Một số quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương từng chậm hơn trong việc mua vaccine COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay, với vấn đề thuốc điều trị COVID-19, tình hình đã khác.
Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus sử dụng qua đường uống. Hồi đầu tháng 10, hãng Merck công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Delta và Mu. Hiện Merck đã nộp hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này. Và nhiều khả năng đây sẽ là loại thuốc viên kháng virus đầu tiên được cấp phép dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ.
Rút kinh nghiệm từ việc mua vaccine trước đây, ngay từ lúc này, nhiều nước châu Á đã nhanh tay đặt hàng. Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận hoặc đang đàm phán để mua thuốc Molnupiravir.
Ảnh: AP
Thái Lan đã thông qua kế hoạch mua 50.000 liệu trình. Malaysia cũng đã ký thỏa thuận mua loại thuốc này nhằm chuẩn bị cho giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận mua 20.000 liệu trình Molnupiravir.
Thuốc Molnupiravir có ý nghĩa bổ trợ đặc biệt cho vaccine bởi tại châu Á - Thái Bình Dương, hàng triệu người vẫn chưa được tiêm chủng vì không đủ tiêu chuẩn hoặc không thể tiếp cận được vaccine. Các chuyên gia nhận định, điều trị bằng Molnupiravir là phương pháp có khả năng cứu sống những người ở những khu vực độ phủ vaccine thấp và dễ bùng phát dịch.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19, họ có thể bắt đầu một đợt điều trị bằng Molnupiravir với khoảng 40 viên trong năm ngày. Dựa trên tính toán chi phí nguyên liệu thô, một liệu trình Molnupiravir có chi phí sản xuất khoảng 18 USD (tương đương 400.000 đồng).