Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân

Văn Tiên - Clip: Kingpro, Theo Trí thức trẻ 15:45 30/09/2022
Chia sẻ

Ngoài việc chen chúc nhau đợi khám ở các bệnh viện, số lượng trẻ nhập viện để điều trị các bệnh hô hấp cũng tăng đột biến gây ra tình trạng quá tải. Nhiều trẻ phải thở oxy vì suy hô hấp nặng khiến cha mẹ vô cùng lo lắng.

Bệnh viện đông nghẹt trẻ đến khám và điều trị bệnh hô hấp

Ghi nhận tại khu khám bệnh của BV Nhi đồng 2, TP.HCM những ngày cuối tháng 9, rất đông cha mẹ đưa con nhỏ vào viện để khám bệnh về đường hô hấp. Đa phần, các bé đều khò khè, sổ mũi, ho nhiều, sốt cao nhiều ngày không hết.

Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 1.

Khoa Hô hấp 2, BV Nhi đồng 2 phải kê thêm giường ngoài hành lang để điều trị cho bệnh nhi nhập viện

Tay ẵm bé trai 9 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Trúc Ly (ngụ Thủ Đức) cho biết sau khi sốt cao liên tục, bé M. có biểu hiện khò khè, thở dốc, vì lo lắng con trai diễn tiến nặng nên chị đã đưa con đến bệnh viện để thăm khám.

Theo số liệu từ BV Nhi đồng 2 cung cấp, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận số trẻ đến khám bệnh khoảng 6.000 - 7.000 em, trong đó một nửa bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp.

Cụ thể, từ ngày 15/9 - 28/9, đã có 42.329 trẻ mắc bệnh hô hấp đến bệnh viện khám ngoại trú, số ca nhập viện là 1.257 trường hợp. So với cùng thời gian trên vào tháng 8, số trẻ đến khám ngoại trú tăng hơn 15.000 trường hợp, số trẻ nhập viện cũng tăng 213 trẻ.

Số ca đến khám ngoại trú và nhập viện tại BV Nhi đồng 2 thời gian qua tăng đột biến

Tại khoa Hô hấp 1, 217 giường bệnh lúc nào cũng chật kín bệnh nhi (247 bệnh nhi theo số liệu ngày 28/9). Tương tự, dù chỉ có 45 giường bệnh nhưng khoa Hô hấp 2 cũng phải tiếp nhận đến 57 bệnh nhi khiến các khoa điều trị hô hấp của BV Nhi đồng 2 luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải.

Trao đổi với chúng tôi, BS.CK2 Trần Quỳnh Hương - Trưởng khoa Hô hấp 2, BV Nhi Đồng 2 cho biết khoảng 2-3 tuần nay, trẻ nhập viện vì các bệnh lý hô hấp tăng rất nhiều, các ca nặng theo đó cũng gia tăng, số giường cấp cứu thường xuyên đầy kín bệnh nhi, có lúc phải nằm ghép 2 trẻ một giường.

2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bác sĩ BV Nhi đồng 2 nêu rõ lý do

"Vì lý do khách quan của bệnh viện đang chuyển sang một địa điểm mới, do đó khoa Hô hấp 2 bây giờ xếp được 45 giường, trong đó có 14 giường cấp cứu. Thời điểm bệnh đông nhất lên tới 68 bệnh nhân, gấp rưỡi số giường trong khoa. Riêng phòng cấp cứu thì luôn luôn đầy bệnh nhi", BS. Hương thông tin.

Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 4.

BS.CK2 Trần Quỳnh Hương - Trưởng khoa Hô hấp 2, BV Nhi đồng 2 nêu lý do trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp tăng cao

Theo trưởng khoa Hô hấp 2, trẻ mắc bệnh về đường hô hấp ở những tháng trước đó cũng đã tăng nhẹ, đến thời điểm hiện tại khi bắt đầu năm học mới, tình trạng trẻ mắc bệnh ngày một nhiều hơn, điều lo sợ nhất là việc lây nhiễm chéo giữa trẻ em với nhau…, dự kiến sẽ còn kéo dài đến tháng 11, thậm chí đến tháng 12.

Cha mẹ không nên hoang mang, cần theo dõi kỹ trẻ có bệnh lý nền

Mặc dù số lượng trẻ mắc bệnh về đường hô hấp liên tục tăng cao, thậm chí có nhiều trẻ viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở máy…, nhưng theo BS.CK2 Trần Quỳnh Hương, các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang, lo sợ, điều cần làm là phải giữ bình tĩnh, theo dõi sát triệu chứng bệnh của trẻ để có những xử lý phù hợp. Đặc biệt là ở những trẻ có bệnh lý nền, yếu ớt như sinh non, suy dinh dưỡng…

Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 5.
Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 6.

Những trẻ có bệnh lý nền, suy dinh dưỡng, sinh non khi mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp thường diễn tiến nặng, phải thở máy

Đối với thông tin về trẻ mắc virus Adeno, Trưởng khoa Hô hấp 2, BV Nhi đồng 2 cho biết hiện ở BV không làm xét nghiệm để biết trẻ có mắc virus này hay không. Theo BS. Hương, ngoài những đặc điểm giống các loại virus về đường hô hấp khác, Adeno đặc biệt hơn khi có nhiều chủng, làm tổn thương nhiều cơ quan như gan, thận, não, gây ra nhiều di chứng lâu dài cho bệnh nhi.

"Ở TP.HCM mình không có xét nghiệm về virus này, tuy nhiên mình có thể theo dõi ở những trẻ mắc bệnh về đường hô hấp có bị viêm kết mạc, tiêu chảy hay không để mình chẩn đoán. Riêng việc điều trị trẻ mắc virus Adeno gây ra cũng giống như trẻ nhiễm siêu vi thông thường. Tâm lý của cha mẹ là sau khi trải qua đại dịch Covid-19, giờ đến virus Adeno nên mọi người lo lắng.

Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 7.

Nhiều trẻ em quấy khóc, sốt cao, khò khè khó thở khiến cha mẹ lo lắng

Hiện nay mình vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh do virus Adeno gây ra. Tuy nhiên, cũng giống như các virus cảm cúm khác, khi điều trị bệnh đa số không dùng thuốc đặc hiệu để giết siêu vi mà dùng thuốc kiềm hãm sự phát triển của virus.

Đối với những ca tử vong ở Hà Nội liên quan đến virus Adeno, đa phần là trẻ có bệnh lý nền. Dù là điều trị ở đâu, đối với những trẻ có bệnh nền rất dễ để diễn tiến nặng, có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ thông thường", BS.CK2 Trần Quỳnh Hương nói.

Trong 2 tuần có đến 43.000 trẻ mắc bệnh đường hô hấp đến khám, bác sĩ Nhi đồng chỉ ra nguyên nhân - Ảnh 8.

BS.CK2 Trần Quỳnh Hương cho rằng, điều lo ngại nhất hiện nay là lây nhiễm chéo. Để ngăn ngừa, các bác sĩ sử dụng màn bằng vải để ngăn cách các giường với nhau, nhất là những phòng có bệnh nhi nặng. Bệnh viện cũng kiểm soát người chăm sóc trẻ và liên tục sát khuẩn hàng lang, giường bệnh

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày