Ngày 1/4 năm nay đánh dấu 24 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm. Âm nhạc của ông vẫn là một dòng chảy trong đời sống.
Một cô giáo dạy văn, cựu sinh viên khoa Văn, K41, Đại học KHXH & NV Hà Nội trải lòng: “Nhạc Trịnh đã đi cùng tôi suốt tuổi trẻ. Những đêm mưa, những ngày buồn, tôi lại nghe nhạc Trịnh và tự hát. Sau này, cuộc sống với bộn bề, lo toan, tôi không còn thời gian chìm đắm trong nhạc Trịnh nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe. Diễm Xưa, Hạ Trắng, Như Cánh Vạc Bay, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, Hoa Vàng Mấy Độ,… giúp tôi sống lại những tháng năm rực rỡ. Tôi giữ thói quen cứ đến ngày giỗ Trịnh lại mở nhạc Trịnh, tìm một chút hoài niệm và cảm giác bình yên”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc Trịnh đang đứng ở đâu trong dòng chảy âm nhạc sôi động hôm nay, liệu có bị “lép vế”? Hoa Hoa, sinh năm 1983, ở Hà Nội, một fan nhạc Trịnh đáp: “Không lép vế. Con trai tôi 18 tuổi vẫn thuộc một số ca khúc nhạc Trịnh, thỉnh thoảng còn cất giọng hát: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi… Tôi yêu nhạc Trịnh từ khi còn rất trẻ. Nay đã ngoài 40 vẫn yêu nhạc Trịnh, nghe nhạc Trịnh vẫn thấy hay. Nhưng tại thời điểm này, áp lực kinh tế lớn quá nên không có nhiều thời gian dành cho âm nhạc nói chung, nhạc Trịnh nói riêng”.
Cựu sinh viên Văn khoa khẳng định: “Nhạc Trịnh nằm ngoài trào lưu, xu thế, không dính dáng gì tới hot trend (xu hướng thịnh hành). Nói đến nhạc Trịnh là nói đến sức bền nhiều hơn sức nóng”. Thu Hà, sinh năm 1978, ở Hà Nội lại cho rằng, nhạc Trịnh dần mai một. Người trẻ còn mải đu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Anh Trai Say Hi, rồi Sơn Tùng M-TP… nên ít nghe, ít thuộc nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh trước đó từng là món ăn tinh thần, là hơi thở, ai cũng nghe, cũng thuộc.
Thanh Hương, giọng ca quen thuộc của phòng trà Trịnh Ca nhận xét: “Khán giả của nhạc Trịnh bây giờ chủ yếu là những người không còn trẻ, những khách du lịch nước ngoài đi theo tua, có điểm dừng chân là phòng trà. Không như ngày xưa, khán giả nghe nhạc Trịnh rất trẻ. Có những người trẻ chỉ đi một mình, ngồi một góc lặng lẽ nghe, nhắm mắt vào để thưởng thức”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Cẩm Vân
Trịnh Sơn Truyền, biệt danh Gã Du Ca, một người bị nhạc Trịnh “bỏ bùa” chưa bao giờ nghi ngờ về sức sống của nhạc Trịnh. Anh khoe: “Tôi vừa diễn đêm Trịnh tối 30/3 tại Thái Nguyên, 23h mà không khán giả nào chịu đứng dậy đi về”. Danh ca Cẩm Vân yêu nhạc Trịnh và yêu con người Trịnh tin tưởng nhạc Trịnh sống mãi cùng thời gian. Theo Cẩm Vân: “Mỗi dòng nhạc có vị trí riêng, giá trị riêng, nhạc trẻ cũng rất hay nhưng tính triết lý, ca từ đẹp thì phải nói đến nhạc Trịnh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn không ào ào như nhạc trẻ mà thấm dần, bền lâu”.
Danh ca Cẩm Vân kể: "Sinh thời, anh Sơn cứ sáng tác được bài mới liền gọi điện khoe với tôi. Bài Em đi bỏ lại con đường, tôi là người hát đầu tiên: Em Đi Bỏ Lại Con Đường/Bờ Xa Cỏ Dại Vô Thường Nhớ Em… Trịnh Công Sơn rất thích tôi hát bài này. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Bảo Phúc thường tới nhà tôi ăn và chơi từ trưa đến khuya mới về".
Cẩm Vân nhớ lại, trong các cuộc trò chuyện, Trịnh Công Sơn chỉ nói về âm nhạc, không nói xấu ai bao giờ. "Anh ấy không ăn được bao nhiêu, chỉ ngồi uống rượu, nói chuyện. Anh thèm bạn bè, thèm trò chuyện. Có lần anh kêu tôi đến nhà, lúc đó đã 11 giờ đêm, tôi vừa đi hát về. Mẹ anh cưng anh lắm, mẹ nấu yến cho anh. Tôi nhớ đêm ấy anh mặc áo bà ba trắng, mẹ anh cầm bát yến đến bên anh và nói: Con ăn đi. Anh không ăn. Mẹ anh lại bảo tôi: Cẩm Vân nói ảnh ăn giùm cho cô đi. Trong cuộc sống đời thường, anh Sơn được cưng lắm và anh ấy cũng thích được cưng", Cẩm Vân kể.
Nữ ca sĩ đã hát rất nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn, chị ám ảnh bởi ca từ của Trịnh. “Có nhiều câu hay lắm. Trong bài Ru Ta Ngậm Ngùi, tôi thích những câu: Có sợi tóc nào bay/Trong trí nhớ nhỏ nhoi hoặc Đời sao im vắng/Như đồng lúa gặt xong/Như rừng núi bỏ hoang/Người về soi bóng mình/Giữa tường trắng lặng câm. Mỗi một thời điểm tôi lại có một cảm nhận mới về nhạc Trịnh. Ngày trước tôi hát Sóng Về Đâu đầy khắc khoải, khát khao, mãnh liệt nhưng ở album mới tôi hát thanh thản, buông bỏ”, chị nói.
Nữ danh ca cho biết, thời điểm này chị “đắt sô” nhạc Trịnh. Chị cũng vừa phát hành đĩa than Vết lăn trầm tri ân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đáng nói, trước ngày phát hành, album đã ở trạng thái “sold out” (hết hàng) vì lượng khách đặt trước quá đông. Chị chưa có kế hoạch tái bản đĩa than Vết lăn trầm. “Đây cũng là câu trả lời cho những ai nghĩ nhạc Trịnh hết thời”, chị bày tỏ.
Nhà thơ Bình Nguyên Trang khẳng định, nhạc Trịnh không “lép vế” trong dòng chảy âm nhạc hôm nay, dù nhìn trên bề nổi có vẻ như vậy. Theo nữ thi sĩ, âm nhạc Trịnh Công Sơn không thuộc về không gian lớn mà thuộc về không gian nhỏ, để người ta cùng suy ngẫm về đời sống và thân phận con người.
Tlinh và Thể Thiên hát nhạc Trịnh trong đêm Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên” Ảnh: TÙNG ĐINH
“Nhạc Trịnh dành cho những ai băn khoăn về thân phận, về sự tồn tại của mình trong đời sống. Đó là những câu hỏi vĩnh cửu. Giới trẻ hôm nay ngập chìm trong công nghệ, phương tiện giải trí song không hẳn họ kém cô đơn hơn thế hệ trước. Đến một lúc nào đó họ sực tỉnh và sẽ lại đi tìm câu trả lời về sự tồn tại của mình. Ai rồi cũng thế! Vì vậy, nhạc Trịnh như dòng chảy ngầm trong đời sống này”, chị nói.
Họa sĩ Đào Hải Phong thường nghe nhạc Trịnh khi làm việc trong xưởng vẽ. Anh tin rằng, người trẻ hôm nay vẫn yêu nhạc Trịnh. “Có thể nhạc Trịnh lắng xuống một khoảng thời gian nào đó rồi sẽ trở lại”, anh nói. Họa sĩ của những mảng màu rực rỡ cảm thấy lời ca trong nhạc Trịnh có sức mê hoặc. Anh nói: “Khó có nhạc sĩ nào viết được lời hay như Trịnh”.
Từ hơn 1 tháng nay, khán giả yêu nhạc Trịnh vẫn tìm thấy những nơi nương náu để chìm đắm trong nhạc Trịnh. Từ 28/2 (sinh nhật Trịnh Công Sơn) cho tới 1/4 (ngày mất của ông), nhiều đêm nhạc với quy mô khác nhau diễn ra khắp cả nước, đều chung mục đích tri ân, tưởng nhớ Trịnh Công Sơn.
Có thể kể tới đêm Trịnh cuối của ca sĩ Giang Trang; Nhớ Trịnh Công Sơn 4 với các giọng ca như Cẩm Vân, Hồ Trung Dũng, Diệu Thúy, Bích Ngọc, Tôn Sơn; nhóm DragonPlus gồm Khôi Minh, Việt Long, Phương Mai,... tổ chức đêm Nhớ thương con người, có ca sĩ, nhạc sĩ Giáng Son là khách mời. Ca sĩ Khôi Minh bày tỏ: "Thiên thu với chúng ta là nơi yên nghỉ. Còn với Trịnh Công Sơn, đơn giản là một đường không bến bờ... Riêng trong đề tài 'nỗi chết', không tác giả, ca khúc nào nào vượt qua Trịnh Công Sơn".
Một trong những đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn quy mô nhất năm nay phải kể đến Em còn nhớ hay em đã quên, diễn ra 29-30/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bên cạnh các tên tuổi quen thuộc như Thanh Lam, Đức Tuấn, Bùi Lan Hương, Minh Thu, Lô Thủy, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, đêm nhạc còn có hai nghệ sĩ gen Z là Thể Thiên và tlinh.