Cán bộ Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thanh Hoá rà soát, triển khai các biện pháp để đấu tranh phòng ngừa hoạt động trái phép của HTĐCTM
Nhiều hình thức lôi kéo, dụ dỗ
Vài năm gần đây, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ (HTĐCTM) được biết đến như một tổ chức có dấu hiệu truyền bá một số tư tưởng mang màu sắc mê tín dị đoan.
Không ít gia đình có người thân tham gia tổ chức này đã tan nát hạnh phúc khi bỗng nhiên vợ hoặc chồng mình đập phá bát hương thờ cúng tổ tiên, hay chối bỏ bố mẹ, người thân.
HTĐCTM trở lại Thanh Hóa dưới nhiều hình thức, núp bóng bằng các buổi hội thảo ''làm giàu'', bán hàng online, kinh doanh các mặt hàng đồ gia dụng.
Những kẻ chủ chốt trong HTĐCTM thường lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm từ thiện, nhân đạo trá hình... để tuyên truyền, phát triển tổ chức.
Chị H. (TP Thanh Hóa) - một nhân viên thu cước điện thoại vẫn chưa hoàn hồn khi kể về câu chuyện chị bị lôi kéo tham gia HTĐCTM.
Chị H. cho biết, bắt đầu từ việc người bạn thân mời đi uống nước, thăm hỏi về cuộc sống gia đình, về công việc làm ăn. Dần dần chị được lôi kéo vào các lớp học, buổi hội thảo ''làm giàu'', ''thay đổi tư duy để thêm mạnh'', nhưng thực chất là lồng ghép để tuyên truyền về HTĐCTM.
Nhưng chỉ sau một ngày tiếp xúc, bên cạnh việc giảng giải về cách làm giàu, những người này liên tục đề cập đến HTĐCTM. Họ nói nếu nhận thức được sự sống sẽ được Đức Chúa trời ban phát nhiều điều may mắn, còn không tin theo sẽ bị phạt bằng những hình phạt rất nặng.
Bản thân chị H. nhận ra ngay thủ đoạn nên đã thoái thác không tham gia các hội thảo nữa. Sau đó chị H. bị các thành viên của HTĐCTM liên tục gọi điện, nhắn tin động viên, lôi kéo.
Anh Nguyễn Văn T. (SN 1998, ở phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) cũng là một nạn nhân của HTĐCTM cho biết, khi đang là sinh viên của phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở Thanh Hóa), anh được một người bạn rủ rê nên đã tham gia HTĐCTM.
Sau gần 2 năm theo HTĐCTM, anh bị gia đình ngăn cấm và dần nhận thức được những hậu quả. Tới tháng 2/2022, anh T. đã thoát ra được.
''Đối với người đi làm thì đóng góp 10% thu nhập hàng tháng, còn đối với sinh viên như em thì đóng 100 - 200 nghìn đồng. Các nhóm sẽ sinh hoạt ở nhiều địa điểm khác nhau, lúc thì ở chung cư, khi thì ở nhà trọ và thường xuyên là ngoài quán cà phê.
Những người tham gia HTĐCTM còn có nhiệm vụ phải giới thiệu để lôi kéo thêm người thân, bạn bè tham gia bằng cách giới thiệu trực tiếp, hoặc thông qua các hội nhóm kín trên Zalo, Facebook, Zoom'', anh T. kể.
Tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã ghi nhận tình trạng các đối tượng thuộc HTĐCTM tiếp cận với nạn nhân ở các quán cà phê, công viên cây xanh, hoặc núp bóng dưới hình thức tổ chức hội thảo hướng dẫn cách làm giàu, tuyên truyền mô hình kinh doanh đa cấp.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 500 người đang hoạt động trong tổ chức này với 16 điểm sinh hoạt, tập trung phần lớn ở TP Thanh Hóa.
Theo Công an Thanh Hóa, trong quá trình truyền đạo, HTĐCTM khuyên dạy tín đồ của mình cần trích 10% thu nhập để làm thiện nguyện giúp đời, để nhận được nhiều hồng phúc của Chúa Trời.
Tuy nói là không ép buộc thành viên phải nộp tiền, nhưng với những lời đe dọa như: ''Đức Chúa Trời nhìn thấy hết những gì của bạn'', ''Bạn có bao nhiêu tiền, bạn không giấu được vì Đức Chúa Trời biết rồi''... Điều này khiến các thành viên lo sợ và phải nộp đủ 10% thu nhập hàng tháng.
Không chỉ vậy, để duy trì hoạt động, các hội viên tham gia còn phải mua kinh sách, tài liệu, vật dụng để rao giảng, học tập… khiến gia đình của nhiều hội viên phải điêu đứng, kinh tế gia đình sa sút.
Nạn nhân của HTĐCTM
Tan cửa, nát nhà
Khoảng tháng 8/2021, được những kẻ trong HTĐCTM rủ rê, lôi kéo, chị N.T.H. (ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đã tin, tham gia sinh hoạt.
Sau khi phát hiện vợ theo HTĐCTM, chồng chị H. khuyên can nhưng không được. Người chồng đã phải gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cơ quan nơi vợ công tác để nhờ can thiệp, tác động.
Thế nhưng, không những chị H. không nghe mà ngày càng ''u mê'' hơn. Chị H. tiếp tục bỏ bê gia đình, con cái khiến cuộc sống gia đình đảo lộn, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Tháng 6/2022, chị H. và chồng đã ''đường ai nấy đi''. Chị H. theo HTĐCTM, còn chồng chị nuôi 2 đứa con nhỏ.
Tương tự, chị Lê Thị L. (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cho biết, khoảng tháng 11/2022, chồng chị được mời đến một quán cà phê uống nước để nghe giới thiệu về kinh doanh ô tô, bất động sản. Nhưng khi tiếp xúc họ đã chia sẻ về kinh thánh, về ngày tận thế, về khai mở nhãn thần, khai mở con mắt tâm linh. Họ nói nếu theo HTĐCTM thì được chúa trời ban phước, còn nếu không tin, không theo sẽ bị trừng phạt.
Từ khi tham gia, chồng chị L. đã dừng công việc đang làm, suốt ngày theo học giáo lý, giáo luật, khi về nhà cũng vào Zoom học mà không chịu làm ăn, ngó ngàng gì đến gia đình. Không những vậy, còn mang những điều học được để tuyên truyền, lôi kéo chị L. tham gia.
Khuyên can không được, gia đình chị L. đứng trước nguy cơ tan vỡ, liên tục xảy ra bất đồng, mâu thuẫn, kinh tế gia đình sa sút.
Thượng tá Phạm Thái Hùng, Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa, cho biết, thủ đoạn của những kẻ này là núp bóng dưới nhiều hình thức để tìm kiếm, kết nạp hội viên khiến nhiều người khó phát hiện ý đồ.
Trong quá trình rao giảng, những kẻ này sử dụng những thông tin thời sự, những rủi ro trong đời sống xã hội để lý giải bằng quan điểm thần học, lý thuyết triết học duy tâm để hướng tín đồ vào đấng sáng tạo (Đức Chúa Trời) để làm hội viên sợ hãi tin, theo.
Sau khi ứng viên đồng ý tham gia HTĐCTM sẽ phải viết đơn tự nguyện gia nhập tổ chức, được làm các lễ rửa tội (dội nước từ trên đầu xuống), lễ vượt qua (ăn bánh thánh và uống rượu thánh) và được cấp 1 ''mã sự sống'' riêng.
Bằng ''mã sự sống'' này, những kẻ cầm đầu, cốt cán sẽ quản lý hội viên chặt chẽ, quản lý việc đóng góp của hội viên, nếu thấy hội viên đóng góp sa sút, ít thì sẽ cử người để ''chăm sóc'', nhắc nhở…