Nhân hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày giỗ Trần Lập, một biểu tượng rock Việt Nam

Gia Cường, Theo Trí Thức Trẻ 21:30 25/03/2018
Chia sẻ

Văn hoá của nhạc Rock không đẹp đẽ, không màu mè thanh lịch nhưng lại là thứ văn hoá nơi con người ta cảm thấy đáng sống, và đang-sống nhất.

Cách đây cũng cỡ rất là xa rồi.

Khi Bức Tường bắt đầu trở nên nổi bật thì tôi cũng mới chỉ nghe Rock được một, hai năm và cũng mới chỉ nghe mấy band kinh điển như Scorpions, Gun and Rose hay Queen. Nói cách khác là mới chỉ tập tọe dốc dít. Hồi đó tuổi trẻ dậy thì thích thể hiện, thấy Bức Tường nổi quá thì cũng tỏ ra là không thích, giống như là không (thèm) thích Metallica hay Linkin Park vậy. Dĩ nhiên, mình phải thể hiện là tai nghe nhạc có cá tính, đi nghe mấy nhóm đại trà cơ bản là vứt đi.

Nhưng Bức Tường ngày ấy lại nổi quá, nổi đến mức nghe Rock mà không nói đến Bức Tường là không thể. Ở lớp cấp hai tôi có nhiều "bạn nhạc", có hai thằng thân nhất cùng nghiện Rock, nhưng cũng có mấy thằng không thích Rock mà vẫn thích Bức Tường. Trong số ấy, có đứa còn tham gia fanclub, đi phát tờ rơi, đi họp mặt ở các quán cà phê người hâm mộ. Ngày xưa không có net, nên cả lớp cũng chỉ hóng các anh qua VTV3 với Hoa Học Trò.

Nhân hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày giỗ Trần Lập, một biểu tượng rock Việt Nam - Ảnh 1.

Nhớ hôm Live Show Bức Tường được phát trên VTV3 (hồi đấy có cái loạt chương trình mỗi tháng 1 nghệ sĩ, giờ tôi không nhớ tên), mấy đứa cứ háo hức đợi mãi. Hôm sau đến lớp xôn xao bàn tán như thể đội tuyển U23 vừa thắng bán kết.

Lần đầu tiên tôi được nghe Bức Tường hát live là vào cuối năm lớp 9, lúc ấy là chương trình tổ chức ở cổng chính công viên Thống Nhất. Có Bức Tường, có Thủy Triều Đỏ, có The Light và hình như là Cuộc SốngS (vâng, đúng tên là như thế chứ không phải viết sai). Chương trình do Yamaha tổ chức, miễn phí vé vào cửa nhưng chặn xe dọc từ cổng đến Lê Duẩn. Mẹ tôi đèo đi, thả con ở chỗ ngã ba đó rồi đêm đến hết show thì đón về.

Nhân hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày giỗ Trần Lập, một biểu tượng rock Việt Nam - Ảnh 2.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi được hiểu không khí đêm nhạc Rock là như thế nào. So với Rock Storm những năm gần đây thì lượng người đến xem ít hơn hẳn, đếm vơ đến vội chắc nhiều lắm được 1000 người. Nhưng 1000 người đó lại là khuôn mẫu cho tất cả những Rock Show Việt Nam đáng nhớ tôi được tham dự sau này: thằng nào buồn buồn chán chán thì ra sau sân khấu đứng cho gió thổi hiu hiu phiêu theo tiếng nhạc, thằng nào máu thì lên gần nhảy nhót cuồng loạn, giật đầu giật cổ. Một nửa (hoặc có lẽ là 3/4) ở phía trên thường không nhảy theo nhịp của nhạc mà nhảy theo nhịp nào dễ nhất có thể, hoặc là theo cái nhịp của một thằng không-quen-biết mà mình đang bá vai bá cổ.

Mỗi ông headbang (giật đầu rũ rượi) theo một kiểu, ông thì giật sau ra trước, ông thì gập từ trên xuống dưới, ông thì air bass/air guitar, ông lại ôm loa "giặt giũ"... Thỉnh thoảng lại "Ai tàu hỏa nào", "Ai vòng tròn nào" hay "Thằng nào hút thuốc thì vào đây". Vui, nồng nhiệt, cháy hết mình với đam mê.

Thời ấy, chúng tôi không dùng từ "quẩy" để nói về sự hoà quyện với âm nhạc như các show EDM bây giờ.

Nhân hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày giỗ Trần Lập, một biểu tượng rock Việt Nam - Ảnh 3.

Hay thỉnh thoảng lại có thằng đốt áo khói mù mịt, có thằng hất tung nước ra xung quanh mát rượi. Đọc đến đây thì chắc bạn cũng hiểu, Rock Show hồi đó không phải là một thứ hoàn toàn đẹp đẽ hay theo sát các quy chuẩn văn hóa kiểu thanh lịch nền nã. Như show Yamaha nói trên, cứ có trục trặc kỹ thuật thì Rock fan ở dưới sẽ đứng hô "Honda" hoặc "Loncin", vâng, vì show là do Yamaha tổ chức mà. Nói "Loncin", cái thương hiệu xe máy giờ chắc chẳng ai mua, là để bạn hiểu, thời ấy đã rất xa rồi.

Hay như có band nào hát dở thì ở dưới sẽ hô "Xuống đi, xuống đi", hoặc hô tên của band khác như một sự xéo xắt chì chiết của đám thanh niên nghịch ngợm choai choai. Chen lấn xô đẩy là chuyện bình thường, nhưng đơn giản là chẳng có ai để tâm mà bực mình cả. Người ta còn mải hô "Xuống đi" hoặc mải hát theo ban nhạc. Thời đấy những band trẻ tuổi mới nổi (hoặc bị ghét vì) cover Linkin Park thì không nói làm gì, nhưng kể cả mấy band kém nổi tiếng hơn như Atmosphere hay The Light vẫn có người hát theo. Rất rất nhiều người hát theo.

...Và Bức Tường. Nếu đã một lần đứng dưới mưa cùng bá vai nắm tay giơ lên cao thằng (không quen biết) đứng cạnh để hát Bông Hồng Thủy Tinh hay Ngày Hôm Qua thì bạn sẽ hiểu không khí Rock ngày ấy thiêng liêng, xúc động đến chừng nào. Nếu đã từng cùng vẫy tay và nhảy nhót theo Rock Xuyên Màn Đêm hay Cây Bàng thì bạn sẽ hiểu Rock ngày xưa không đẹp đẽ, không văn hóa, nhưng vẫn là những khoảnh khắc đáng sống nhất, những khoảnh khắc bạn cảm thấy mình đang-sống nhất. Nó là trọn vẹn những gì đam mê cuồng nhiệt, nó là "tôi đến đây để chẳng là ai nhưng vẫn là tất cả". Nó là một ngọn lửa, không phải bùng cháy cho 10.000 người, mà là bùng cháy bên trong từng người trong 1000 người đứng dưới mưa hát Cây Bàng.

Nhân hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày giỗ Trần Lập, một biểu tượng rock Việt Nam - Ảnh 4.

Lần cuối cùng tôi được tận hưởng không khí ấy là vào năm nhất đại học, tại một show không có Bức Tường bởi các anh đã tạm thời tan rã. Lúc ấy Rock Storm đã cực kỳ phổ biến. Gần như trong suốt 10 năm qua, những sự kiện như Rock Storm không còn là của riêng những người nghe Rock. Nghe thì có vẻ ích kỷ, nhưng Rock Show cứ ngày to ra nhưng nhạt dần. Người ta đến chen nhau để nhìn được lên sân khấu hay màn hình. 10.000 người không có vòng tròn. Tàu hỏa thì bị nhìn như người ngoài hành tinh. Không có ai cầm chai nước vảy ra xung quanh. Không có ai nắm tay nhau để hát Cây Bàng.

Thậm chí, người ta cầm điện thoại trên tay để quên "cháy" theo những lời hát mà lẽ ra, ai cũng nên thuộc.

Và các Rock band thì ngày càng đầu tư hình ảnh, rồi gắn tên manager vào làm một thành viên của ban nhạc. Ngay cả Bức Tường cũng vậy. So mấy cái ảnh diêm dúa lòe loẹt vải vóc của các anh ngày xưa với những bức ảnh đăng face những năm cuối cùng, ai cũng thấy là các anh đã thay đổi nhiều. Hoạt động chuyên nghiệp hơn. 2 album cuối cũng thay đổi. Quá nhiều.

Nhân hôm nay là kỷ niệm 2 năm ngày giỗ Trần Lập, một biểu tượng rock Việt Nam - Ảnh 5.

Ngày xưa những kẻ xa lạ chúng tôi đã từng bá vai nhau đứng ở một góc sân khấu gọi anh: "Lập Sịp ơi Lập Sịp" chứ không phải là "Nhạc sĩ Trần Lập". Nông cạn trẻ trâu thật đấy, nhưng Rock ơi là Rock. Ai còn nhớ?

Cho đến ngày đi xem liveshow cuối cùng của các anh, lần cuối cùng được nghe Trần Lập hát, tôi cũng hiểu rõ ràng rằng cái văn hóa Rock Việt của những năm từ 2003 đến 2009 đã chìm vào dĩ vãng. Thực ra thì The Light cũng đã tan rã từ lâu, Thủy Triều Đỏ cũng chỉ còn 1 thành viên thời Nắng Mới, ATM chẳng biết trôi về đâu, AtOmega không ai nhớ tên. Anh Lập mất, coi như là Rock Việt "cũ" ấy cũng chết, Rock Xuyên Màn Đêm cũng chỉ còn là ký ức.

Nhưng nếu không có Trần Lập, không có Bức Tường thì cũng sẽ không có làn sóng Rock Việt của ngày ấy, và có lẽ cũng chẳng có những An Nam hay Ngũ Cung của ngày hôm nay. Không phải vô cớ mà sau khi các anh ra Tâm Hồn Của Đá thì các ban nhạc khác cũng lần lượt ra album sau hàng năm trời chìm trong sự vô danh nhỏ lẻ. Rock Việt đã khác khi Bức Tường của Trần Lập trưởng thành, Rock Việt cũng sẽ khác khi Trần Lập và Bức Tường không còn nữa.

Đã là 2 năm kể từ ngày anh mất. Nhưng trong trái tim của rock fan chúng tôi, vẫn còn nguyên dấu vết bên nhau ta sống những tháng năm qua.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày