Ngoài các loại quả bày Tết quen thuộc, dưa hấu khắc hình Phúc Lộc Thọ, câu đối Tết đặc biệt là hình linh vật theo năm ngày càng được ưa chuộng. Đây đều là giống dưa An Tiêm, quả tròn, vỏ xanh được trồng ở đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại nhiều tuyến phố và các cửa hàng hoa quả, dưa hấu khắc đã được bày bán. Chị N.T.Quyên – chủ sạp dưa trên đường Nhật Tân – chia sẻ: “Giá một quả dưa khắc chữ, họa tiết hoa văn và hình có giá từ 200.000 – 700.000 đồng/ quả, dao động theo độ phức tạp của hình khắc và trọng lượng của dưa. Trung bình mất khoảng 30 phút để hoàn thành một mẫu khắc dưa với mẫu chữ bình thường, còn những mẫu khó hơn thì mất gần 1 giờ để khắc xong”. Những ngày giáp Tết, chị Quyên có thể bán được trung bình từ 40 – 60 quả/ngày.
Chị Quyên cho hay, đây là năm thứ 2 chị bán dưa hấu khắc, do thấy mặt hàng này bán khá chạy. Bình thường, chị sẽ thuê 2 nhân công khắc dưa, chủ yếu là các bạn sinh viên có chút khéo tay. Cửa hàng nhận khắc hình theo đơn đặt hàng. Sát Tết, đơn đặt hàng nhiều, cửa hàng chị phải thuê thêm 4 thợ làm liên tục. Mỗi thợ cũng nhận được từ 900.000 – 1,5 triệu đồng/ngày công làm việc. Mức lương tuy hấp dẫn nhưng không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu công việc, hơn nữa lại là dịp giáp Tết nên cửa hàng chị Quyên luôn trong tình trạng thiếu nhân lực.
Nhật Linh (sinh viên trường Mỹ thuật công nghiệp) cho biết, sinh viên được nghỉ Tết sớm trước 1 tháng, nhưng bạn lựa chọn ở lại Hà Nội làm thêm để kiếm tiền về biếu cha mẹ. Biết chút ít về thư pháp và hội hoạ, lại thêm sự khéo tay, tỉ mỉ, đây chính là những “ưu điểm” để Nhật Linh có thể nhận một việc “nhẹ nhàng với thù lao hấp dẫn” là khắc dưa hấu. Chỉ vài ngày làm việc, cậu bạn đã có thể tự tin “mang tiền về cho mẹ”.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên đán là gia đình chị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) lại phải chạy đôn chạy đáo đi nhờ người quen xông đất để lấy may cả năm. Vì là gia đình làm ăn buôn bán nên chị rất cẩn thận trong việc chọn người xông đất. Ngoài việc hợp tuổi thì giờ giấc xông nhà cũng phải chính xác như lời thầy bói, như thế năm mới làm ăn mới thuận lợi, suôn sẻ. Nhưng ngày Tết ai cũng bận bịu, tìm được người hợp tuổi xông đất, mở hàng trong những ngày này thực sự là một thử thách.
Có cầu thì ắt có cung, nghề xông đất, mở hàng chuyên nghiệp ra đời. Nhiều bạn trẻ đã “tự ứng cử” trên các trang mạng xã hội, chứng thực tuổi tác bằng giấy tờ hợp lệ và nhận được nhiều lời mời. Có thâm niên trong “nghề mở hàng, xông đất” được 3 năm, Nam Lâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Đông khách quá thì mình cũng phải xếp lịch hoặc giới thiệu bạn bè cùng tham gia. Với thanh niên như mình thì vừa kết hợp đi chơi giao thừa, vừa ‘kiếm thêm’, rất là hợp lý. Với những khách nhà gần thì mình nhận lì xì 1.000.000/nhà, còn khách ở xa hơn thì tuỳ theo khu vực. Nhiều khi mình cũng tính giá theo quy mô kinh doanh của chủ nhà, chủ nhà ‘sang xịn’ thì thù lao tất nhiên cũng phải nhỉn hơn chút”.
Bằng “nghề” này, mỗi dịp Tết, Nam Lâm có thể thu nhập tới vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, để trở thành một người mở hàng, xông đất “có uy tín”, Nam Lâm cũng phải đầu tư ăn mặc chỉn chu và đặc biệt là có mặt đúng với giờ đã hẹn. Đây được coi là một công việc thời vụ “hên xui”, bởi năm nào “không được tuổi” thì Lâm cũng “thất nghiệp”.
Được nghỉ Tết sớm, Mỹ Anh (Tây Hồ, Hà Nội) rủ thêm bạn bè cùng mở cửa hàng rửa xe. Tận dụng vỉa hè rộng phía trước nhà, kéo thêm máy bơm và vòi rửa xe của bố, cô bạn vừa vào lớp 12 này đã có thể trở thành một “bà chủ” ăn nên làm ra. Dù có 3 nhân lực cùng làm hết công suất, quên cả ăn trưa, nhưng lượng xe cần rửa vẫn không ngừng tăng lên. “Nhiều lúc tiếc lắm nhưng vẫn phải từ chối khách vì biết là không làm kịp”.
Những ngày cận Tết, “tiệm rửa xe” thời vụ của Mỹ Anh mở cửa từ 7h sáng tới quá 12h đêm mà vẫn không lúc nào vãn khách. Nếu như ngày thường, giá rửa xe máy chỉ dao động khoảng 20.000 – 30.000 đồng/xe, thì ngày Tết có thể lên tới 50.000 đồng/xe mà khách vẫn vui vẻ “móc hầu bao”. Do vậy, chỉ trong nửa tháng cận Tết, Mỹ Anh và các bạn của mình có thể thu nhập tới cả triệu đồng mỗi ngày. “Đây là một khoản tiền khá lớn với học sinh chúng mình. Mình có thể mua sách vở, quần áo hoặc tiêu xài vào các thú vui cá nhân. Vì là đồng tiền tự tay kiếm được nên chúng mình rất vui”.
Ngoài những "nghề" kể trên, còn có rất nhiều công việc thời vụ với thù lao hậu hĩnh khác trong dịp giáp Tết, có thể kể tới như: trông thú cưng, cắm hoa, bày mâm ngũ quả hay dọn nhà... Đây đều là những công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng mà chỉ cần sự nhạy bén học hỏi cùng tính tỉ mỉ, cẩn thận, rất hợp với các bạn sinh viên muốn kiếm thêm trước khi về quê nghỉ Tết.