Nhóm người cố tình vi phạm để quay lén, tống tiền CSGT chiếm đoạt hơn 700 triệu như thế nào?

Hoàng An, Theo Kinh doanh và phát triển 08:37 20/12/2020

Để thực hiện cưỡng đoạt tiền, nhóm Hải đã phân công nhau chủ động vi phạm để lén ghi hình, lên kế hoạch gửi ảnh, clip rồi thỏa thuận tiền, tìm vị trí nhận tiền trên cao tốc.

Nhóm người cố tình vi phạm để quay lén, tống tiền CSGT chiếm đoạt hơn 700 triệu như thế nào? - Ảnh 1.

Nhóm bị can hầu tòa.

TAND Hà Nội vừa đưa Vũ Thanh Hải (31 tuổi), Nguyễn Văn Cương (23 tuổi), Phạm Kim Long (28 tuổi) đều quê Nam Định cùng 7 bị can khác ra xét xử hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nạn nhân trong vụ án là hàng chục cán bộ đang công tác tại lực lượng CSGT ở Hà Nội, Hải được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu.

Chủ động vi phạm để quay lén video gửi lại các đội CSGT

Theo bản án, sau khi quen biết nhau thông qua trang "Luật giao thông và an toàn giao thông" trên mạng xã hội Facebook do Đào Vũ Hùng (34 tuổi, quê Hải Dương) làm quản trị. Nhóm Hải biết Hùng là người thường xuyên đi khiếu nại các vi phạm của CSGT hoặc nhận video có hình ảnh lực lượng này được cho là có vi phạm để đe dọa, chiếm đoạt tài sản của cảnh sát. Hải và đồng bọn sau đó thống nhất lập nhóm để cùng Hùng gây án.

Hồ sơ truy tố xác định, Hải và 9 bị can lên kế hoạch điều khiển xe máy đi trên các tuyến đường. Khi thấy CSGT đang làm nhiệm vụ, họ cố tình vi phạm luật để bị lực lượng chức năng dừng xe xử lý. Quá trình làm việc, các bị can dùng điện thoại hoặc thiết bị quay lén, bí mật ghi hình rồi sao lưu clip ra USB.

Tiếp đến, nhóm của Hải gửi USB qua bưu điện, kèm số điện thoại. Khi CSGT liên lạc lại, các bị can yêu cầu đưa tiền thì mới xóa video, không phát tán lên mạng xã hội.

Cáo trạng xác định, tháng 4/2019, Hải cùng Cương và đồng bọn bắt đầu thực hiện việc quay clip liên quan đến những vi phạm của lực lượng CSGT ở Hà Nội. Họ sử dụng phần mềm quay video trên điện thoại nhưng màn hình không sáng để tránh bị phát hiện.

Họ phân công nhiệm vụ cho từng người các công việc như đi mua sim rác, gửi bưu phẩm, kỹ thuật viên xử lý video.

Sau khi quay được clip và sao lưu vào USB, Hải in thêm các bài báo nói về tình trạng tiêu cực của CSGT, rồi cho vào phong bì, dán kín để gửi qua đường bưu điện đến trụ sở các đội CSGT.

Nếu CSGT xem được video và liên lạc lạc, nhóm của Hải sẽ thống nhất vị trí cột mốc km, không có camera giám sát, gần đường gom hoặc cầu chui dân sinh để thuận tiện cho việc di chuyển bằng xe máy dọc tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Cưỡng đoạt trót lọt 8 vụ, chiếm đoạt hơn 700 triệu

Cũng theo hồ sơ truy tố, phi vụ tống tiền đầu tiên diễn ra hồi tháng 5/2019. Thời điểm đó, Hải đưa cho Cương USB chứa clip cán bộ Đội CSGT ở Hà Nội nhận tiền của người vi phạm. Ngày 18/5, Cương mang bưu phẩm gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện đến trụ sở đội này.

Ngoài USB, Cương gửi thêm "Thư cung cấp tài liệu về việc xử lý vi phạm hành chính trái luật", ghi tên giả lên phong bì kèm số điện thoại.

Hai ngày sau, Đội CSGT nhận được bưu phẩm, thấy trong video có hình ảnh liên quan đến 3 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nên người đại diện đã gọi vào số máy của Cương.

Sáng sớm 23/5, nhóm của Hải đi trên ô tô 4 chỗ để khảo sát vị trí nhận tiền. Thấy khu vực Km188 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thuận lợi, các bị can yêu cầu CSGT mang 150 triệu đồng đến nơi này. Sau khi nhận được tiền, Hải và đồng bọn chia nhau rồi vứt bỏ sim rác.

Vụ thứ hai diễn ra hôm 21/5, Hải đưa USB có hình ảnh CSGT nhận tiền để Cương gửi đến trụ sở một Đội CSGT khác ở Hà Nội.

Sau khi nhận được bưu phẩm, lực lượng chức năng thấy có hình ảnh liên quan cán bộ, chiến sĩ của đội nên gọi vào số máy do Cương sử dụng và nhận được yêu cầu đưa 200 triệu, song vẫn thỏa thuận ở mức giá 150 triệu đồng. Địa điểm giao nhận tiền vẫn dọc cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Hồ sơ truy tố xác định, từ tháng 5-6/2019, nhóm của Hải thực hiện trót lọt 8 vụ cưỡng đoạt. Tổng số tiền CSGT phải đưa cho chúng là hơn 720 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định các đoạn video, hình ảnh CSGT đang xử lý vi phạm. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận không phát hiện dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung clip.

Cơ quan chức năng cũng làm rõ 33 cán bộ, chiến sĩ CSGT có mặt trong các video. Tuy nhiên, những người này đều xác nhận họ không nhận tiền của người vi phạm. Hình ảnh họ xuất hiện trong các clip là khi lập biên bản nộp phạt tại chỗ. Do video không có thời gian cụ thể, không có hình người vi phạm nên không có căn cứ xác định 33 CSGT nhận hối lộ.

Theo bản án sơ thẩm hôm 18/12, TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt Vũ Thanh Hải (SN 1989) án 10 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Cùng tội danh có Nguyễn Văn Cương (23 tuổi) và Phạm Kim Long (28 tuổi, cùng ở Nam Định) lĩnh mức án 8 năm tù.

Bảy bị cáo còn lại gồm: Phạm Văn Thịnh (SN 1992), Vũ Thanh Hà (SN 1992), Đào Vũ Hùng (SN 1986), Mai Khoa Phong (SN 1986), Nguyễn Trí Dũng (SN 1992), Lý Tuấn Anh (SN 1990), Nguyễn Mạnh Quý (SN 1969) lần lượt nhận từ 15 tháng tù treo đến 4 năm tù giam.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày