Ngày 7/5, TAND TP Hoà Bình mở phiên toà công khai xét xử sự cố y khoa làm 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hoà Bình. Do nhiều luật sư vắng mặt, phiên toà bị hoãn tới ngày 15/5 được mở lại.
Tới nay, phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương (SN 1986, đơn nguyên Thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hoà Bình ), Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ phòng Vật tư, BVĐK tỉnh Hoà Bình) và Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) đã trải qua 9 ngày làm việc.
Bị cáo Hoàng Công Lương trả lời Luật sư trong phiên xét xử ngày 17/5
Bị cáo Lương và Sơn bị truy tố vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Quốc bị truy tố tội Vô ý gây chết người. Sau 9 ngày xét xử, phiên toà đang dừng lại ở phần tranh luận.
Trong các phiên xét xử, với bị cáo Lương, nội dung liên quan đến việc phân công trách nhiệm cho bị cáo này liên tục được quan tâm làm rõ tại toà. Tại tất cả các phiên làm việc, bị cáo Hoàng Công Lương luôn cho rằng VKS truy tố bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng.
Bị cáo Lương cho rằng anh chỉ là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, không được giao nhiệm vụ quản lý Đơn nguyên Thận nhân tạo và chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị.
Đồng thời, bị cáo Lương cũng luôn khẳng định không biết việc phải xét nghiệm nước RO theo tiêu chuẩn AAMI sau khi sục rửa. Bị cáo Lương cũng cho rằng sáng 29/5/2017, không nhận được bất kỳ cảnh báo nào của bên sửa chữa cũng như lãnh đạo bệnh viện liên quan đến thiết bị máy móc chạy thận. Bị cáo cũng nói không hề biết sửa chữa hạng mục nào, sử dụng hóa chất ra sao.
Ngày thứ 4 phiên xét xử (18/5), LS Nguyễn Trung (đại diện cho gia đình các nạn nhân) cho biết đã có thêm một nạn nhân tử vong, nâng tổng số người chạy thận chết lên 9 người.
Ba bị cáo nghe đại diện VKS Hoà Bình giữ quyền công tố tại toà đọc bản luận tội sáng 23/5
Chiều ngày 21/5 (ngày làm việc thứ 5), ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Hoà Bình), người được xác định là người có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án đã xuất hiện lần đầu tại toà. Ông Công là thư ký của các cuộc họp cuối năm tại khoa này.
Tại đây ông Công bất ngờ thay đổi lời khai so với quá trình điều tra. Ông Công khai đã viết thêm vào biên bản cuộc họp cuối năm về phân công nhiệm vụ cho BS Lương theo chỉ đạo của lãnh đạo khoa.
Những phiên xử sau, nhiều nhân chứng là các điều dưỡng tại khoa cũng thay đổi lời khai, cho rằng BS Lương không được phân công phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo. Nhiều gia đình nạn nhân tử vong sau sự cố chạy thận đã bày tỏ ý nguyện xin toà xử BS Lương vô tội, đồng thời xử giảm nhẹ tội cho bị cáo Quốc và Sơn.
Dù có nhiều lời khai được cho là "có lợi", nhưng sau 6 ngày xét hỏi, sáng 23/5, VKS thành phố Hoà Bình đã đề nghị toà tuyên phạt Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5 -6 năm tù về tội Vô ý làm chết người; Trần Văn Sơn bị đề nghị án 4-5 năm tù giam.
Trước toà, bị cáo Lương vẫn cho rằng bản thân vô tội, không đồng ý với bản luận tội của VKS cũng như mức đề nghị án của VKS.
Từ chiều 23/5, phiên toà bước sang phần tranh luận. Một ngày sau, HĐXX thông tin chiều 23/5 LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Lương) nộp cho HĐXX video có nội dung về “hợp đồng sửa chữa thiết bị ngày 28/5/2017 giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn đã được thanh lý”. Thẩm phán chủ toạ phiên toà Nghiêm Hoài Anh quyết định cho quay lại phần xét hỏi, vào chiều 24/5.
Ông Trần Văn Thắng, sau 7 ngày vắng mặt, đã xuất hiện tại toà vào chiều 24/5.
Tại phiên làm việc này, ông Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng Vật tư thời điểm xảy ra vụ án) và 2 nhân chứng khác đã xuất hiện lần đầu tại toà, trả lời những câu hỏi của HĐXX và các luật sư.
Trước việc luật sư tung đoạn clip được cho là "sẽ làm thay đổi cơ bản bản chất vụ án", trong phiên toà sáng 25/5, đại diện VKS cho rằng nội dung không làm thay đổi hành vi của ba bị cáo nên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.
Một người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án là ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình - đã liên tục vắng mặt. Ông Dương uỷ quyền cho LS Quyền có mặt tại toà, nhưng vị này cũng chỉ duy nhất xuất hiện ngày 16/5, sau đó tiếp tục vắng.
Nhiều LS gay gắt đề nghị cần phải có sự có mặt của ông Dương. Có LS cho rằng phiên toà kéo dài, bế tắc là do không triệu tập được ông Dương. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng ông Dương được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên "không cần thiết phải đến toà".
Tại phiên xử ngày 25/5, LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Lương) khẳng định trong vụ án, Phòng Vật tư, Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn đã không làm hết trách nhiệm, thông thầu, chọn nhà thầu kém chất lượng… để bị cáo Bùi Mạnh Quốc mang hóa chất không đủ chất lượng vào bệnh viện, dẫn tới sự cố nghiêm trọng.
Ngoài ra, vị luật sư đề nghị tòa khởi tố vụ án hình sự về các hành vi lợi dụng chức vụ, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, làm giả giấy tờ tài liệu với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình, Trần Văn Thắng – nguyên Trưởng phòng Vật tư và ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn.
Đối với công ty Thiên Sơn, LS Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện uỷ quyền của công ty trả lời khẳng định trước toà là có “hỗ trợ bằng tình cảm”, còn “không có trách nhiệm bồi thường” với các gia đình nạn nhân, vì công ty không có lỗi xảy ra hành vi nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng khiến 9 người chết.
Trong những ngày xét xử, HĐXX cũng mời đại diện Bộ Y tế để làm rõ một số vấn đề liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế.