Ngày nào cũng như ngày nào, mỗi nhân viên kiểm duyệt nội dung của Facebook tại cơ sở Ấn Độ phải nhìn qua hơn 2000 bài post bị báo cáo, từ những cảnh bạo lực máu me nhất cho tới hình ảnh kích động, khiêu dâm. Có khoảng 1600 người cùng làm trong một đơn vị như vậy, với ca làm kéo dài 8 tiếng/ngày, trung bình 1 phút họ phải giải quyết xong 4 vụ được báo cáo.
Tất cả bọn họ đều thuộc đội ngũ giới thiệu của Genpact - một hãng môi giới việc làm ở thành phố Hyderabad thuộc miền nam Ấn Độ - được đề xuất để làm việc dưới dạng hợp đồng thời vụ hợp tác với Facebook cho công việc này.
Thế nhưng, một thông tin đang dần nhen nhóm và lộ ra từ cuối năm ngoái cho tới nay đang khiến nhiều người thực sự sửng sốt: Họ cho rằng các nhân viên ở đây bị bóc lột sức làm, không được trả công xứng đáng, ngay cả khi tính chất công việc đòi hỏi rất nhiều áp lực, thậm chí ảnh hưởng mạnh tới tâm lý.
Áp lực đến từ công việc kiểm duyệt nội dung của Facebook vẫn là chủ đề được bàn tán xôn xao từ lâu.
Hầu như mọi nhân viên kể trên đều trong độ tuổi 20, và chỉ 7 người trong số họ dám ngấm ngầm tiết lộ những gì đang xảy ra. Dù vậy, họ không bao giờ đồng ý nói thêm về danh tính và các thông tin khác vì sợ bị đuổi việc cũng như vi phạm các điều khoản giữ kín thông tin theo hợp đồng ban đầu. Được biết, 3 trong 7 người đó đã nghỉ làm việc tính tới nay.
"Cảnh tượng một người đồng nghiệp nữ quá mệt mỏi và không chịu nổi, ngã gục ra trên sàn nhà là chuyện không mấy xa lạ. Họ phải chứng kiến và xử lý quá nhiều hình ảnh ghê rợn, liên quan đến các vụ tự sát...", một cựu nhân viên chia sẻ với Reuters.
Genpact từ chối bình luận khi được liên hệ về thông tin này.
Những người này đang làm một trong những công việc quan trọng hàng đầu tại Facebook, phục vụ tầm nhìn xa của họ khi quản lý và kiểm duyệt nội dung của hơn 2 tỷ người dùng.
Tuy nhiên, Ellen Silver - phí chủ tịch điều hành của Facebook - cũng thừa nhận với Reuters rằng các nhân viên kiểm duyệt này chưa thực sự được coi là một phạm trù chính thức như các chức vụ khác theo danh nghĩa của Facebook.
"Chúng tôi vẫn đảm bảo họ làm việc tốt, bao gồm việc tập huấn trước khi đưa vào làm việc chính thức, chỉ tiêu tuyển dụng và cả những chế độ phúc lợi với đối tác nói chung," Ellen từng phát biểu trước đó.
Facebook cũng công khai việc mình thường xuyên tìm tới các công ty môi giới nhân lực để tuyển dụng nhân viên, nhưng lại có phần phủ nhận các cáo buộc liên quan tới tình trạng tiêu cực về môi trường làm việc tại Ấn Độ. Tất cả những gì họ nói tiếp chỉ là kế hoạch sách vở về một buổi hội nghị tương lai, nơi họ và các đối tác tìm kiếm nhân lực sẽ cùng họp và nhất trí trên một quan điểm đồng thuận về chất lượng làm việc tốt nhất cho những nhân viên này.
Hiện tại, Facebook đã liên kết với ít nhất 5 công ty môi giới nhân lực và việc làm, có trụ sở và chi nhánh ở 8 quốc gia khác nhau trở lên, chỉ để tìm và lấp đầy các vị trí làm công việc kiểm duyệt nội dung. Tổng cộng có trên 20 cơ sở kiểm duyệt được đặt trên toàn thế giới, và số người làm việc trong đó đã lên tới 15.000 tính tới tháng 12 vừa qua, chắc chắn sẽ còn tăng lên.
Trong số đó, một nhân viên có tên Selena Scola đã từng chủ động khởi kiện Facebook tại tòa án California trong tháng 9/2018, với lời buộc tội Facebook không quan tâm và đền bù xứng đáng với những gì họ bỏ ra để làm công việc này - đặc biệt là khi phải chịu đựng vấn đề ảnh hưởng tâm lý với đầy các hình ảnh ghê rợn bắt buộc phải xem. Ở một diễn biến khác, trang tin công nghệ uy tín The Verge cũng vừa có một bài viết chi tiết, chuyên sâu điều tra về mặt tối này.
Tại mỗi khu vực, các nhóm nhân viên kiểm duyệt nội dung sẽ phụ trách các bài đăng trong ngôn ngữ phù hợp - chẳng hạn như trụ sở kiểm duyệt tại Ấn Độ sẽ quản lý những nội dung tiếng Ấn, tiếng Ả Rập, tiếng Anh và một vài phương ngữ khác. Từ đó, họ sẽ phân loại nhỏ hơn: Có nhóm sẽ chuyên tâm xử lý các vụ việc liên quan đến ảnh khiêu dâm, có nhóm lại làm về thông tin khủng bố, hoặc tai nạn thảm khốc. Áp lực nhất có thể kể tới nhóm chuyên lo liệu các vụ livestream tự tử, thường không kịp liên hệ tới các ban ngành chức trách để kịp thời ngăn chặn và ứng cứu.
Công việc đòi hỏi rất nhiều sự tập trung cao độ hết mức và áp lực khủng khiếp, thế nhưng, sửng sốt nhất vẫn là những gì các phóng viên Reuters thấy về mức lương được trả. Theo thông tin từ Genpact, bảng tiền công cơ bản dành cho một nhân viên kiểm duyệt Facebook nói chung rơi vào khoảng 100.000 rupee/năm, tương đương 1404 USD hay 32,6 triệu đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc họ chỉ được trả chưa tới 100.000 đồng/ngày.
Facebook cố thanh minh rằng đó chỉ là mức lương cơ bản, và nhân viên còn được nhận thêm các khoản trợ cấp khác theo lợi ích công việc. Lạ lùng thay, hóa ra chúng chỉ là khoản tiền nho nhỏ phụ cấp phương tiện công cộng đi lại theo giờ đưa đón đi làm - một tiêu chuẩn quá phổ biến ở Ấn Độ mà hầu như ai cũng được nhận - và chẳng còn gì nhiều nhặn thêm nữa. Trong khi đó, các nhân viên có chức vụ tương tự nhưng làm việc kiểm duyệt cho Google và YouTube thì được tuyển từ hãng môi giới nhân sự Accenture, không phải Genpact, và có mức lương trung bình tận 350.000 rupee/năm, tương đương khoảng 115 triệu đồng.
Facebook không trực tiếp bình luận thẳng vào vụ việc nêu trên, chỉ hứa hẹn đang yêu cầu một mức lương cao hơn cho nhân viên của họ tại Ấn Độ. Về phần Genpact, họ vẫn nói rằng "mức lương được cấp là cao hơn tiêu chuẩn lương cơ bản của ngành lao động theo luật đưa ra" - một lời nói khá mơ hồ và chỉ mang tính... chữa cháy.
Tham khảo: Reuters