Bị nhà tuyển dụng “hành” trong buổi phỏng vấn chắc hẳn là câu chuyện mà không ít chị em làm việc nơi công sở đã từng gặp phải. Nguồn cơn câu chuyện cũng chỉ đơn thuần xuất phát từ việc nhà tuyển dụng muốn đặt ứng viên vào những tình huống khó khăn để họ có thể bộc lộ cá tính một cách chân thật và toàn vẹn nhất. Từ đó, những đánh giá được đưa ra cũng có tính chính xác cao hơn.
Tuy nhiên, ranh giới giữa thử thách và hành hạ vốn quá đỗi mong manh; chỉ cần đi quá giới hạn một khoảnh khắc, bản chất vấn đề có thể bị biến đổi. Đơn cử, vừa mới đây, một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ đông đảo thành viên là dân công sở đã có dịp đăng tải tâm sự của một thành viên về trải nghiệm bị “công kích” ngay trong buổi phỏng vấn. Cụ thể, thành viên này bộc bạch:
“Anh chị có bao giờ đi phỏng vấn mà gặp sếp vô duyên chưa ạ. Chuyện là vầy, em nộp đơn cho một Agency vị trí Account. Em vượt qua vòng 1 rồi, đến vòng 2 thì em gặp CEO công ty.
Điều thứ 1: Anh này kiểu như đang kiếm chuyện với em. Ảnh hỏi em câu lý do tại sao em nghỉ việc? Em trả lời là do em không hợp với môi trường làm việc và sếp ở đó. Ảnh liền quy chụp ngay là em đang nói xấu công ty cũ? Anh kêu em chia sẻ mà?
Điều thứ 2: Anh này nói rất nhiều và giành hết phần để nói. Ảnh đang phỏng vấn em mà em cứ nghĩ là em đang tham gia một buổi toạ đàm do anh trai này làm diễn giả vậy.
Điều thứ 3: Anh này mạnh mồm mạt sát em bằng những câu: "Tư duy em còn non lắm", "em chắc chắn sẽ thất bại",…
Kính thưa quý anh chị, nếu em không phải là người thiền tập lâu năm thì em cam đoan buổi phỏng vấn hôm đó sẽ đẫm máu vì background của em là võ sinh ạ. Thôi tus tâm sự dài quá rồi, em kết thúc nhé. Kính chúc quý anh chị khô ráo trong mùa bão số 6 này ạ”.
Ngay sau khi được đăng tải cách đây chưa lâu, những dòng chia sẻ đến từ thành viên này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình với thái độ của người sếp bên trong câu chuyện cũng như chia sẻ sự đồng cảm đã được để lại bên dưới phần bình luận:
“Mình đi phỏng vấn, chị CEO nói nhiều cứ như anh thanh niên thèm người trong "Lặng lẽ Sa Pa" vậy. Đáng lẽ mình phải nhận ra đấy là điềm chẳng lành. Hậu quả khi vào làm, tuần nào cũng họp cả sáng thứ 2, có tuần họp 4 lần. Facebook nhóm thì tinh tinh cả ngày lẫn đêm. Mấy đứa làm lâu rồi còn chẳng thèm rep, thế là CEO lại phải mở một buổi họp team để dằn mặt”.
"Em thấy không hợp vì môi trường làm việc ở chỗ cũ quá phức tạp". Trả lời: "Nếu em tìm được vàng trong đống rác, em mới là người thành công". Mình sợ người hay nói triết lý”.
"Tư duy em còn non lắm". Chán anh ghê, thôi em cũng nói lời cảm ơn để đi nơi khác cho lành”.
Phỏng vấn vẫn luôn là đề tài có vô vàn những câu chuyện để chị em công sở có thể đem ra bàn tán và chia sẻ. Gặp được công ty chuyên nghiệp, quy trình rõ ràng thì không có gì để nói; tuy nhiên, cũng có không ít những trường hợp, nhà tuyển dụng thích “tạo nét” để “khè” ứng viên.
Chung quy, chị em vẫn là người trực tiếp đối diện và rõ nhất về những cá nhân mà mình sẽ làm việc cùng sau này. Do đó, đừng ngần ngại đứng dậy, cảm ơn và chào tạm biệt nếu thấy mình không được tôn trọng.