"Nhóm bảo vệ" chống bạo lực học đường ở Nhật Bản

Phạm Khánh, Theo Giáo dục và Thời đại 20:43 21/04/2023
Chia sẻ

Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy gia tăng bạo lực học đường tại Nhật Bản nhưng nước này đang nỗ lực kiểm soát tình trạng trên.

Khác biệt là lí do

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản và họ đang phải sống chung với nó. Tính từ năm 2021 đến tháng 3/2022, ước tính hơn 615.000 trường hợp bắt nạt được ghi nhận ở các trường Tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 8 lần so với năm 2011.

Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp, chiếm hơn 500.500 ca, xảy ra tại các trường tiểu học. Con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016.

Các chuyên gia nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhà xã hội học Nhật Bản Yoji Morita phân tích, bắt nạt trong trường học nước này có xu hướng quấy rối tâm lý nhiều hơn. Nó xảy ra giữa các bạn trong cùng lớp hoặc là bạn bè trong cùng một môi trường.

Văn hóa Nhật Bản đề cao tính nhất quán cũng khiến những học sinh nổi bật hoặc khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa có khả năng cao trở thành mục tiêu bị bắt nạt. Sự khác biệt có thể liên quan đến hành vi, tính cách...

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng môi trường học đường Nhật Bản cũng là rào cản ngăn chặn bạo lực. Giáo viên Nhật Bản có khối lượng công việc lớn, gồm cả chuyên môn lẫn hành chính. Quy mô lớp học lại đông nên thầy cô khó có thể phát hiện sớm những vấn đề bất thường.

Một phần nữa, học sinh Nhật Bản được giáo dục tự lập từ rất sớm. Điều này cũng khiến nhiều em ngần ngại thể hiện khó khăn của bản thân hay nhờ người lớn giúp đỡ...

Nhóm bảo vệ chống bạo lực học đường ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Giáo viên cần được đào tạo để nâng cao kỹ năng xử lý bạo lực học đường. Ảnh: INT.

Nhóm bảo vệ học sinh bị bắt nạt

Tại Nhật Bản, hiện chưa có giải pháp triệt để nhằm chấm dứt bạo lực học đường nhưng nhận thức về vấn đề này được là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Để kiểm soát bạo lực học đường, Nhật Bản đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương, địa phương, trường học, các tổ chức xã hội và cha mẹ học sinh...

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã công bố danh sách các hành vi liên quan đến bắt nạt; yêu cầu các trường thực hiện các bước cụ thể để ngăn chặn bắt nạt và cho phép phát hiện sớm hành vi này.

Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua Luật thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa bắt nạt vào năm 2013. Các trường phải thành lập nhóm hỗ trợ học sinh gồm giáo viên, nhân viên và chuyên gia tâm lý, an sinh cho trẻ em. Luật này quy trách nhiệm về bắt nạt cho chính quyền địa phương, trường học; yêu cầu địa phương điều tra thường xuyên về tình trạng bạo lực học đường (dưới dạng câu hỏi khảo sát cho học sinh)...

Dù tình trạng bạo lực học đường vẫn xuất hiện tại Nhật Bản, Luật thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa bắt nạt được đánh giá là một bước đi đúng hướng. Nó giúp đưa vấn đề bạo lực học đường ra ngoài ánh sáng; nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng tăng cường đào tạo kỹ năng xử lý bạo lực học đường cho giáo viên. Giáo viên được hướng dẫn dạy học sinh rằng bạo lực học đường là hành động "vô lương tâm", không thể xem thường coi nhẹ. Từ đó, thầy cô khuyến khích các em đứng lên bảo vệ bạn bè bị bắt nạt; không khơi nguồn hoặc tham gia vào các hành vi bắt nạt bạn bè; không tẩy chay, kết bè phái trong lớp học...

Nhà trường khuyến khích học sinh thành lập "nhóm bảo vệ" đứng về phía người bắt nạt

Cùng với đó, nhiều mô hình giáo dục mới đang xuất hiện tại Nhật Bản, dành cho những đứa trẻ "không muốn đến trường", trong đó có trẻ từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Tại những trường này, học sinh được học theo trình độ riêng, phù hợp với năng lực, sở thích... và phát triển các kỹ năng xã hội.

Năm 2017, Chính phủ Nhật Bản thông qua Luật đảm bảo cơ hội giáo dục, quy định chính quyền trung ương, địa phương hỗ trợ học sinh "không muốn đến trường" bằng cách tạo điều kiện cho các em học tập tại các trường thay thế, ngoài phạm vi trường công lập. Các trường này được chấp nhận như giáo dục phổ thông bắt buộc. Chính sách trên nhằm khuyến khích trẻ em đi học thay vì ở nhà, thu mình với thế giới bên ngoài.

Về phía chính quyền địa phương, họ đã tăng tuyển dụng cố vấn học đường cho các trường học trên địa bàn. Cố vấn học đường đóng vai trò tham vấn và tư vấn cho trẻ em, thanh thiếu niên; hỗ trợ giáo viên phát hiện sớm các hành vi bắt nạt để tìm cách giải quyết; hỗ trợ nạn nhân của bạo lực học đường trở lại sinh hoạt...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày