Nhiệt độ Trái đất tăng 0,26 độ C từ năm 2014 đến năm 2023

Quỳnh Chi, Theo VTV 08:12 07/06/2024

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Earth System Science Data cho biết căn cứ vào mức trung bình trong 10 năm, nhiệt độ đã tăng 0,26℃ từ năm 2014 - 2023.

Tình trạng nóng lên toàn cầu đã tăng tốc ở mức "nhanh chưa từng có" - hơn 50 nhà khoa học hàng đầu cảnh báo trong một nghiên cứu được công bố hôm 5/6.

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2023, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng 1,19oC - cao hơn mức chuẩn thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900) được dùng để đo lường hiện tượng thế giới nóng lên. Nó đánh dấu sự gia tăng từ mức 1,14oC được báo cáo vào năm 2023 trong 10 năm tính tới năm 2022.

Nghiên cứu cho biết: "Sự nóng lên do con người gây ra đã gia tăng với tốc độ chưa từng có trong lịch sử".

Nghiên cứu này là một phần trong loạt đánh giá khí hậu định kỳ được thực hiện để lấp đầy khoảng trống giữa các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc được công bố trung bình 6 năm một lần kể từ năm 1988.

Báo cáo được công bố khi các nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau tại Đức trong tuần này để thảo luận về vấn đề khí hậu trước Hội nghị thượng đỉnh COP29 của Liên hợp quốc được tổ chức vào tháng 11 tại Baku, Azerbaijan.

Nhiệt độ Trái đất tăng 0,26 độ C từ năm 2014 đến năm 2023 - Ảnh 1.

Mực nước hồ chứa Montbel (Tây Nam nước Pháp) ở dưới mức thông thường do đợt hạn hán chưa từng có trong hơn 1 năm (Ảnh: AFP)

Theo Thỏa thuận chung Paris 2015, các quốc gia đồng thuận hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời phấn đấu đạt giới hạn an toàn hơn là 1,5oC.

Báo cáo hôm 5/6 cho thấy vào cuối năm 2023, hoạt động của con người đã đẩy nhiệt độ lên 1,31oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trái đất nóng thêm tổng cộng 1,43oC khi tính đến các yếu tố tự nhiên khác - bao gồm cả hiện tượng thời tiết El Nino.

Nghiên cứu cho thấy một yếu tố khác góp phần tạo ra sức nóng là sự suy giảm một số hạt gây ô nhiễm trong khí quyển khuếch tán một phần năng lượng của mặt trời trở lại không gian.

Việc thắt chặt các quy định vận chuyển, giao thông trên toàn cầu và giảm sử dụng than đá cũng góp phần làm giảm lượng khí thải sulfur dioxide - điều này cũng có tác dụng làm mát.

Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu là " lượng khí thải nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại" - nghiên cứu cho biết.

Theo báo cáo, lượng khí thải trung bình hàng năm trong giai đoạn 2013 - 2022 là 53 tỷ tấn carbon dioxide và lượng tương đương trong các loại khí khác - chủ yếu đến từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu và khí đốt. Năm 2022, lượng khí thải lên tới 55 tỷ tấn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày