Nhóm chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó COVID-19 cấp bách tại cấp xã, phường, thị trấn

Lê Liên, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 16:40 17/10/2021

Trước tình hình chùm ca bệnh Bỉm Sơn, Thanh Hóa đang diễn biến phức tạp, nhóm chuyên gia nghiên cứu chống COVID-19 đã đề xuất một số giải pháp phù hợp đối với các cấp xã, phường,... để đối phó với dịch bệnh.

Tính đến cuối ngày 16/10, chùm ca bệnh Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) ghi nhận 49 ca mắc COVID-19. Đây là ổ dịch rất nguy hiểm và phức tạp do liên quan đến nhiều nhóm đối tượng, nhiều cụm dân cư, nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhiều địa phương, do đó cần kịp thời bao vây, dập dịch.

Trao đổi với PV, nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu (Gồm: BS Nguyễn Tiến Đồng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội; Hoàng Thủy Tiên, Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng; PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy, Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản) nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước còn diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương cần có những phản ứng kịp thời, nhanh chóng và chính xác, không bị động trước tình hình cấp bách diễn biến của dịch.

Nhóm đã có một số góp ý và tư vấn về việc hướng dẫn tạm thời xử lý khi phát hiện có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, khu dân cư.

Đối với chính quyền, ngành y tế:

Khi gặp tình huống có ca bệnh COVID-19 (F0) xuất hiện tại cộng đồng thì phải tiến hành điều tra dịch tễ, xác định người tiếp xúc với ca bệnh nhanh, qua khai thác thông tin lịch trình làm việc của ca bệnh; lập danh sách người tiếp xúc qua lịch trình di chuyển và các biện pháp điều tra dịch tễ khác.

Sau khi hoàn thành điều tra, thông tin F0 phải được gửi ngay cho phòng Y tế và trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố để thông báo cho các nơi liên quan tiến hành khoanh vùng, truy vết. Các Trung tâm Y tế sau khi tiếp nhận thông tin cần khẩn trương khoanh vùng tiếp xúc của F0 để tiến hành phong tỏa trong vòng 1 giờ. Nhanh chóng khởi động tổ quản lý, tổ y tế đã được giao và tập huấn trước đó, làm cầu nối với bên ngoài và hỗ trợ dân cư bên trong khu phong tỏa, đảm bảo trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ chống lây nhiễm.

Ngoài ra, để tránh bỏ sót các trường hợp tiếp xúc tại khu phong tỏa, Trung tâm Y tế cần tiếp tục điều tra F0 để bổ sung những thông tin còn thiếu; thực hiện xét nghiệm định kỳ tại khu phong tỏa để xác định lại mức độ nguy cơ tiếp xúc với F0 và thực hiện xử lý theo quy định. Thông qua đó xét duyệt giải tỏa sớm từng phần tiến đến giải tỏa toàn bộ khu phong tỏa ngay khi có đủ thông tin.

Nhóm chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó COVID-19 cấp bách tại cấp xã, phường, thị trấn - Ảnh 1.

Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhanh rất quan trọng

Đối với cách ly y tế và giãn cách phong tỏa tại khu vực có ca bệnh

Việc đầu tiên cần làm là đưa F0 đến nơi cách ly tạm thời ngay tại địa phương, liên hệ để chuyển F0 đến bệnh viện điều trị. Trong trường hợp địa phương cho phép quản lý và điều trị F0 tại nhà thì cần thực hiện theo hướng dẫn về Trạm Y tế lưu động của bộ y tế.

Áp dụng ngay các chốt kiểm soát ra vào tạm thời đảm bảo giãn cách và đi lại trong khu vực có các ca F0 và F1 cho đến khi hoàn thành điều tra và xét nghiệm.

Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh và điều tra thông tin dịch tễ, phong tỏa, khử khuẩn nếu tiếp tục phát hiện F0.

Đối với F1 có kết quả âm với xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp) hoặc test nhanh và được đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, nếu đáp ứng đủ điều kiện cách ly theo quy định, vẫn cần phải tiếp tục theo dõi y tế, theo dõi và xét nghiệm lại vì thực tế nhiều trường hợp lấy mẫu lần thứ 3, 4 mới cho kết quả dương tính.

Tùy vào vị trí địa dư, yếu tố dịch tễ và nguy cơ lây truyền, các Trung tâm Y tế có thể triển khai tầm soát diện rộng bên ngoài khu phong tỏa bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp).

Các biện pháp giảm lây chéo

Để làm giảm nguy cơ lây nhiễm tại các nhà máy, tòa nhà, nơi làm việc, công sở, nơi xét nghiệm, nhóm chuyên gia khuyến nghị thực hiện các biện pháp sau:

- Tăng cường lưu thông không khí ngoài trời càng nhiều càng tốt bằng cách mở cửa sổ và cửa ra vào và sử dụng quạt (khi ở một mình) tại phòng làm việc, phòng họp. Không sử dụng điều hòa.

- Không tập trung quá 10 người trong 1 phòng làm việc.

- Đảm bảo giãn cách, 5K.

- Luôn mang khẩu trang trong quá trình làm việc, hội họp.

- Tăng cường công tác vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.

- Thực hiện khai báo y tế theo quy định, lập sẵn danh sách tất cả nhân viên, người lao động để thuận lợi trong truy vết phòng chống dịch.

- Bố trí xen kẽ các ca làm việc, thời gian bắt đầu và thời gian nghỉ để giảm số lượng nhân viên trong các khu vực chung. Đẩy mạnh họp trực tuyến, hạn chế các cuộc họp không cần thiết.

- Để hạn chế lây nhiễm tại khu phong tỏa có nguy cơ cao, cần đảm bảo cách ly nhà với nhà, người dân hạn chế ra khỏi nhà; đảm bảo an toàn phòng dịch khi thực hiện nhận thực phẩm, vật dụng thiết yếu và xử lý đặt rác thải đảm bảo bọc kín và có đánh dấu để được thu gom theo thời gian quy định, đặc biệt với những gia đình có F0 tự cách ly và theo dõi tại nhà cần xử lý rác theo quy định đảm bảo chống nhiễm khuẩn, lây chéo.

- Khi tổ chức các nhiệm vụ có sự tập trung nhân dân như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine cần đảm bảo giãn cách, an toàn, có lực lượng an ninh và tình nguyện viên hỗ trợ. Lập danh sách và phân khu vực lấy mẫu xét nghiệm theo khung giờ để tránh tập trung đông người. Tăng cường sử dụng các công cụ kết nối như tin nhắn, đặt lịch hẹn theo kế hoạch để chủ động và kiểm soát số người tham gia lấy mẫu hoặc tiêm vaccine.

Xây pháo đài chống dịch tại từng tổ dân phố

Các điểm và đơn vị kinh doanh, dân cư như tổ dân phố cần phải được xây dựng thành pháo đài chống dịch. Mỗi tổ dân phố, điểm và đơn vị cần có tổ trưởng quản lý nhóm đơn vị đó. Phường xã cần quản lý và giúp các pháo đài này chống dịch một cách có hiệu quả và giúp đỡ dân sinh.

Lập các kênh kết nối (Zalo, Hotline, Facebook…) với nhân dân trong khu vực phong tỏa, trong xã với từng cấp chính quyền: Tổ y tế tự quản trong khu phong tỏa, tổ dân phố hay trưởng thôn, xóm, với xã và với trạm y tế xã, đảm bảo mọi người dân đều nắm được và nhận được hỗ trợ bất cứ khi nào.

Đảm bảo việc tiếp cận các nhu yếu phẩm thiết yếu một cách sẵn có, tiện lợi. Thông tin được cung cấp đầy đủ đến người dân trên địa bàn.

Nhóm chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó COVID-19 cấp bách tại cấp xã, phường, thị trấn - Ảnh 2.

Xây dựng pháo đài chống dịch rất quan trọng (Ảnh minh họa)

Chuẩn bị nguồn lực và con người

Để không bị động, cần có kịch bản cho việc phát hiện ca bệnh F0 tại 1 xóm, 1 tổ dân phố, 1 thôn, hay toàn xã, phường. Kịch bản cần chuẩn bị kỹ chức năng, nhiệm vụ, vị trí từng người tham gia để không bị động trước các công việc: Phụ trách điểm phong tỏa, phụ trách an ninh, phụ trách khai báo và điều tra dịch tễ, phụ trách hậu cần, phụ trách lấy xét nghiệm…

- Lập danh sách các tổ tự quản cộng đồng theo từng xóm, thôn, tổ dân phố… với sự kết hợp của các hội, tổ chức trên địa bàn như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân… Đặc biệt những người tham gia cần được đào tạo, tập huấn. Đảm bảo những thành viên luôn nắm được chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Chuẩn bị các khu tạm thời cách ly y tế với F1 tại các địa điểm công cộng của địa phương. Với địa phương cho phép tự cách ly, theo dõi tại nhà, các trường hợp F0, F1 cần được theo dõi, quản lý, hỗ trợ hàng ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế địa phương.

- Bố trí, xây dựng cơ sở vật chất khu phong tỏa đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu. (xem phần Cách ly)

- Kiểm soát lây chéo trong khu phong tỏa đảm bảo an toàn, giãn cách giữa các trường hợp F1 với các địa phương chưa áp dụng cho phép F0, F1 tự cách ly tại nhà. (xem phần Cách ly)

- Ký cam kết đảm bảo phòng chống dịch.

- Xử lí các cán bộ, người dân vi phạm việc phòng chống dịch.

- Chuẩn bị sẵn nguồn lực về vật tư y tế, con người và kinh phí cho phòng chống dịch.

- Lực lượng của phường cần có nhiều nhóm. Các trường y - dược trong toàn quốc cần mở các lớp tập huấn và tổ chức các trạm lưu động.

Hỗ trợ y tế bên ngoài

Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, việc hỗ trợ y tế và chi viện từ Trung tâm y tế, các cơ sở y tế tư nhân và các tình nguyện viên trên địa bàn là cần thiết.

- Lên danh sách và đào tạo các cơ sở y tế, nhân lực y tế tư nhân có thể hỗ trợ địa phương để sẵn sàng chi viện, hỗ trợ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Tập huấn cho những tình nguyện viên, người tham gia chống dịch.

- Lên kịch bản cho giới hạn chịu đựng của y tế địa phương (Năng lực có thể đáp ứng để truy vết, quản lý lấy mẫu xét nghiệm) để có kế hoạch phù hợp khi số lượng F0 vượt quá khả năng của xã, phường.

- Đặc biệt, quản lý danh sách người dân trên địa bàn cần tiêm chủng vaccine COVID-19, những người đã được tiêm vaccine đủ 2 mũi, những người mắc COVID-19 đã khỏi trong vòng 6 tháng. Tiến hành tổ chức tiêm cho những đối tượng đặc biệt: người già yếu, người khuyết tật.

Nhóm chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó COVID-19 cấp bách tại cấp xã, phường, thị trấn - Ảnh 3.

Người dân nên tự chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Đối với người dân

Khi người dân hoang mang, lo lắng về dịch bệnh COVID-19, hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức cần có, tiếp nhận các thông tin có chọn lọc, chính thống. Không bao che, giấu bệnh vì nó có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho bạn, gia đình và cả cộng đồng.

- Thực hiện khai báo y tế, tự nhận biết và phát hiện triệu chứng của mắc bệnh COVID-19. Liên lạc ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm nếu có chỉ định.

- Luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch, 5K, tiêm vaccine.

- Biết cách nhận biết triệu chứng bệnh, tự theo dõi sức khỏe, các dấu hiệu nặng và tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.

- Có kế hoạch làm việc, học tập phù hợp với điều kiện giãn cách. Thời gian giãn cách hay phong tỏa phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh nên bạn hãy kết nối với chính quyền, cơ quan y tế để cập nhật tình hình mới nhất.

"Người dân cần được diễn tập với tình huống giả định giúp tránh bất ngờ, đảm bảo cả hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, nhuần nhuyễn, tránh bị động, bất ngờ. Các vị trí được giao đảm bảo nắm được công việc của mình được giao", nhóm nghiên cứu cho hay.

Tài liệu tham khảo

https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tin-tuc-moi-nhat/tphcm-huong-dan-dieu-tra-bao-vay-dap-dich-khi-phat-hien-truong-hop-duong-tinh-sarscov2-trong-cong-dong-26a625dd2b6fd139fc1e5355d1f4c4b6.html

https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/community/shared-congregate-house/guidance-shared-congregate-housing.html

https://hcdc.vn/hoidap/index/chitiet/dee71cd878870bb0a349666809fc62aa

https://hcdc.vn/hoidap/index/chitiet/dee71cd878870bb0a349666809fc62aa

https://vncdc.gov.vn/bo-y-te-ban-hanh-so-tay-huong-dan-trien-khai-nhiem-vu-cua-cac-tram-y-te-luu-dong-nd16516.html

Báo cáo số 122/BC-SYT của UBND tỉnh Bình Dương

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày