Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Theo cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng không có gì mới, song nhiều người vẫn mắc bẫy bởi chính sự chủ quan, thiếu ý thức cảnh giác, ít cập nhật thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh các cơ quan, cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng số lượng nạn nhân bị sập bãy vẫn tiếp tục gia tăng. Ảnh: K.N
Mới nhất, ngày 24/8 vừa qua, anh Nguyễn Văn T, ở quận Long Biên, Hà Nội bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 170 triệu đồng. Khi đó, anh T nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là CSGT, thông báo chiếc xe anh lái đã “dính” lỗi khi đi trên đường và bị hệ thống camera “phạt nguội”. Để không bị “treo” bằng lái, đối tượng yêu cầu anh T phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác xử lý, điều tra.
Khi anh T còn đang phân vân, đối tượng đe dọa nếu không chuyển tiền nhanh thì tài khoản ngân hàng của anh T sẽ bị phong tỏa, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những lời dọa dẫm liên tiếp của đối tượng khiến anh T hoảng hốt, nhanh chóng làm theo hướng dẫn, đăng nhập vào phần mềm đối tượng gửi rồi chuyển khoản. Khi số tiền 170 triệu đồng vừa được chuyển đi ít giây, lúc này trấn tĩnh lại, anh T mới biết mình bị lừa, vội vàng đến cơ quan Công an để trình báo thì đã muộn.
“Đắng chát” hơn anh T là bà Nguyễn Thị Q, ở quận Hà Đông, Hà Nội. Số tiền 2 tỷ đồng bà dành dụm, tiết kiệm được bỗng chốc bị đối tượng lừa đảo “thổi” mất. Cụ thể, ngày 18/8, Công an phường Nguyễn Trãi tiếp nhận đơn trình báo của bà Q tường trình một đối tượng tự xưng là Công an gọi điện thông báo bà liên quan đến một vụ án rất lớn. Không chỉ có một tên, những đối tượng ngồi cạnh đó liên tục chuyển máy gọi điện dọa dẫm bà Q nếu như không chuyển tiền vào tài khoản chúng đã gửi để “phục vụ điều tra” thì toàn bộ số tiền bà Q dành dụm được sẽ bị tịch thu. Những đối tượng này tung hứng, dọa dẫm bà Q khiến cho bà chẳng còn tỉnh táo, liền làm theo hướng dẫn của chúng. Sau khi chuyển số tiền 2 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng cung cấp, bà Q mới biết bản thân bị lừa, liền đến cơ quan Công an để trình báo.
Cũng thủ đoạn gọi điện thoại song đối tượng không giả danh cơ quan Công an hoặc cán bộ tư pháp như Tòa án, VKSND nhưng vẫn chiếm đoạt được số tiền 300 triệu đồng của bị hại. Ngày 23/8, chị Nguyễn Thị Y có lên mạng xã hội để tìm việc làm thêm dưới hình thức bán thời gian. Sau nhiều lần vào các trang web tìm kiếm việc làm, chị nhận được lời mời làm cộng tác viên thanh toán những hóa đơn hàng hóa và tùy theo số lượng hóa đơn sẽ được nhận tiền hoa hồng.
Ban đầu, để tạo niềm tin cho chị Y, đối tượng đưa ra những yêu cầu và nhiệm vụ thanh toán các hóa đơn nhỏ, khá dễ dàng. Tiền hoa hồng được chuyển khoản đều đặn vào tài khoản của chị Y sau khi chị hoàn thành xong “nhiệm vụ”. Càng làm càng ham, thấy “cá” đã cắn câu, trong lần giao hàng cuối với số tiền phải thanh toán lên tới 300 triệu đồng, kèm theo việc trích lại tiền hoa hồng khá hậu hĩnh, đối tượng đã đưa chị Y vào bẫy. Người phụ nữ trên đã chuyển 300 triệu đồng để thanh toán tiền hàng, song không rút được tiền ra và cũng không liên lạc được với đối tượng giao nhiệm vụ. Đến lúc này, chị Y mới biết bị lừa.
Theo Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, Phòng CSHS và Công an các quận, huyện đã tăng cường tuyên truyền phổ biến những phương thức thủ đoạn gây án của tội phạm sử dụng công nghệ cao như gọi điện thoại lừa đảo , thuê làm “cộng tác viên” online, sàn dịch thương mại điện tử…, song vẫn không ít người bị mắc lừa, mất tiền.
Đối với những vụ án đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để gọi điện dọa dẫm người dân liên quan đến những vụ án, chúng thường nhắm vào phụ nữ, người lớn tuổi. Thông thường, ít khi đối tượng gây án một mình mà chúng sẽ có từ 2 đối tượng trở lên để phối hợp chơi trò “tung hứng” vẽ ra câu chuyện người dân liên quan đến vụ án mà chúng bịa ra.
“Sau khi hù dọa thành công, chúng buộc họ phải nhanh chóng chuyển tiền hoặc làm theo hướng dẫn cung cấp mật khẩu, OTP… rồi chiếm đoạt”, Trung tá Lý Hoài Nam chia sẻ.
Cơ quan chức năng làm việc với một đối tượng mạo danh Công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: CAHN
Nâng chế tài, tăng ý thức
Một lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Trên thực tế những thủ đoạn lừa đảo mạo danh CSGT để thông báo “phạt nguội” rồi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân đã từng xảy ra khá nhiều. Hiện nay, các đối tượng bằng cách nào đó đã có được số điện thoại của chủ xe và giả danh CSGT để thông báo “phạt nguội”. Nhiều chủ xe ôtô có thói quen để số điện thoại ở kính lái, hoặc vào những gara sửa chữa ôtô… để lại thông tin, số điện thoại. Nhiều đối tượng đi ngoài đường chỉ cần nhìn thấy số điện thoại trên kính lái là có thể gọi điện “dọa” lái xe. Nếu gặp trường hợp lái xe không nắm được thông tin về các thủ đoạn của đối tượng sẽ rất dễ bị chúng lừa đảo. “Chủ xe cần tăng cường bảo mật thông tin cá nhân cũng như nâng cao ý thức cảnh giác trước những cuộc gọi với nội dung liên quan đến tiền bạc” – vị này khuyến cáo.
Đại diện Phòng CSGT CA TP Hà Nội cũng khẳng định không liên lạc với người vi phạm bằng điện thoại và gửi những đường link hay yêu cầu chủ xe phải chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Với những phương tiện nằm trong diện bị “phạt nguội”, CSGT đều gửi thông báo về tận nơi cư trú của chủ phương tiện kèm theo hình ảnh xác thực, mời lên trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để chủ xe thực hiện quy định nộp phạt hoặc nộp phạt qua dịch vụ công trực tuyến. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng của bản thân cho các đối tượng, bởi chỉ cần lơ là chúng sẽ chiếm đoạt tài sản và chặn liên lạc, rất khó khăn để cơ quan Công an để điều tra, xử lý.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, trước hết cơ quan công an và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như in banner, tờ rơi, bên cạnh việc tuyên truyền miệng qua Tổ dân phố, khu dân cư. Đồng thời, từng người dân cũng phải nâng cao kiến thức pháp luật và tinh thần cảnh giác với hành vi lừa đảo trên mạng. Người dân khi gặp tình huống nghi ngờ tội phạm lừa đảo thì nhanh chóng trình báo cho công an địa phương tiếp nhận, xử lý.
Theo luật sư Nguyễn Đức Biên, việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo qua không gian mạng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chế tài cần tăng nặng hình phạt hơn, trong đó cần tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động loại tội phạm này để đông đảo người dân được chứng kiến, từ đó tự nâng cao ý thức phòng ngừa. “Tuyên truyền không gì hiệu quả bằng trực tiếp, người xem được chứng kiến bằng hình ảnh, âm thanh, người thật, việc thật, thiệt hại bao nhiêu, chiêu thức lừa đảo thế nào hết sức cụ thể, dễ học, dễ rút kinh nghiệm” - Luật sư Biên chia sẻ.