angel được xem là sân chơi lành mạnh và ý nghĩa đầu tiên của cộng đồng LGBTQ+ Việt Nam.

Nữ hoàng chuyển giới Minh Ngọc - Người khai sinh ra cuộc thi Next Top Angel cũng là Host của cuộc thi năm 2015 đã từng nói: "Next Top Angel không phải là cuộc thi tìm kiếm người mẫu như America's Next Top Model. Ở cuộc thi này, chúng tôi tìm một "angel", một "drag queen", một người tài năng toàn diện, đại diện cho cộng đồng, chứng tỏ tài năng và năng khiếu thật sự của mình. Chúng tôi muốn mọi người công nhận và nhìn thấy được cộng đồng thế giới thứ 3 cũng tài năng và có tiếng nói trong lĩnh vực nghệ thuật."

Cũng trong năm 2015, một cuộc thi khác được truyền thông chú ý là Hoa hậu chuyển giới - Miss Beauty. Năm ấy, cuộc thi được tổ chức hoành tráng hội tụ nhiều người đẹp chuyển giới từ nhiều tỉnh thành, có nguồn kinh phí và nhà tài trợ để giải thưởng cao nhất cho Hoa hậu Miss Beauty 2015 chính là cơ hội phẫu thuật nâng ngực và thẩm mỹ khuôn mặt có tổng giá trị 60 triệu đồng. Nếu như trong những cuộc thi sắc đẹp khác, người ta chủ yếu nhắm tới danh hiệu, thì trong Miss Beauty, có lẽ giải thưởng mới là yếu tố được quan tâm hơn cả. Bởi những người đẹp đi thi, đa phần xuất thân từ vùng quê nghèo và chật vật kiếm sống.

Những năm gần đây, dường như đã không còn một chương trình nào khác dành cho cộng đồng LGBTQ+. Các người đẹp đăng quang cũng nhanh chóng trở về với cuộc sống thường nhật và nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam? - Ảnh 4.

Hy Sa B đăng quang Hoa hậu chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam trong cuộc thi Miss Beauty 2015.

Sẽ cấp phép cho một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Việt Nam trong tương lai?

Để hiểu rõ hơn về những băn khoăn xung quanh vấn đề này, trao đổi với chúng tôi vào ngày 12/3, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có tiền lệ tổ chức các cuộc thi hoa hậu chuyển giới nên rất khó có thể cấp phép cho một cuộc thi hay chương trình dành cho cộng đồng LGBTQ+. 

Hơn nữa, theo ông Nam, vấn đề cấp phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu chuyển giới thì đơn vị cấp Sở cũng không đủ thẩm quyền. Để tổ chức cuộc thi này phải được Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ VH-TT-DL) cấp phép.

Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam? - Ảnh 5.

Các cô gái lộng lẫy trong phần trình diễn trang phục dạ hội tại Miss Beauty 2015.

Cùng ngày, chúng tôi đã đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật thì được biết, việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Việt Nam hiện tại không thể vì chưa đủ điều kiện. "Chưa đủ điều kiện vì vấn đề này mình đang đi sau Thái Lan rất nhiều, còn phải làm từng bước để hoàn thiện đầy đủ các yếu tố. Hiện nay thì chưa đạt được yêu cầu, đòi hỏi thực tế về vấn đề này. Về sau nếu đáp ứng đủ thì cũng có thể tổ chức chứ hiện tại thì rất khó", ông Vinh nói.

Tuy nhiên, vấn đề này các ngành chức năng vẫn đang thảo luận và làm từng bước. Ông Vinh cho biết thêm: "Có thể trong tương lai sẽ đáp ứng và hoàn thiện được những vấn đề về giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên vấn đề này cũng không hoàn toàn là nhiệm vụ của Cục Nghệ thuật Biểu diễn mà đây dựa trên sự phát triển xã hội chung, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Việc phát triển kinh tế xã hội đem đến nhiều cuộc thi Hoa hậu, trong đó sẽ có Hoa hậu chuyển giới dù vấn đề này còn quá mới mẻ ở nước ta. Nhưng chắc chắn hệ thống pháp luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển xã hội".

Khi được hỏi về việc nếu có một đơn vị đứng ra đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu chuyển giới thì sẽ cần trình tự như thế nào để được cấp phép, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết cần phải dựa theo quy định pháp luật, phải có một hệ thống pháp luật riêng.

Thiếu sân chơi cho cộng đồng LGBTQ+: Có khó khăn để cấp phép một cuộc thi Hoa hậu chuyển giới ở Việt Nam? - Ảnh 6.

Lâm Khánh Chi trao vương miện cho Hoa hậu Miss Beauty 2015.

"Nhưng hiện nay văn bản luật ở Việt Nam chưa cho phép thì không thể tổ chức cuộc thi Hoa hậu chuyển giới. Không thể thấy nước ngoài làm những gì thì Việt Nam làm đúng như thế vì điều kiện văn hóa, xã hội mỗi nước khác nhau", ông Vinh nói.

LGBTQ+ là cụm từ viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Trans, Queer/Questioning để nói về cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và các nhóm thiểu số tính dục khác.

Mời đón xem bài tiếp: Hoa hậu chuyển giới Việt Nam đầu tiên đăng quang Miss Beauty 2015 giờ ra sao?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày