Ai cũng biết rằng rồng là một sinh vật chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Còn ngoài đời, sinh vật duy nhất được gọi là rồng chính là rồng Komodo - loài bò sát hung dữ nguy hiểm tại Indonesia.
Tuy nhiên, hóa ra vẫn còn một sinh vật nữa được gọi là rồng. Đó là manh giông - loài lưỡng cư được mệnh danh là rồng con.
Manh giông (Proteus anguinus) - loài vật được mệnh danh là rồng con
Manh giông có danh pháp khoa học là Proteus anguinus, là loài động vật có xương sống cư trú trong hang duy nhất được tìm thấy tại châu Âu, đồng thời cũng là loài duy nhất của chi Proteus. Và cũng bởi môi trường sống của chúng hạn hẹp như vậy, loài vật này đã bị đưa vào danh sách thú quý hiếm đang trong tình trạng nguy hiểm, cần khẩn trương bảo tồn.
Vào tháng 6/2016, các chuyên gia tại Slovenia đã lần đầu tiên "đỡ đẻ" thành công một chú rồng con trong hang Postojna (Slovenia). Và nay, chú đã sống sót, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong đời chú để chạm ngưỡng tuổi dậy thì.
Theo Sašo Weldt - một thành viên trong nhóm nghiên cứu: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội được theo dõi quá trình phát triển của một sinh vật sinh sống trong môi trường quá bí ẩn như vậy".
Một trong những quả trứng được nuôi dưỡng
Lần đầu tiên loài vật này được biết tới là nhờ một trận lũ quét qua một số hang động của châu Âu. Khi mới phát hiện ra, ai cũng nghĩ đây là... rồng con, vì vẻ ngoài khá giống sinh vật trong truyền thuyết kia.
Để có được thành quả này, các chuyên gia đã đặt 64 quả trứng manh giông vào trong một bể nước, rồi chăm sóc trong môi trường hang động. Trong số này, chỉ 22 quả nở được, và tất cả đều vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Theo Weldt: "Đây là những chú rồng con duy nhất trên thế giới có thể quan sát được".
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: "Sau những tháng đầy lo âu và sợ hãi, những giai đoạn nguy hiểm nhất trong đời manh giông đã kết thúc. Những chú rồng con đã đạt 18 tuần tuổi, và gần như sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. Giờ đây, tất cả đã có thể chuyển sang chế độ ăn giun".
Manh giông có thể sống tới 100 tuổi, và chỉ đẻ trứng 1-2 lần trong vòng 10 năm. Tỉ lệ sinh sản thấp, cũng là một trong những nguyên nhân khiến loài vật này rơi vào danh sách các loài đang bị đe dọa.
Manh giông còn được gọi là "cá người"
Được biết, manh giông sống trong các hang động tại dãy Dinaric Alps. Tuy là lưỡng cư, nhưng chúng còn được gọi là "cá người" vì làn da màu hồng, cùng tập tính sống hoàn toàn dưới nước như cá.
Thoạt nhìn, những chú rồng con này trông cũng không khác gì khi trưởng thành, nhưng phải cần 2 đến 3 năm da của chúng trùm được lên mắt, và thêm năm rưỡi nữa để các sắc tố tối màu hoàn toàn tan biến, giúp chúng có làn da trông như người.
Giai đoạn... dậy thì của manh giông có thể thay đổi tuỳ thuộc vào nhiệt độ nước, nhưng thường kéo dài trong 15 năm đối với con cái, và 11 năm đối với con đực.
Kết thúc giai đoạn này, manh giông sẽ trưởng thành và bắt đầu sẵn sàng để gây giống. "Nhưng chúng sẽ trông y như vậy, kể cả khi đạt 100 tuổi" - Weldt chia sẻ.
Chúng sẽ trông y như vậy kể cả khi đạt 100 tuổi
Trông thì không đúng, nhưng sự sống của lũ chú rồng con này rất có ý nghĩa với người Slovenia. Nguyên do là vì chúng sống dưới các mạch nước ngầm, nghĩa là chúng chết đồng nghĩa với việc mạch nước đang bị ô nhiễm, và con người cũng không thể uống nổi.