Bạn có tin rằng nhóm máu cũng ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ không? Trên thực tế, có khá nhiều chuyên gia và tổ chức uy tín từng thực hiện các nghiên cứu với quy mô lớn về vấn đề này.
Ví dụ, người sáng lập ra bài kiểm tra IQ hiện đại – ông Alfred Binet – từng tiến hành khảo sát chỉ số IQ và nhóm máu trên trẻ em ở nhiều quốc gia. Kết quả cho thấy sự khác biệt về IQ chủ yếu thể hiện ở các năng lực như ghi nhớ, sáng tạo, phán đoán và tưởng tượng, đồng thời ông cũng tìm thấy mối liên hệ giữa IQ và nhóm máu.
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, giáo sư tâm lý học Son Yong Woo và nhà nghiên cứu Yoo Sung Ik của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) năm 2008 cũng đã nghiên cứu mối quan hệ giữa nhóm máu và tính cách, và có bài viết tổng hợp mang tên "Tổng quan về nghiên cứu phân loại nhóm máu".
Bài viết này chỉ ra rằng: Người nhóm máu O thường hướng ngoại, người nhóm máu A có xu hướng hướng nội và tư duy logic mạnh, nhóm máu B thì cảm tính hơn, còn nhóm AB thì đặc điểm không quá nổi bật. Từ đó có thể thấy, mối liên hệ giữa nhóm máu, IQ và tính cách luôn là chủ đề khiến nhiều người quan tâm, bàn luận.
Nếu các chuyên gia đều cho rằng IQ có liên quan đến nhóm máu, vậy hẳn sẽ có bảng xếp hạng. Nào, chúng ta cùng xem thử IQ trung bình của từng nhóm máu được đánh giá ra sao nhé:
Hạng 4: Nhóm máu B
Ai tìm hiểu về khoa học não bộ đều biết: Não người có hai bán cầu – bán cầu trái phụ trách tư duy logic (lý trí), bán cầu phải thiên về tư duy cảm xúc (cảm tính).
Người nhóm máu B thường cảm tính hơn, điều đó nghĩa là bán cầu não phải của họ phát triển mạnh. Khi suy nghĩ, họ dễ bị cảm xúc và trực giác dẫn dắt. Do đó, họ có năng khiếu tự nhiên trong các lĩnh vực như nghệ thuật sáng tạo, biểu đạt cảm xúc, lên ý tưởng sáng tạo.
Chính vì vậy, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là người nhóm máu B, chẳng hạn như đạo diễn Lý An (Trung Quốc), nhạc sĩ Hisaishi Joe (Nhật Bản), hay thiên tài piano Chopin đều thuộc nhóm máu này.
Hạng 3: Nhóm máu A
Trẻ nhóm máu A có khả năng logic mạnh nhưng thường hướng nội. Điều này khiến các bé thuộc nhóm này tư duy chặt chẽ, cẩn trọng và có năng lực phân tích bản chất vấn đề trong sự tĩnh lặng. Vì vậy, nhóm máu A có lợi thế tự nhiên trong các lĩnh vực như nghiên cứu toán học, lập trình, thiết kế công nghiệp.
Người ta nói, nước Đức – nổi danh với sự "chuẩn mực" trong công nghiệp – có đến 43% dân số thuộc nhóm máu A.
Hạng 2: Nhóm máu O
Nhóm máu O là nhóm máu cổ xưa nhất, xuất hiện đầu tiên tại châu Phi. Theo nguyên tắc chọn lọc tự nhiên, người mang nhóm máu này đã vượt qua môi trường khắc nghiệt để lan rộng sang châu Á và châu Âu.
Vì vậy, về mặt di truyền, người nhóm máu O thường có thể lực và sức đề kháng tốt hơn các nhóm máu khác.
Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy, người nhóm máu O có ưu thế về trí nhớ và khả năng học tập. Chẳng hạn, nghiên cứu tại Đại học Cambridge cho thấy, trẻ nhóm máu O có mật độ hồi hải mã (hippocampus) trong não cao hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc trẻ nhóm máu O có trí nhớ tốt, chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) cũng cao, từ đó dẫn đến IQ trung bình nhỉnh hơn các nhóm máu khác.
Hạng 1: Nhóm máu AB
So với ba nhóm máu trên, nhóm máu AB hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 9% dân số. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của nhóm máu AB là sự kết hợp giữa hai nhóm máu A và B: vừa có tư duy logic mạnh mẽ của bán cầu não trái, vừa có tư duy cảm xúc, sáng tạo nổi trội của bán cầu phải.
Vì vậy, trẻ nhóm máu AB khi đối mặt với những vấn đề phức tạp có thể vừa phân tích lý trí, vừa bật ra những ý tưởng sáng tạo. Do đó, xét trên diện rộng, nhóm máu AB có chỉ số IQ tổng hợp cao hơn ba nhóm còn lại.
Dù một số học giả tin IQ có liên quan đến nhóm máu, nhưng giới khoa học chính thống lại không công nhận quan điểm này. Họ nhất trí cho rằng IQ của trẻ chịu ảnh hưởng chủ yếu từ gen di truyền và môi trường sống.
Trong đó, yếu tố di truyền là cố định, nhưng môi trường thì hoàn toàn có thể cải thiện. Cụ thể, cha mẹ có thể tác động qua 3 cách sau:
Thứ nhất: Nói chuyện với con thật nhiều
Khi trẻ mới chào đời, não bộ mỗi giây có thể sản sinh 700-1000 kết nối thần kinh mới, và quá trình này kéo dài đến khi bé 3 tuổi, giúp não đạt 85% mức phát triển của người trưởng thành.
Các nghiên cứu thần kinh học chỉ ra: việc cha mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ sẽ kích thích liên kết giữa các nơ-ron, thúc đẩy sự hình thành các khớp thần kinh (synapse), giúp tăng tốc độ truyền tín hiệu và nâng cao khả năng nhận thức.
Khái niệm nổi tiếng "khoảng cách 30 triệu từ vựng" cũng đã chứng minh điều này. Vì vậy, bố mẹ muốn con thông minh thì nhất định phải nói chuyện thật nhiều với con, nhất là trong 3 năm đầu đời. Hãy để trẻ lớn lên trong môi trường giàu ngôn ngữ, kích thích tối đa sự phát triển não bộ.
Thứ hai: Cho con vận động thường xuyên
Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận lợi ích của vận động đối với sự phát triển trí tuệ.
Chẳng hạn, nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ) cho thấy: tập luyện đều đặn giúp tạo ra tế bào não mới và cải thiện trí nhớ dài hạn.
Ngoài ra, khoa học não bộ cũng phát hiện: vận động thúc đẩy sản sinh BDNF (yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não), một chất được mệnh danh là "phân bón hảo hạng" cho não bộ, cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của nơ-ron và khớp thần kinh.
Do đó, nếu muốn con thông minh, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ vận động đủ mỗi ngày, dù là em bé tập đi hay trẻ trong độ tuổi đến trường.
Thứ ba: Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
Năm 1991, Đại học Bristol (Anh) khảo sát hơn 10.000 trẻ em và phát hiện: những bé ăn uống thiếu lành mạnh lúc 3 tuổi, khi lên 8 tuổi rưỡi có chỉ số IQ thấp hơn đáng kể, thậm chí dù sau này cải thiện chế độ ăn vẫn không bù lại được khoảng cách đó.
Cũng giống như cây non cần ánh nắng và mưa để lớn, não trẻ cũng cần những dưỡng chất thiết yếu để phát triển. Protein, chất béo (đặc biệt là Omega-3), các loại vitamin, khoáng chất chính là "nguyên liệu" để xây dựng tế bào não. Sắt giúp vận chuyển oxy và chuyển hóa năng lượng cho não, kẽm thì hỗ trợ sự phát triển của nơ-ron thần kinh.
Vì vậy, muốn con có IQ cao, bố mẹ cần đảm bảo bữa ăn của con cân bằng, đầy đủ các dưỡng chất này, để "bón phân" cho sự phát triển của bộ não.