"Nhảy múa với xác chết" - tập tục cổ hủ đang có nguy cơ giết chết hàng triệu người

VŨ UYÊN, Theo Trí thức trẻ 13:30 27/10/2017

Tập tục "nhảy múa với xác chết" đang đe dọa tới vấn đề sức khỏe cũng như tính mạng của hàng triệu người dân tại Madagascar.

Ít nhất 124 người dân tại đảo quốc Madagascar đã bị nạn dịch hạch cướp đi sinh mạng kể từ ngày 23/08 khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận. Ngoài ra, gần 1.200 người khác cũng phải nhập viện điều trị với các triệu chứng khá nghiêm trọng như hắt hơi, sổ mũi hoặc cảm cúm kéo dài.

Nhiều cơ quan và chính phủ trên toàn cầu, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới WHO đều tỏ ra quan ngại trước diễn biến khó lường của căn bệnh này. Họ cho rằng nếu không được kiểm soát kịp thời, nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của hàng triệu người dân bản xứ.

Nạn dịch hạch bùng phát

Bệnh dịch hạch được gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và chia thành ba thể chính: Thể hạch lympho, thể phổi cùng thể máu.

Trong đó, đợt bùng phát "cái chết đen" khiến gần 1/3 dân số châu Âu bị xóa sổ vào thời Trung cổ chỉ bao gồm chủ yếu là thể hạch lympho - dạng dịch hạch rất khó lây truyền do phải trải qua vật trung gian là các loại rận ký sinh.

Nhảy múa với xác chết - tập tục cổ hủ đang có nguy cơ giết chết hàng triệu người - Ảnh 1.

Người dân tại Madagascar thường đào mộ người thân quá cố và nhảy múa với họ trong suốt nhiều giờ liền.

Từ tháng chín năm trước tới tháng tư năm sau, những đợt bùng phát dịch hạch thể hạch lympho quy mô nhỏ đã thi nhau xuất hiện tại Madagascar và được chính quyền kiểm soát ngay sau đó.

Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của WHO thì có tới gần 70% số trường hợp mắc dịch hạch trong lần này là thuộc thể phổi với khả năng lây truyền trực tiếp thông qua đường không khí.

Với triệu chứng ban đầu tương tự như cảm cúm, người bệnh rất dễ dàng để "xổng" vi khuẩn Yersinia pestis ra ngoài cộng đồng sau mỗi lần ho khan, hắt hơi hoặc sổ mũi kéo dài. Kinh khủng hơn, nó còn có khả năng giết chết nạn nhân chỉ trong vòng 12 đến 24 tiếng nếu không được phát hiện kịp thời.

Nhảy múa với xác chết - tập tục cổ hủ đang có nguy cơ giết chết hàng triệu người - Ảnh 2.

Những đợt bùng phát dịch hạch thể hạch lympho quy mô nhỏ đang thi nhau xuất hiện tại Madagascar.

Bởi vậy, tổ chức WHO đã ban bố cảnh báo nhằm đề phòng dịch bệnh bùng phát đối với chín quốc gia có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Madagascar, bao gồm: Comoros, Ethiopia, Kenya, Mauritius, Mozambique, lãnh thổ hải ngoại La Réunion của Pháp, Seychelles, Tanzania và Nam Phi.

Các công dân nước ngoài cũng được khuyến cáo nên hạn chế du lịch tới đảo quốc Madagascar trong thời điểm nhạy cảm này.

Hủ tục góp phần hồi sinh "cái chết đen"

Các quan chức y tế đã phát hiện ra famadihana, hay còn gọi là "nhảy múa với xác chết" - một trong những tập tục truyền thống lâu đời tại Madagascar có thể đang góp phần không nhỏ trong sự lây lan của căn bệnh dịch hạch.

Cụ thể, nhiều gia đình sẽ đào phần mộ của thân nhân quá cố nhằm thu thập xương cốt, sau đó bọc kĩ lại bằng tấm vải lớn rồi cứ thế hòa mình trong vũ điệu sôi động trước khi gửi lại chúng vào ngôi huyệt mới.

Nhảy múa với xác chết - tập tục cổ hủ đang có nguy cơ giết chết hàng triệu người - Ảnh 3.

Các công dân nước ngoài được khuyến cáo nên hạn chế du lịch tới Madagascar trong thời gian này.

Việc có thực hiện famadihana hay không cũng phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của gia đình người đã khuất và có thể tiến hành nhiều hơn một lần, với hạn chế duy nhất là phải cách thời gian "cải táng" gần nhất khoảng năm, bảy hoặc chín năm.

Lãnh đạo cơ quan y tế Madagascar ông Willy Randriamarotia chia sẻ: "Nếu xác chết của người tử vong do mắc bệnh dịch hạch thể phổi bị đưa ra khỏi mộ thì có khả năng vi khuẩn Yersinia pestis sẽ tiếp tục lây nhiễm cho những đối tượng đang tiếp xúc gần đó".

Nhảy múa với xác chết - tập tục cổ hủ đang có nguy cơ giết chết hàng triệu người - Ảnh 4.

Sau màn nhảy múa linh đình, thi thể của người quá cố sẽ được chôn xuống một ngôi huyệt mới.

Hệ thống luật pháp tại Madagascar đã quy định thi thể của bệnh nhân qua đời vì nhiễm dịch hạch thể phổi cần phải được chôn cất một cách ẩn danh bên trong một huyệt mộ kiên cố và đóng kín vĩnh viễn.

Nhưng không ít người vẫn cố gắng thực hiện tập tục xa xưa này dù hoàn toàn biết rõ đây là hành động trái phép. Thậm chí, họ còn cho rằng đợt bùng phát bệnh tật mới nhất chỉ là thuyết âm mưu do chính phủ bịa ra nhằm "ăn chặn" nguồn tài chính ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

"Dù chính quyền có nói gì đi nữa thì tôi vẫn chẳng thể nào bỏ qua việc tưởng nhớ tới nguồn cội của mình. Gần đây, họ cố tình nói dối về đợt bùng phát dịch hạch để ngăn chặn xã hội thực hiện cải táng xương cốt cho tổ tiên", bà Helene Raveloharisoa nói.