Nhân chứng tiết lộ nguyên nhân lời khai
Chiều 22/5, ngày thứ sáu xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tiếp tục diễn ra. Trong chiều nay, đại diện viện kiểm sát đề nghị được hỏi ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện Hoà Bình, Trưởng khoa hồi sức tích cực) để làm rõ việc ghi thêm nội dung vào sổ họp giao ban.
Toàn cảnh phiên xét xử.
Theo các luật sư, việc nội dung ghi thêm là một trong những bằng chứng "kết tội" bác sĩ Hoàng Công Lương thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện VKS đặt câu hỏi: "Ông có biết việc điều dưỡng viên Đinh Tiến Công thay đổi lời khai".
Ông Khiếu cho rằng, đã biết việc anh Công thay đổi lời khai trước toà song ông không biết ghi thêm cái gì.
Ông Khiếu trả lời tại tòa.
Vị trưởng khoa giải thích, sau khi xảy ra sự cố, một số giấy tờ, hồ sơ chưa hoàn thiện nên ông nói với nhân viên rằng, "cái gì còn sót thì hoàn thiện nốt". Sau đó ông cũng không để ý anh Công điền thêm những nội dung gì.
Ông Khiếu cũng tiếp tục khẳng định, việc phân công cho bác sĩ Lương là khách quan, đúng thực tế chứ không nhằm mục đích gì. Phân công cho bác sĩ Lương quản lý vì ông đã theo dõi và nắm bắt được thông tin những cán bộ ưu tú.
Tiếp đó, hội đồng xét xử hỏi ông Đinh Tiến Công người trực tiếp ghi thêm vào quyển sổ giao nhiệm vụ. Ở giai đoạn truy tố, anh Công cho biết, sổ bàn giao không bị chỉnh sửa nhưng hôm qua lại thay đổi lời khai nên tòa đặt câu hỏi: "Vậy lời khai nào là đúng?".
Rất đông người dân cùng các cơ quan báo chí tham dự phiên tòa.
Anh Công khẳng định lời khai trước toà buổi chiều qua là đúng vì đó là sự thật. Anh cho biết, không nhớ thời điểm ghi thêm chỉ biết rằng khi ghi có ông Khiếu và Tình nhìn thấy.
Bác sĩ Khiếu cũng nói ký sau khi cuộc họp đánh giá viên chức nhưng sau cuộc họp không có chữ ký nào. Sau khi bổ sung sau khi sự cố xảy ra mới có chữ ký chốt biên bản.
Sau sự cố ở Hòa Bình mới ban hành quy trình chạy thận
Trong ngày xét xử hôm nay, đại diện Bộ Y tế được mời đến toà để làm rõ về chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế) cho biết, không nắm được Bộ Y tế có cho Bệnh viện đa khoa Hoà Bình chạy thận nhân tạo hay không.
Ông Quang trả lời tại tòa.
Ông Quang cho biết thêm, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và cả ngành y tế.
Bộ Y tế ngay sau đó đã rà soát và nhận thấy quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau nên tháng 4/2018 đã ban hành quyết định gồm 52 quy trình. Trong đó 7 quy trình liên quan đến hoạt động lọc nước RO.
Nguyễn Trọng Khoa Phó cục trưởng khám chữa bệnh cho biết, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều có thể chạy thận và thẩm quyền quyết định thuộc về Sở y tế ở nơi đó.
Bác sĩ Lương tại phiên xét xử.
Ngoài các hướng dẫn của nhà sản xuất về thiết bị của mình, Bộ Y tế cũng đã ban hành hơn 7000 quy trình kỹ thuật để hướng dẫn.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thêm. Ông Khoa cho biết thêm, vụ 8 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình "cả thế giới cũng chưa từng xảy ra". Ở Mỹ, đã xảy ra sự cố tương tự nhưng cũng không đến mức nghiêm trọng như vậy.
Kết thúc phần hỏi của HĐXX, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị được hỏi lãnh đạo Bộ y tế nhưng HĐXX không chấp nhận vì đơn vị này được toà án mời đến để trả lời vấn đề thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế.
Theo cáo trạng, các bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi - nguyên Giám đốc Cty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người".
Cáo trạng xác định, Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.
Hai loại hoá chất trên không có trong danh mục được dùng trong y tế.
Cơ quan điều tra xác định, quá trình thao tác do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước, đồng thời khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn nhưng ngày 29/5/2017 Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị can Sơn, người được giao kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt để giám sát.
Khi giao nhận qua điện thoại vào chiều 28/5/2017, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo.
Sơn cũng không báo cáo lãnh đạo phòng và sáng 29/5 để mặc cho đơn nguyên thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cáo trạng cũng xác định bác sĩ Hoàng Công Lương được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngày 20/4/2017, Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất và biết rõ việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28/5/2017.
Theo cáo buộc, với trình độ, nhận thức vai trò và trách nhiệm được giao, bị can Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định.
Nhưng sáng 29/5/2017, khi nghe điều dưỡng viên nói về việc Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, ông Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo trách nhiệm được giao.
Bác sĩ Hoàng Công Lương sau đó ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong.