Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại

Gia Bảo, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 06/03/2016
Chia sẻ

Tại một quần đảo thuộc Indonesia, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến sinh vật tưởng như chỉ có trong thần thoại: Rồng.

Tại quần đảo Sunda thuộc khu vực Trung-Nam của bán đảo Indonesia là nơi bạn sẽ bắt gặp một sinh vật nghe qua tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết: rồng.

Rồng ở đây chính là loại thằn lằn lớn nhất trên thế giới: rồng Komodo (Varanus komodoensis). Loài rồng này tuy không bay được khắp mọi nơi hay phun lửa như trong phim ảnh, tiểu thuyết nhưng nếu không được bảo vệ chúng cũng sẽ chỉ là huyền thoại.

Rồng Komodo - loài thằn lằn oai vệ đến đáng sợ

Một triệu năm trước, rồng Komodo đã xuất hiện và lang thang khắp nước Úc, sau đó di cư về phía Tây quần đảo Indonesia. Nhưng phải mãi cho đến đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học mới tiếp cận được loài rồng này.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 1.

Tuy không khè ra lửa hay bay được trên trời, loài động vật này không hề kém kinh sợ và nguy hiểm so với "anh chị em" của chúng trong truyện cổ tích. 

Dù có thân hình có phần đồ sộ - dài 3m và nặng 70kg, rồng Komodo vẫn có thể di chuyển với vận tốc lên tới 29km/h để bắt mồi.

Theo giáo sư Bryan Fry từ ĐH Queensland (Úc), rồng Komodo giống như một cỗ máy chiến đấu hạng nặng. Chúng nguy hiểm đến mức nếu con mồi không gục ngay khi bị cắn thì cũng chảy máu cho đến chết do chất chống đông kèm nọc độc có trong hàm răng sắc nhọn.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 2.

Vào năm 1912, một người lính Hà Lan tên Steyn van Hensbroek đã đến đảo Komodo, bắn hạ một con rồng và gửi da của nó đến cho nhà tự nhiên học Peter Ouwens - người đã tạo dựng công trình nghiên cứu đầu tiên về loài thằn lằn khổng lồ này.

Biệt hiệu "rồng Komodo" được đặt theo tên quyển nhật ký về chuyến đi mang tên "Những con thằn lằn rồng ở Komodo". Chuyến đi cũng đã trở thành niềm cảm hứng cho bộ phim King Kong nổi tiếng trên cả thế giới.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 3.

Loài rồng bị săn đuổi thực sự

Trước đây, rồng Komodo thường bị săn bắt để bán cho các vườn thú hay các nhà sưu tầm. Về sau, khi thú vui này đã ngưng, chúng lại bị giết để lấy da và chân. 

Do đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã liệt rồng vào hạng mục "Nguy cấp" (Vulnerable) trong Sách Đỏ, và mọi hoạt động buôn bán trao đổi loài này ở phạm vi quốc tế đều bị nghiêm cấm.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 4.

Đến năm 1980, Công viên quốc gia Komodo được thành lập, giữ cho số lượng của loài rồng này ở mức ổn định (khoảng 3.000 con). 

Tuy nhiên, vẫn chưa ai đảm bảo được việc chúng có tồn tại về lâu dài hay không khi số lượng các con cái đẻ trứng đang ở mức thấp nguy cấp, cùng với nhiều hiểm họa khác đang trực chờ.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 5.

Cần nhiều nỗ lực để bảo vệ chúng khỏi sự tuyệt chủng

Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, việc săn bắt quá mức hươu nai - nguồn thức ăn chính của rồng Komodo ở đảo Padar đã dẫn đến cái chết hàng loạt của loài rồng nơi đây. 

Ngày nay, trong ranh giới của công viên, việc săn bắt đã giảm đáng kể, tuy nhiên ở khu vực đảo Flores, rồng Komodo chỉ còn sống trong 80 km vuông bờ phía Bắc và Tây - phạm vi của bốn khu bảo tồn thiên nhiên. 

Ngoài việc bị thất thoát môi trường sống do người dân đốt rừng làm nương rẫy, rồng Komodo còn phải cạnh tranh lương thực với họ.

Claudio Ciofi - một nhà sinh vật học ở ĐH Florence đã tiến hành một dự án bảo tồn loài rồng Komodo vào giữa thập niên 90 của thế kỷ 20. 

Ông cho rằng, để công cuộc bảo tồn được lâu dài và hiệu quả, dự án phải được tiến hành bởi chính những người dân địa phương. Hiện nay, các tổ chức chính phủ cùng với các nhà khoa học của chương trình bảo tồn rồng Komodo (KSP) đang thực hiện trọng trách này.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 6.

Do chỉ cư ngụ trên một vài hòn đảo cùng sự đa dạng di truyền bị hạn chế, rồng Komodo còn rất nhạy cảm với thay đổi khí hậu. 

Mực nước biển dâng cao có thể càn quét các đồi thấp gần bờ - nơi sinh sống của hầu hết các con rồng. Cùng với đó, lượng mưa thường xuyên thay đổi đồng nghĩa với việc nhiều vùng rừng thưa không còn thích hợp cho rồng đẻ trứng. Thậm chí các con non có thể bị tấn công bởi chính những con rồng Komodo trưởng thành.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 7.

Tuy nhiên theo Ciofi, thay đổi khí hậu chưa chắc đã gây nguy hiểm cho rồng Komodo bằng các tác động từ con người, hay cụ thể hơn là ở sự bành trướng đất đai. Trong vòng 10 năm tới, chính phủ cần phải có biện pháp ổn định dân số ở các hòn đảo này.

Một tương lai hứa hẹn cho rồng Komodo

Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở Indonesia đang lắp đặt camera ở khắp phía bắc đảo Flores để quan sát và đánh giá môi trường sống cho loài rồng nơi đây.

Hòn đảo này là nơi loài rồng thực sự tồn tại - Ảnh 8.

Trong một chuyến đi đến khu vực này năm ngoái, họ đã tìm thấy một ổ trứng rồng ở đảo Ontole, ngoài khơi phía bắc đảo Flores và cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, mang lại đầy hy vọng: rồng Komodo ở đây đang tự sinh sản và nếu được bảo vệ một cách bài bản, số lượng của chúng sẽ dần ổn định.

Cùng với những nhà bảo tồn từ bộ lâm nghiệp và người dân địa phương, các nhà nghiên cứu đã ra sức bảo vệ những quả trứng này cho tới khi chúng nở. 

Cuối cùng, 16 chú rồng Komodo con đã được sinh ra, mỗi ngày bắt mồi và tắm nắng, tận hưởng cuộc sống như bao con thằn lằn khác.

Nguồn: BBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày