Nhìn Thái Lan, thấy buồn quá bóng đá Việt Nam ơi!

Tiêu Dao, Theo Trí Thức Trẻ 16:19 18/09/2017

Trong khi Thái Lan đặt mục tiêu rõ ràng dự World Cup, bóng đá Việt Nam cứ mãi loay hoay ở vòng xoáy đấu đá nội bộ, nghi vấn tiêu cực, để rồi chứng kiến người hâm mộ dần dần mất niềm tin.

1. Năm 2002, Việt Nam tạo ra "bom tấn" chấn động làng bóng đá Đông Nam Á. Kiatisak, danh thủ xuất sắc nhất bóng đá khu vực thời bấy giờ, đã sang Việt Nam đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai. Chỉ một mùa bóng, "Zico Thái" giúp đội bóng phố núi thăng hạng V.League và sau đó giành 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp (2003 và 2004). 

Kiatisak sang Việt Nam kéo theo hàng loạt danh thủ Thái Lan khác như Dusit, Sakda và sau này là tài năng thế hệ mới của Thái Lan - Thonglao. V.League những năm đầu của thiên niên kỷ mới như miền đất hứa của các tài năng trong khu vực. Lee Nguyễn, ngôi sao hiện chơi ở giải MLS và từng được triệu tập vào đội tuyển Mỹ cũng có những năm thi đấu tại V.League.

Nhìn Thái Lan, thấy buồn quá bóng đá Việt Nam ơi! - Ảnh 1.

Kiatisak thời còn chơi cho HAGL.

Thậm chí có lúc giới chuyên môn còn mạnh miệng tuyên bố V.League là giải đấu chuyên nghiệp nhất Đông Nam Á. Điều đó có lẽ cũng chẳng sai, khi một thập kỷ trước, chẳng có bao nhiêu khán giả Thái Lan đến sân cổ vũ các CLB trong nước. 

15 năm sau, thế sự xoay vần.

2. Cả Đông Nam Á giờ nhìn vào Thái Lan mà học hỏi. Thứ nhất, họ luôn giành thành tích cao ở các cấp độ đội tuyển. Thái Lan giành HC vàng SEA Games, vừa vô địch U18 Đông Nam Á và trước đó là chức vô địch AFF Cup. 

Người Thái giờ chỉ hướng đến World Cup chứ không chỉ tranh đoạt ở "vùng trũng" khu vực. Bằng chứng là 2 năm trước tại SEA Games Singapore, Thái Lan chỉ dùng đội hình phụ, tập trung những cầu thủ tốt nhất để đá vòng loại World Cup.

Nhìn Thái Lan, thấy buồn quá bóng đá Việt Nam ơi! - Ảnh 2.

Khán giả Thái Lan lấp kín các SVĐ.

Thứ hai, giải Ngoại hạng Thái Lan đã thay da đổi thịt chỉ trong vòng 10 năm. Bằng những chính sách điều hành hợp lý, tập trung nguồn lực, hướng đến sự chuyên nghiệp thực chất, giải Ngoại hạng Thái được người hâm mộ nước nhà quan tâm sát sao. Đã qua rồi cái thời cầu thủ tốt nhất của Thái Lan sang Việt Nam đá bóng. Chua xót hơn, Thonglao, người từng đá ở Việt Nam phải nói rằng: "Cầu thủ Việt Nam không đủ trình độ để chơi ở giải Premier League Thái".

Những người có dịp sang Thái Lan nhìn các sân vận động của các CLB, cách họ điều hành đội bóng và kết nối với người hâm mộ, mới thấy rõ ràng sự khác biệt với Việt Nam. Học hỏi theo mô hình của giải Ngoại hạng Anh, các trận đấu ở Thái Lan trở thành những bữa tiệc giải trí đúng nghĩa với người hâm mộ.

Nhìn Thái Lan, thấy buồn quá bóng đá Việt Nam ơi! - Ảnh 3.

Người hâm mộ Việt Nam ngày càng mất niềm tin vào bóng đá nước nhà.

Chỉ trong vòng 10 năm, người Thái đã bỏ rất xa Việt Nam, không chỉ là ở thành tích thi đấu mà còn là nền tảng và tư duy làm bóng đá. 

3. Nhìn sự phát triển của bóng đá Thái Lan, người hâm mộ Việt Nam chỉ lắc đầu ngán ngẩm. Tại sao lại như thế và chúng ta phải làm gì? Những câu hỏi ấy đã được gửi đến những nhà điều hành bóng đá Việt Nam, cụ thể là VFF. 

Nhìn Thái Lan, thấy buồn quá bóng đá Việt Nam ơi! - Ảnh 4.

Những đấu đá nội bộ càng khiến bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng.

Thậm chí ở thời điểm này, VFF đang hứng chịu những lời công kích nặng nề, từ mạng xã hội cho đến truyền thông. Nhiều người đã dựng ngọn cờ "chấn hưng bóng đá Việt" yêu cầu sự thay đổi ở đội ngũ lãnh đạo VFF.

Nhiều năm về trước, những làn sóng yêu cầu thay đổi nhân sự như thế đã nổ ra với những lời hứa về một tương lai tốt đẹp. Nhưng "bình mới thì rượu vẫn cũ". Người hâm mộ giờ đã tỉnh táo để không chỉ nghe những lời nói suông!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày