Tuy nhiên, nếu so với những năm trước thì giai đoạn hiện tại số trẻ bị lên cơn hen tăng cao hơn. “Chúng tôi chưa có đủ cơ sở để kết luận bệnh hen ở trẻ gia tăng có liên quan đến dịch COVID-19. Tuy nhiên, khai thác bệnh sử cho thấy, nhiều trẻ bị hen nặng phải nhập viện điều trị có tiền sử từng mắc COVID-19. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, sau nhiễm COVID-19 cơ thể của trẻ có nguy cơ bị rối loạn miễn dịch. Điều đó khiến một số trẻ đang điều trị hen nhưng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, một số trẻ bị hen đã được kiểm soát từ lâu nhưng bệnh tái phát trở lại hoặc một số trẻ bất ngờ rơi vào tình trạng hen”.
BS Trần Quỳnh Hương thăm khám cho trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Phạm Nguyễn
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong 3 tuần qua, trung bình mỗi ngày khoa Hô hấp 1 và Hô hấp 2 điều trị cho khoảng 250 đến 280 bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp. BS Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Gần tháng nay, trẻ mắc bệnh hô hấp ngày càng đông khiến khoa rơi vào tình trạng quá tải. Nhóm bệnh chiếm số đông là viêm phổi, hen, viêm tiểu phế quản. Bệnh nhân đang phải nằm ghép, khoa bệnh chúng tôi đã tăng 25% vượt quá số giường hiện có. Lượng bệnh nặng chuyển từ khoa khám, khoa hồi sức lên khá nhiều, chúng tôi đã phải lắp thêm thiết bị hỗ trợ thở ô xy qua mặt nạ để điều trị”.
“Khu vực phía Nam ít ghi nhận tác nhân gây bệnh hô hấp ở trẻ do virus Adeno. Tôi cho rằng, đây không phải là loại vi rút mới bởi nó đã được phát hiện và nghiên cứu hàng chục năm qua. Adeno chỉ xếp vào hàng thứ 4 hoặc thứ 5 trong số những nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp. Thống kê vừa được thực hiện của một bác sĩ để phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trên cơ sở tìm nguyên nhân gây bệnh do Adeno và vi rút hợp bào hô hấp (RSV) cho thấy, trong số 120 mẫu được lấy chỉ có 7 trường hợp dương tính với Adeno” - TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.
Giải thích cho nguyên nhân bệnh hô hấp tăng từ đầu tháng 9 đến nay, BS Quỳnh Hương cho rằng: “Sau kỳ nghỉ hè, khi các trường mở cửa đón học sinh bước vào năm học mới cũng là thời điểm bệnh hô hấp nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung ở trẻ gia tăng bởi sự lây nhiễm dễ dàng trong môi trường tập trung đông người. Bên cạnh đó, sự thay đổi thời tiết theo mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho siêu vi gây bệnh bùng phát. Khi nhiều trẻ mắc bệnh thì nhóm các bé có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ trở nặng”.
Dự báo, bệnh hô hấp tại khu vực phía Nam sẽ còn diễn biến phức tạp từ nay đến tháng 11. Để chủ động phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ ngoài giải pháp tiêm ngừa đầy đủ, TS.BS Anh Tuấn khuyến cáo phụ huynh cần tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, giữ nhà cửa thông thoáng, cho trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, không để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp, cho trẻ ăn uống đầy đủ, tăng cường thêm các thức ăn có nhiều vitamin C, cần giữ ấm cho trẻ nếu thời tiết chuyển lạnh.