Trong khi tức giận, có những câu nói sẽ giúp cha mẹ đỡ stress nhưng con lại bị tác động nặng nề, khiến chúng trở nên rụt rè, yếu đuối.
Một nữ phụ huynh chia sẻ trên một diễn đàn rằng, chị vô cùng thất vọng bởi bản thân đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào con trai. Thế nhưng, đứa trẻ 8 tuổi làm gì cũng sợ hãi: “Bất cứ việc gì được yêu cầu thử thách, đứa nhỏ cũng ngay lập tức rút lui. Con không dám, con sẽ thua thôi, con sẽ thất bại mất... Những câu cửa miệng của con đôi khi khiến tôi phát điên. Có phải tôi đã làm sai điều gì không? Tại sao con của những người khác lại mạnh mẽ và tự tin như vậy?”.
Chắc hẳn, ai ở vị trí người mẹ này, sẽ rất thất vọng khi trong gia đình có một đứa trẻ luôn nghĩ tiêu cực về mọi thứ.
Theo các chuyên gia, mỗi đứa trẻ đều có khí chất tự nhiên của riêng mình. Hầu hết, những trẻ có vẻ ngoài nhát gan này bẩm sinh rất nhạy cảm và thận trọng, có lòng tự trọng cao, lại là người cầu toàn. Do đó, khi gặp vấn đề, chúng sẽ sợ thất bại và làm không tốt, nên thường trốn tránh.
Trẻ sẽ không bao giờ cố gắng cho đến khi cảm thấy mình chắc chắn thành công. Vì vậy, lời nói của cha mẹ dành cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi, trong suốt quãng đường từ nhỏ đến khi trưởng thành, với những đứa trẻ, lời nói của phụ huynh có thể khiến trẻ tổn thương, nhưng ngược lại, cũng có thể khích lệ trẻ sống hạnh phúc, tự tin.
Cách dạy con của cha mẹ chiếm đến 80% sự thành công của con trẻ trong tương lai. Nên nhớ, cha mẹ là người sát cánh bên con lâu nhất và con cũng chính là người cha mẹ yêu thương và tin tưởng nhất.
Nhiều người nghĩ rằng, “lời nói gió bay”, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi, chính người lớn cũng mãi không quên được một câu nói tổn thương dù vô tình hay cố ý. Vết thương thể xác sẽ có ngày lành da, song, vết thương từ tinh thần đôi khi đeo bám mãi.
Ngay cả một câu nói phổ biến cũng có thể vô tình chạm vào lòng tự trọng của một đứa trẻ và khiến chúng cảm thấy bất an. Bởi vậy, chỉ cần thử thay đổi cách nói với con, cha mẹ sẽ nhận ra được sự chuyển biến rõ rệt và tích cực từ những đứa trẻ trong gia đình mình.
Theo thống kê, trong số các đối tượng phạm tội, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại về tinh thần và thể chất cao hơn nhiều so với người bình thường.
Một thống kê do FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) cung cấp về 36 tội phạm nguy hiểm cho thấy, 74% trong số họ bị lạm dụng tâm lý khi còn nhỏ, 42% bị lạm dụng thể chất, và 43% bị lạm dụng tình dục.
Hiện nay, vấn đề “xâm hại tâm lý” vẫn chưa được nhiều người chú ý đến. Đây không phải là tổn thương trực tiếp về thể chất mà là tổn hại đến sức khỏe tinh thần của trẻ thông qua bạo lực bằng lời nói hoặc bạo lực nguội (không nói, phớt lờ...).
Trong cộng đồng tâm lý học tội phạm, các chuyên gia cho rằng, trải nghiệm tuổi thơ là một yếu tố quan trọng trong hành vi phạm tội. Đối với con, lời nói của cha mẹ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Theo các nhà tâm lý học, khi trạng thái cảm xúc thoải mái, chúng ta cũng có thể đối mặt với các vấn đề của con một cách bình tĩnh hơn. Do đó, sự ổn định về tình cảm là điều rất quan trọng đối với các cha mẹ.
Tất cả các phụ huynh đều cần tự rèn luyện khả năng kiên nhẫn và điều chỉnh cảm xúc của bản thân để tránh gây ra những lời nói tổn thương con trẻ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành nêu quan điểm, nhiều người thường nói rằng, trẻ em ngày nay yếu đuối, không như thời các cụ ngày xưa, “nắng không ưa, mưa không chịu”. Cha mẹ mắng mỏ một chút là con dễ tiêu cực. Trong cuộc sống, con không tự lập, chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ.
Song, theo chuyên gia này, nguyên nhân là vì cha mẹ hay nuông chiều con, khiến trẻ mất đi khả năng tự lập. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý tránh một số câu nói để con không ỷ lại, hoặc cảm thấy thất bại, tự ti.
Trong đó, “Con để đấy mẹ làm cho” là một câu mà nhiều phụ huynh thường nói với con.
Theo chuyên gia này, nhiều cha mẹ vì quá thương con, sợ trẻ cực khổ nên làm hết mọi việc, chẳng để bé động vào dù một móng tay. Nhiều phụ huynh thì lo sợ con mình chưa khéo léo nên sẽ làm hỏng việc, gia đình lại mất công dọn dẹp nên thường cố gắng làm tất cả mọi việc cho trẻ.
“Vậy đến khi nào con mới có thể tự làm một việc gì đó khi mà cái gì cũng đã có mẹ làm cho? Đến khi lớn lên, ra ngoài đời, trẻ sẽ không biết làm gì, cũng không thể gọi mẹ giúp. Khi đó, trẻ sẽ rất dễ thất bại trong mọi việc”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, mỗi lần trẻ làm sai, không ít phụ huynh tỏ thái độ thất vọng bằng câu nói như: “Con làm mẹ thất vọng quá!”. Câu nói này càng khiến trẻ tự ti, mệt mỏi vì áp lực.
Nếu nghe quá nhiều lời nói này, trước khó khăn, trẻ sẽ không còn đủ dũng khí đối diện vì nghĩ mình yếu kém. Hoặc, trẻ sẽ không dám thử thách vì sợ nếu làm không tốt, bé sẽ lại khiến mẹ thất vọng. Câu nói như vậy của phụ huynh vô tình “bóp nghẹt” sự tự tin của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Đối với nhiều phụ huynh, “con nhà người ta” không bao giờ làm cha mẹ thất vọng. “Con nhà người ta” là tấm gương, cái cớ để khích bác con nhà mình. Thậm chí, một số cha mẹ chỉ trích con mình ngốc và so sánh với “con nhà người ta”.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, nếu suốt ngày mắng con ngốc thì sẽ bị phản tác dụng. Bởi, thực tế, khi trẻ có những khuyết điểm, gặp thất bại và không có bạn bè, cha mẹ cần động viên để con đối mặt và vượt qua. Việc cha mẹ thường mắng con ngốc, la rầy vì lỗi sai sẽ khiến chúng rơi vào những cảm xúc tiêu cực.
Trong khi đó, nếu được khích lệ kịp thời, trẻ sẽ trở nên vui vẻ, có sự phát triển đúng hướng, tự tin vào khả năng cũng như hình thành tư duy tích cực. Từ đó, giúp trẻ mạnh mẽ, có trách nhiệm trước mỗi quyết định mà chúng đưa ra.
Cô Nguyễn Thị Lanh gợi ý, trước khi trẻ bước vào một năm học mới, kỳ thi quan trọng hay tham gia sự kiện nào đó, cha mẹ nên thể hiện bằng câu nói: “Cha mẹ luôn tin con”. Đây sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần quan trọng, giúp trẻ hiểu rằng, những người thân yêu nhất trong gia đình luôn tin tưởng, hỗ trợ phía sau.
Việc nói lời động viên thường xuyên sẽ tạo động lực cho các con cố gắng phấn đấu hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, cha mẹ cũng nên tỏ rõ sự tin tưởng vào khả năng của con hơn, thay vì khiến trẻ nhụt chí với các câu nói như: “Con không làm được đâu”, “Việc này khó lắm”…
Những câu nói như “Đừng từ bỏ, con có thể làm được” hay “Mọi việc đều có thể được giải quyết và hoàn thành khi con cố gắng”… sẽ là lời khích lệ giúp trẻ phát huy hết khả năng của mình. Đặc biệt, điều đó trở nên ý nghĩa hơn khi trẻ vừa trải qua một thất bại, chán nản với kết quả trong học tập không được như mong đợi.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh dẫn chứng, có không ít cuộc khảo sát cho thấy, khi trở thành những người bạn của con, cha mẹ sẽ có sự gắn kết thân thiết, cũng như hiểu được suy nghĩ của trẻ.
Câu nói “Cha mẹ sẽ là người bạn đồng hành…”, “Con có thể thoải mái chia sẻ với cha mẹ như người bạn…” sẽ khiến chúng không e dè, ngại ngùng khi bày tỏ tâm tư, đồng thời xua tan cảm giác cô độc hay khép mình trước người thân. Từ đó, trẻ cũng sẽ biết học cách chia sẻ, bày tỏ quan điểm riêng để mọi người có thể hiểu về bản thân hơn.
“Điểm chung của những đứa trẻ thất bại toàn tập đều bắt nguồn từ gia đình có cha mẹ luôn thốt ra cửa miệng những lời làm tổn thương hoặc quá chiều chuộng con. Những đứa trẻ yếu đuối, thiếu sự tự lập, tự tin rất khó ra đời đương đầu khó khăn”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.