Tử tế, một khái niệm rất rộng về mặt ngữ nghĩa. Đến khi đặt vào một con người trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ dễ dàng hình dung hơn.
Giữ cánh cửa để người phía sau đi vào, nói chuyện nhỏ tiếng ở nơi công cộng, cho người bên cạnh tờ khăn giấy khi thấy họ làm đổ ly nước… Chỉ nhiêu đây thôi cũng đủ làm nên sự tinh tế, lịch sự của một người.
Vậy bạn đã từng gặp người nào hành xử tử tế đến mức khiến bản thân luôn nhớ mãi chưa? 2 câu chuyện dưới đây chắc chắn khiến bạn ấm lòng bởi những hành động đầy ấm áp và văn minh.
1. Chia sẻ của bà mẹ @Fairy M
Một lần nọ, tôi cùng con gái đi tàu điện về nhà. Con bé chỉ mới 3 tuổi nên hơi tinh nghịch. Nó chơi đùa trên ghế vô tình động trúng một bạn nữ ngồi bên cạnh, làm rơi ly nước đang cầm trên tay, vấy lên giày bạn ấy và tràn ra cả sàn tàu.
Vì cảm thấy có lỗi nên tôi liên tục nói xin lỗi với bạn nữ ấy. May mắn thay, cô gái chỉ cười cười rồi xua tay nói không sao.
Tôi lục lọi trong túi lấy khăn giấy đưa qua, bạn nữ vô cùng lịch sự, cúi người vươn tay nhận và cười cảm ơn tôi. Thật ra, lúc sự cố mới xảy ra, cậu bạn trai ngồi bên cạnh đã giúp bạn gái lau sạch vết nước dưới giày, lau luôn phần nước bị tràn dưới sàn.
Con gái đã biết mình đã gây ra chuyện nên cứ nép vào người tôi. Tôi bảo con bé xin lỗi với chị gái ngồi bên, nhưng có lẽ vì sợ quá nên mếu máo muốn khóc.
Bạn nữ quay qua hỏi tôi: "Bé nhà chị có thể ăn kẹo được không ạ?". Tôi có hơi bất ngờ nhưng không quên gật đầu.
Sau đó, bạn nữ lấy trong túi ra một cây kẹo mút, dịu dàng nói với con gái: "Em có muốn ăn kẹo không? Nếu em xin lỗi chị thì chị sẽ cho em cây kẹo này".
Ban đầu, con bé hơi do dự, nhưng cuối cùng cũng chịu nói xin lỗi. Bạn nữ nghe vậy thì cười tươi, xoa đầu bé và nói: "Em ngoan quá!".
Lịch sự nhận khăn giấy và nói cảm ơn. Thấy con bé nhà tôi lo sợ vì đã phạm lỗi nên lấy kẹo ngọt dỗ dành. Tinh tế hỏi trước sự đồng ý của phụ huynh rồi mới cho trẻ nhỏ ăn kẹo. Khéo léo dạy dỗ trẻ em, cho chúng biết rằng bản thân đã làm sai thì cần phải xin lỗi. Cuối cùng kết thúc bằng nụ cười để giúp trẻ em cảm thấy thoải mái sau khi nhận lỗi. Bạn nữ này thật sự rất tinh tế và duyên dáng!
Cậu bạn trai cũng rất đáng ngưỡng mộ. Thay vì bắt lỗi người khác, cậu đã tự động lấy khăn giấy lau vết nước trên giày bạn gái và dọn dẹp dưới sàn rồi bỏ vào thùng rác. Cả quá trình hành động trong im lặng. Đây là sự tinh tế lặng thầm và biểu hiện của EQ cao.
2. Chia sẻ của nữ sinh đại học @Thiếu nữ độc thân có lý trí
Người lạ tinh tế khiến tôi nhớ mãi không quên là chú giao nước cho phòng ký túc xá.
Mỗi lần đến giao nước, chú ấy luôn gõ cửa trước và không quên hỏi: "Chú vô được không?". Bất kể cửa đang mở hay khép hờ, chú luôn đứng qua bên cạnh cửa và hỏi chúng tôi trước.
Sau khi đổi nước xong, chú nhanh chóng thu dọn rồi ra đứng ngoài cửa, đợi chúng tôi lấy tiền thanh toán.
Mỗi lần đi thang máy, vô tình gặp chú đang khiêng bình nước, tôi luôn nhường cho chú ra vào cửa trước. Nhưng lúc nào chú cũng đợi tôi đi ra hoặc vào rồi mới đến lượt mình.
Người đàn ông giao nước ấy khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng, như cha như chú của mình vậy!
Có thể chú không được học cao hiểu rộng, nhưng chú vẫn biết đầy đủ phép tắc lịch sự. Chú hiểu sự bất tiện giữa nam và nữ nên hành sự vô cùng cẩn trọng và tinh tế khi vào phòng chúng tôi. Chú tôn trọng khoảng cách và không gian đôi bên, hạn chế trường hợp ngượng ngùng xảy ra.
Một người có văn hóa không cần học thức cao, chỉ cần trong tim họ biết thế nào là sự tôn trọng và lễ nghĩa. Họ đương nhiên xứng đáng nhận lại những điều tốt đẹp nhất trên đời này.
Nguồn: Zhihu